Tiền tỉ để mua nhà ở xã hội, người nghèo không đủ sức
BÀI LIÊN QUAN
Người lao động “dễ thở” khi 1.300 nhà ở xã hội sắp được khởi công tại TP Hồ Chí Minh Mua nhà ở xã hội: Bao giờ mới dễ?Hà Nội: Nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng "trục lợi" nhà ở xã hộiThiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) thống kê, thị trường nhà ở đang thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, nhất là nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội. Đây là 2 loại nhà dành cho số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp vùng đô thị.
Do nguồn cung không đủ để phục vụ tổng cầu rất lớn, dẫn đến tình trạng giá nhà đất liên tục tăng trong hơn 5 năm qua. Hiện giá nhà ở nước ta cao gấp 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Trong khi các nước công nghiệp phát triển trên thế giới chỉ số giá nhà chỉ cao hơn 6-7 lần thu nhập.
Cùng với đó, thị trường nhà ở còn mất cân bằng "lệch pha" về phân khúc nhà ở cao cấp. Thể hiện rõ nhất trong 2 năm gần đây, khi nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và mất hẳn trong năm 2021. Trong khi, nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, điều này khiến thị trường nhà vừa có sự chênh lệch, nguồn cung vừa gây khó khăn cho người có nhu cầu, đồng thời cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách thu về của Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang khởi công xây dựng ba dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với số lượng 1.300 căn. Các dự án này được triển khai nhanh để đưa vào phục vụ nhu cầu về nhà ở giá rẻ cho người lao động tại địa phương, nằm trong kế hoạch thu hút nhân lực sau dịch Covid-19.
Tuy nhiên, con số 1.300 không là gì so với khoảng 1,3 triệu lao động tại địa phương có nhu cầu về nhà ở, trong đó, công nhân chiếm tỷ lệ 3% tương đương khoảng 40.000 người. Những người này phải chi trả khoảng 10 – 15 % thu nhập hàng tháng để thanh toán chi phí chỗ ở, trung bình từ 1,6 triệu đồng/tháng/công nhân.
Chỉ tính tại thành phố Hồ Chí Minh đã thấy được sự chênh lệch rất lớn về cung – cầu, điều này chứng tỏ, để giải quyết triệt để vấn đề nhà ở xã hội giá rẻ trên phạm vi cả nước là vấn đề khó khăn từ nhiều năm nay. Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một năm sau đó, kế hoạch công việc chỉ hoàn thành 41,1 % khoảng 5,17 triệu m2 sàn.
Theo tính toán, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu đô thị giai đoạn 2021-2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng số vốn đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 100 dự án, với quy mô khoảng 134.000 căn hộ, chiếm tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước ghi nhận hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn, khoảng 7,35 triệu m2 sàn; tiếp tục triển khai 339 dự án có 371.500 căn có diện tích khoảng 18,58 triệu m2 sàn.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đủ chỉ tiêu như yêu cầu được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; phục vụ cho khoảng 70% công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở.
Không có nhà để mua hay không có tiền mua nhà
Thời điểm trước trước năm 2019, giá mở bán nhà ở xã hội ở khoảng 16 triệu/m2 nhưng hiện nay giá nhà ở xã hội rơi vào khoảng 20 triệu đồng/m2, với mức giá này, trung bình mỗi căn có giá dao động từ 1-1,6 tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh: "Với giá mỗi căn hộ hiện nay khoảng 1-1,6 tỉ thì thời gian trả góp sẽ kéo dài hơn, nhưng hiện nay quy định hỗ trợ cho vay thời gian tối đa chỉ kéo dài15 năm, số tiền được vay tối đa 900 triệu đồng. Với mức lương đủ sống thì người dân lấy đâu ra số tiền còn lại?”.
Năm 2021, Viện Công nhân và Công đoàn khảo sát một số vấn đề liên quan đến người lao động, biết được họ chủ yếu ở nhà thuê, sử dụng điện nước với mức giá cao. Khảo sát cho kết quả, 11,2% người lao động thường xuyên phải vay tiền; 35,6% mỗi tháng vay từ 3-4 lần. Đặc biệt, có hơn 21% số người được khảo sát đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bởi theo báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu-chi, đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy, nếu không có tăng ca, lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức 4,92 triệu đồng/tháng.
41.000 công nhân và người lao động tham gia khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh thì có 41% người đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% đã có nhà.
Trong số đó, có 36% người có mong muốn mua được nhà nằm trong khoảng 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; hơn 33% lựa chọn mua nhà từ 1- 1,5 tỉ đồng; gần 20% mua từ 1,5 - 2 tỉ đồng; hơn 10% mua nhà lớn hơn 2 tỉ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương - Tài xế xe ôm công nghệ (Grab), lao động nhập cư tại TP. HCM bày tỏ: “Thu nhập hiện nay của tôi được khoảng 7 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập này, tôi chỉ đủ khả năng để thuê 1 phòng trọ nhỏ, mỗi tháng trả 1,5 triệu đồng. Số còn lại phải thật tiết kiệm thì mới đủ cho cuộc sống của 2 mẹ con, nên để có tiền mua nhà là rất khó”.
Giá nhà liên tục tăng, vật giá cũng tăng trong khi lương công nhân không không hề tăng, chưa kể đến 2 năm qua, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đơn hàng tại các doanh nghiệp ít hơn, không còn thu nhập tăng ca. Người thất nghiệp, kẻ may mắn nhận đồng lương ít ỏi, nhưng đều phải gánh hàng loạt các khoản phí như ăn uống, đi lại, con cái,... Thử hỏi với tình hình kinh tế như thế, bao giờ người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp mới có nhà để ở?
Để giải quyết những vấn đề cấp thiết trên, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất một số nhưng phương án giải quyết các vấn đề về đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, hướng thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững và ổn định. Hi vọng rằng trong tương lai ngắn, nhà ở xã hội sẽ đóng góp một phần thành công trong mục tiêu "an cư lạc nghiệp" của người lao động.