Tìm hiểu về công trái trên thị trường chứng khoán
1. Công trái là gì?
Công trái chính là khoản nợ vay của Nhà nước hoặc chính quyền địa phương sử dụng cho mục đích công của Nhà nước. Công trái được xem như một phương pháp để chính phủ huy động mọi nguồn lực tài chính của tập thể hoặc cá nhân trong xã hội và lấy đó làm nguồn lực kinh tế để thực hiện những mục tiêu công của Nhà nước. Những thành phần cung cấp các khoản tài chính cho Nhà nước vay thì lợi ích nhận được sẽ khá lớn. Nguồn lợi này còn được gọi là lãi suất đã được quy định cụ thể từ khi bắt đầu thực hiện hoạt động cho vay. So với những loại hình cho vay khác thì công trái được coi là hình thức đảm bảo an toàn hơn. Đối với các hình thức khác thì chủ sở hữu tài sản sẽ phải tìm hiểu người đi vay cũng như những rủi ro có thể xảy ra, tuy nhiên, đối với hình thức công trái thì chủ thể đã có độ uy tín vì là cơ quan Nhà nước với nguồn tiền được đảm bảo từ ngân sách nhà nước.
Công trái được xem như một trong những hình thức tín dụng của nhà nước, khoản nợ công trái được ghi trên giấy còn có tên gọi khác là “phiếu hay công phiếu” nên việc vay của chính quyền Nhà nước để bù vào các chỉ tiêu phổ biến được áp dụng. Tại Việt Nam, công trái thu bằng đồng Việt Nam và cũng được thanh toán bằng đồng Việt Nam nên trường hợp mua công trái phiếu bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng đều sẽ được chuyển đổi thành đồng Việt Nam. Trong quy định của pháp luật đều đề ra mục đích sử dụng công trái cũng như quy định rõ ràng về cách sử dụng. Những hoạt động mua bán công trái phiếu đều được thực hiện theo các kế hoạch của Nhà nước và phải phụ thuộc vào tình hình phát triển của quốc gia đó. Việc thực hiện các dự án công này đều sẽ góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước và các địa phương.
2. Phân loại công trái
Công trái được phân chia thành nhiều loại nhưng sẽ dựa vào từng khu vực, lãnh thổ, căn cứ vào thời hạn thanh toán vay nợ sẽ được chia ra làm công trái ngắn hạn là loại dưới 1 năm, công trái trung hạn là loại từ 1 đến 5 năm và công trái dài hạn có thời hạn từ 5 năm trở lên. Nếu dựa vào cấp chính quyền đứng ra tổ chức cho vay sẽ được chia ra thành công trái của chính quyền trung ương và công trái của chính quyền địa phương.
Theo quy định của pháp luật công trái sẽ được chia ra thành những loại sau:
+ Tín phiếu kho bạc: Đây là loại công trái với thời hạn dưới một năm được phát hành nhằm huy động vốn bù đắp thiếu hụt tạm thời của các loại ngân sách nhà nước trong một năm.
+ Trái phiếu kho bạc: Đây là công trái với thời hạn từ một năm trở lên được ban hành nhằm bù đắp những thiếu hụt đã xảy ra đối với ngân sách nhà nước và được dùng để đầu tư phát triển.
+ Trái phiếu công trình: Đây là những công trái có thời hạn từ moottj năm trở lên được dùng hy động đầu tư cho từng công trình cụ thể. Những công trái này có thể dùng để chuyển nhượng hoặc đổi ra tiền mặt hoặc hiện vật.
Công trái hay còn gọi là trái phiếu chính phủ sẽ được phát hành cho những chủ thể sau:
+ Công dân Việt Nam trong và ngoài nước, những người nước ngoài làm việc và sinh sống trên địa bàn Việt Nam.
+ Những doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế kể cả Ngân hàng Thương mại, công ty Bảo hiểm, quỹ đầu tư…
+ Các hội và đoàn thể quần chúng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam
+ Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việ Nam dựa trên Luật Đầu tư và Pháp lệnh Ngân hàng nếu được Bộ Tài chính xem xét chấp thuận cũng sẽ là đối tượng được mua trái phiếu.
3. Lịch sử hình thành công trái
Trong lịch sử thì công trái đã xuất hiện từ thời kì Nhà nước chiếm hữu nô lệ, từ thời điểm đó thì việc áp dụng nguyên tắc công trái đã là tự nguyện hoặc bắt buộc tùy vào hình thức. Trong xã hội trước đây, công trái đã trở thành đòn bẩy quan trọng để tích lũy cho xã hội tư bản. Đến thời kì đế quốc, công trái là một cách đầu tư cực kì quan trọng và sinh ra lợi nhuận cho các nhà tư bản tài chính, các nhà nước tư bản lũng loạn đều có số nợ rất lớn.
Từ năm 1896 – 1938, tại Việt Nam đã bị chính quyền thực dân Pháp phát hành 13 lần công trái. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 chiếu theo Sắc lệnh số 112/SL ngày 16.7.1946, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có đợt phát hành công trái đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, dựa theo quy định của pháp luật Việt Nam chỉ có chính quyền trung ương (Chính phủ) mới có thể phát hành trái phiếu (công trái). Công trái có thể chuyển nhượng hoặc không chuyển nhượng bằng tiền mặt hoặc những hiện vật tương đương.
Công trái và trái phiếu chính phủ là hai thuật ngữ khác nhau nhưng thực tế đều là một. Đây đều là những khoản nợ vay của Nhà nước hoặc chính quyền địa phương với mục tiêu để chi trả cho những công việc chung của Nhà nước. Trên thực tế, có nhiều người vẫn nhầm lẫn và nghĩ rằng hai thuật ngữ này khác nhau nhưng trước đây thuật ngữ công trái được sử dụng nhiều hơn và giờ được gọi với cái tên phổ biến là trái phiếu.
4. Đặc điểm của công trái phiếu
- Bất cứ tập thể hoặc cá nhân nào đều có thể mua công trái phiếu, trên trái phiếu thường ghi tên trái chủ hay còn gọi là trái phiếu ghi danh còn nếu không ghi tên trái chủ thì được gọi là trái phiếu vô danh.
- Người cho nhà phát hành vay tiền được gọi là trái chủ, nhưng trái chủ sẽ không có liên quan đến hoạt động và hiệu quả sử dụng vốn từ người vay. Nhà phát hành sẽ có nghĩa vụ phải thanh toán số tiền nợ như đã cam kết khi nhận khoản tiền từ trái chủ lúc ban đầu.
- Người phát hành trái phiếu có thể là một doanh nghiệp thì được gọi là trái phiếu doanh nghiệp, còn nếu do chính quyền phát hành thì sẽ gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ.
- Trái phiếu đem lại nguồn thu rất quan trọng là tiền lãi đây là một khoản thu cố định thường kì còn các trái chủ được trả lãi định kì theo quy định ban đầu.
- Bản chất của trái phiếu là chứng khoán nợ nên khi các công ty kinh doanh thua lỗ, phá sản sẽ vẫn phải bố trí để thanh toán cho những người đã nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp.
5. Có nên mua trái phiếu Chính phủ không?
Trái phiếu chính phủ (còn gọi là công trái hoặc công khố phiếu) là những loại trái phiếu được chính phủ mỗi quốc gia phát hành. Trái phiếu Chính phủ phát hành thường sẽ bao gồm những thông tin về tổng giá trị trong đợt phát hành, tiền kì hạn sẽ hoàn trả vốn cho người mua cũng như lãi suất được trả hàng năm cho người mua và mệnh giá phát hành tại mỗi quốc gia.
Về cơ bản thì người mua sẽ được hưởng lợi suất định kì và ổn định nhưng không có sự đột biến như cổ phiếu. Một trong những lợi ích quan trọng nhất của Trái phiếu chính phủ là tính an toàn và sự đảm bảo. Vì thế, lãi suất có thể thấp hơn lãi suất ngân hàng nhưng vì an toàn nên vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Bên cạnh đó, công trái phiếu còn có tính thanh khoản cao nên khi cần tiền nhà đầu tư có thể bán hoặc thế chấp để đổi thành tiền mặt. Khi bán trái phiếu sẽ nhanh hơn với việc bán bất động sản hoặc chứng khoán. Đồng thời, giá của công trái phiếu sẽ tăng theo thời gian, nhà đầu tư sẽ được hoàn tiền khi đến thời gian đáo hạn.
Công trái phiếu là một kênh đầu tư rất an toàn và được đảm bảo nên các nhà đầu tư có thể yên tâm lựa chọn. Song, nếu muốn tìm một kênh đầu tư thu lời lớn thì công trái phiếu không phải là lựa chọn tối ưu so với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.