Triển vọng của thị trường căn hộ dịch vụ ở TP. HCM trong năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
Căn hộ xa trung tâm Hà Nội sẽ là tiêu điểm của thị trường năm 2022Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội lên cao nhất trong 5 nămCăn hộ chung cư sắp bàn giao được “săn lùng”Duy trì hoạt động trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản cho thuê ở TP. HCM. Tuy nhiên, phân khúc căn hộ dịch vụ ở thành phố này vẫn duy trì hoạt động, nguồn cung và công suất giảm nhưng vẫn có giao dịch thường xuyên.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung ở TP. HCM trong quý IV/2021 là 6.200 căn, giảm 3% theo quý và 5% theo năm. Năm 2021 có 500 căn hộ từ 16 dự án hạng B và hạng C đã đóng cửa vì dịch bệnh. Nguồn cung căn hộ hạng C được ghi nhận mức giảm mạnh nhất là 11% theo năm do nhà vận hành thiếu kinh nghiệm quản lý, sự cạnh tranh gay gắt từ các phân khúc bất động sản khác.
Thị trường căn hộ dịch vụ ở TP. HCM vẫn duy trì hoạt động trong năm 2021. Nguồn ảnh: Internet
Công suất phục hồi của phân khúc căn hộ dịch vụ ở TP. HCM vẫn tương đối ổn định theo từng quý nhưng giảm nhẹ theo năm. Theo Savills Việt Nam, trong quý IV/202, công suất trung bình của phân khúc này đạt 64%, tăng 1 điểm phần trăm theo quý và giảm 2 điểm phần trăm theo năm.
Giá thuê trung bình của căn hộ dịch vụ ở TP. HCM trong quý IV/2021 là 485.000 đồng/m2/tháng, ổn định theo quý những giảm 6% theo năm. Trong đó, hạng C giảm giá thuê nhiều nhất, giảm 11% theo năm do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình căn hộ mua để cho thuê.
Nhận định về thị trường căn hộ dịch vụ ở TP. HCM trong năm 2021, Troy Griffiths – Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, căn hộ dịch vụ vẫn duy trì hoạt động tốt đáng kinh ngạc. Với việc mở cửa trở lại, tình hình hoạt động được kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai”.
Triển vọng phát triển trong năm 2022
Đối tượng khách hàng chủ yếu của căn hộ dịch vụ là người nước ngoài, khách công tác dài ngày và một số ít khách du lịch ngắn ngày. Cho nên, sự phát triển của phân khúc bất động sản này phụ thuộc rất lớn vào việc mở cửa đường bay quốc tế và các quy định nhập cảnh đối với người nước ngoài.
Với những tín hiệu khả quan của sự hồi phục kinh tế, tỷ lệ tiêm chủng cao, việc nới lỏng các quy định nhập cảnh với người nước ngoài và nối lại đường bay quốc tế, thị trường căn hộ dịch vụ được kỳ vọng sẽ cải thiện vào năm 2022.
Phân khúc căn hộ dịch vụ ở TP. HCM có nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2022 nhờ việc Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị mở lại đường bay quốc tế. Nguồn ảnh: Internet
Theo Bộ Y tế vào tháng 01/2022, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam là 95,4% cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ sáu trên thế giới. Thời gian cách ly đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam có “hộ chiếu vaccine” giảm.
Đặc biệt, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc nối lại các chuyến bay quốc tế để đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản của công dân. Khi đường bay quốc tế được mở lại, nguồn khách hàng của phân khúc căn hộ dịch vụ ở TP. HCM sẽ tăng trở lại.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đang đổ vào Việt Nam cũng là một tín hiệu phát triển tốt cho căn hộ dịch vụ ở TP. HCM trong năm 2022. Bởi lẽ, TP. HCM vẫn là một điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI. Trong năm 2021, thành phố này có vốn FDI đăng ký đứng thứ 3 cả nước, chiếm 12% thị phần và có 633 dự án mới với giá trị 687 triệu USD.
Theo Savills Việt Nam, trong năm 2022, dự kiến sẽ có thêm 68 căn hộ dịch vụ hạng C từ hai dự án mới thuộc chuỗi City House tham gia thị trường. Đến năm 2024 sẽ có 8 dự án với 660 căn dự kiến sẽ gia nhập thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung này có thể sẽ bị hoãn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Có nên đầu tư căn hộ dịch vụ trong năm 2022?
Trước những tiềm năng phát triển trong năm 2022, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng phân khúc căn hộ dịch vụ sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh trong năm 2022. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, phân khúc này chỉ phát triển ở mức độ cầm chừng, không có khả năng sinh lời cao.
Phân tích về dự đoán này, chuyên gia bất động sản Dương Đình Châu cho biết, căn hộ dịch vụ là loại hình chung cư cao cấp được quản lý và vận hành tốt. Đối tượng khách hàng của phân khúc này chủ yếu là người Việt Nam có thu nhập tốt hoặc các chuyên gia nước ngoài.
Trước năm 2019, khi dịch bệnh chưa xảy ra, thị trường căn hộ dịch vụ phát triển rất tốt, tỷ suất lợi nhuận từ các đơn vị khai thác có thể lên đến 15%/tháng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, lệnh cấm biên đã khiến cho phân khúc này gần như bị đóng băng. Ở TP. HCM, một loạt căn hộ dịch vụ phải đóng cửa vì không có khách.
Đến năm 2022, thị trường căn hộ dịch vụ sẽ phát triển hơn năm 2021 nhưng không thể tốt như thời điểm trước năm 2019. Bởi vì, dù có mở lại đường bay quốc tế, lượng khách quốc tế sẽ bị hạn chế, không nhiều như trước đây. Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch, đa số người Việt đều gặp khó khăn về kinh tế. Cho nên, nhu cầu thuê loại hình căn hộ dịch vụ từ nguồn khách hàng trong nước sẽ bị sụt giảm.
Hiện tại đang là thời điểm tốt để các nhà đầu tư “rót vốn” trở lại phân khúc này vì có thể thuê được những mặt bằng đẹp, giá tốt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ quyết định đầu tư trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian vừa qua.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào phân khúc căn hộ dịch vụ, ông Châu cho biết: “Các nhà đầu tư phải chọn những căn hộ có vị trí thuận lợi như: gần sân bay, trung tâm, những nơi vui chơi, giải trí để phục vụ nhu cầu của đối tượng khách hàng. Việc chọn căn hộ có vị trí đẹp để đầu tư vẫn tốt hơn việc dựa vào dự đoán mặt bằng chung của thị trường để đầu tư”.