Tín dụng dành cho chủ đầu tư bất động sản tăng mạnh
Tín dụng bất động sản tăng mạnh
Theo Vietnambiz, tính đến cuối tháng 9/2023 số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cùng kì năm ngoái, chiếm 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng ngân hàng tập trung chủ yếu vào mục đích tiêu dùng hoặc tự sử dụng với 64% cùng khả năng dư nợ trong hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%. Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản đã có sự tăng trưởng mạnh với 21,86%. So với những năm trước tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đã cao hơn rất nhiều nhưng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng lại có xu hướng giảm.
Theo như số liệu được đưa ra tín dụng dành cho hoạt động kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 987.000 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 184.000 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước nhận định tín dụng kinh doanh bất động sản tăng cho thấy những giải pháp, nỗ lực tháo gỡ và hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng bất động sản trung và dài hạn vẫn chưa thật sự nhiều mà chủ yếu tập trung ở kì hạn ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo biến động của thị trường. Do đó, nếu như các tổ chức tín dụng không giải quyết được việc cân đối giữa huy động và cho vay phù hợp thì có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng đã tập trung vào việc cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản với tốc độ tăng trưởng cao.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng trưởng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, tại ngân hàng Techcombank tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối quý III ghi nhận gần 160.238 tỷ đồng (chiếm 34,63% tổng dư nợ), tăng 47% so với đầu năm.
Tại ngân hàng VP Bank, sau 9 tháng đầu năm tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản cũng tăng 45% lên hơn 98.192 tỷ đồng, chiếm 18,83% tổng dư nợ.
Thế khó cho các bên
Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực tái cơ cấu nợ, cấu trúc vốn, hoàn thiện các dự án lớn thì tín dụng kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến các bên tham gia vay và cho vay.
Đại diện CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, Mã: NVL) mới đây cho biết, những dự án nổi bật phát triển tại khu vực trung tâm TP HCM như dự án Aqua City, dự án NovaWorld Ho Tram và dự án NovaWorld Phan Thiet, đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngân hàng thương mại như TPBank, MBBank, VPBank, PVcomBank. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là những vướng mắc pháp lý khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện xây dựng nhanh chóng.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ: “Đối với Novaland, pháp lý là yếu tố then chốt vì công ty còn các khoản phải thu từ các sản phẩm đã bán rất lớn. nếu không xử lý được pháp lý thì ngân hàng không giải toả tiền tạm khoá, đồng thời cũng là rào cản để các ngân hàng giải ngân vốn mới cũng như tiếp tục tài trợ cho người mua nhà”.
Hay đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, vừa qua Ngân hàng LPBank đã cấp hạn mức cho vay 5.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, có thể giúp cho doanh nghiệp tháo được nút thắt cũng như giải quyết vấn đề với hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở. Hưng Thịnh cho biết đã lên kế hoạch sử dụng dòng tiền này có hiệu quả trực tiếp trên các dự án, triển khai xây dựng và sản xuất kinh doanh. Đến nay hai bên đã tích cực triển khai và Hưng Thịnh đã được phê duyệt chi tiết khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một điều khó đối với các doanh nghiệp và ngân hàng là hạn chế tăng trưởng room tín dụng nên ngân hàng sẽ lựa chọn khách hàng phù hợp để cho vay. Do đó, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận với nguồn vốn. Trong khi đó, lãi suất cho vay bất động sản được đánh giá vẫn ở mức cao. Đồng thời, các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để khiến doanh nghiệp vẫn bị trì hoãn cần có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương.
Đa số các chủ đầu tư địa ốc khi đối thoại với Ngân hàng Nhà nước mới đây đều kiến nghị tiếp tục hạ lãi suất, kéo dài thời gian vay vốn và có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường địa ốc...
Theo đại diện Vinhomes, từ lâu doanh nghiệp này đã có quan hệ rất tốt với các ngân hàng, hai bên làm việc và kết hợp một cách chặt chẽ. Nhưng trong quá trình thẩm định cho vay đôi khi còn nhiều thủ tục ngặt nghèo dẫn tới thời gian phê duyệt quá lâu.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đưa ra quy định chỉ giải ngân cho vay với tài sản bất động sản, những tài sản khác được dùng để thế chấp như cổ phiếu, trái phiếu, máy móc thiết bị không được chấp nhận.
Về phía các ngân hàng họ vẫn giữ thế thận trọng giữa lúc các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng sẵn sàng cho các doanh nghiệp uy tín, dự án khả thi vay nhưng các doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc lại cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả và thanh toán nợ đúng hạn.