Thị trường trái phiếu phát triển nóng như “quả bom hẹn giờ”
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia Nguyễn Chí Thanh: Phát triển nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng cho thị trường bất động sản trong thời gian tớiMột năm lao đao vì đầu tư vội vãBiến động các kênh đầu tư, có tiền nên bỏ vào đâu?Kênh phân phối trái phiếu chưa được quản lý sát sao
Thị trường đang chứng kiến những tác động tiêu cực từ các vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB…. Những sự kiện này đã tạo nên cú hích mạnh mẽ và làm bùng nổ cơn khủng hoảng niềm tin trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hàng loạt các nhà đầu tư tháo chạy, rút tiền khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu đã phát triển quá nhanh và nóng như "quả bom hẹn giờ" và đã tiếp cận một lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo cần phải tháo gỡ "quả bom hẹn giờ" này, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập trên thị trường trái phiếu chưa được tháo gỡ. Hậu quả là niềm tin của các nhà đầu tư đang lung lay làm thị trường trở nên xáo trộn.
Tại tọa đàm: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vấn đề và khuyến nghị” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) mới đây, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang tồn tại nhiều bất cập, có vấn đề lớn. Trong đó là tình trạng trái phiếu “3 không”: Không bảo lãnh, không tài sản bảo đảm, không xếp hạng tín nhiệm đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Ông Vũ Đình Ánh cho biết, các vi phạm hiện nay trên thị trường trái phiếu hầu hết thuộc loại trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, bởi quy định và bảo lãnh rất mập mờ, “tưởng vậy mà không phải vậy”. Bên cạnh đó, những trái phiếu doanh nghiệp không tài sản bảo đảm tạo nên rủi ro cho các nhà đầu tư. Đối với các trái phiếu có tài sản bảo đảm cũng phát sinh vấn đề là nhiều tài sản bảo đảm là bất động sản đang hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/giấy tờ có giá đang bị sụt giá nặng nề. Hơn nữa là một điều đi ngược lại với quy tắc tối thiểu của trái phiếu doanh nghiệp là nhiều trái phiếu doanh nghiệp không được xếp hạng tín nhiệm nên không có cơ sở để xác định được rủi ro của trái phiếu nằm ở mức độ nào.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, vấn đề hiện nay là nằm ở chỗ còn buông lỏng quản lý các đơn vị trung gian phân phối trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp luôn có độ rủi ro lớn vì vậy đòi hỏi người tham gia phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thế nhưng, thực trạng tại Việt Nam là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, các quỹ lại đi bán trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân, không cần biết nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không, thậm chí “đánh lận con đen” trái phiếu doanh nghiệp là gửi tiết kiệm có lãi.
"Vậy trách nhiệm của các ngân hàng thương mại và các đơn vị trung gian phân phối trái phiếu ở đâu? Rất tiếc, chúng ta đang lơ đi vấn đề này, và do đó không giải quyết được vấn đề hiện nay của thị trường”, ông Ánh nhấn mạnh.
Nói về tình trạng chạy khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia này cho biết thêm, trái phiếu doanh nghiệp hiện nay có rất nhiều loại, có loại cho thanh toán trước, có loại không, tuy nhiên, hiện nay người mua lại đang trong tình cảnh không cần biết hết hạn hay chưa mà đều đồng loạt đòi rút gây nên rủi ro lớn, dễ làm thị trường có nguy cơ sụp đổ.
Tương tự, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI cũng nhận định về những lo ngại và phản ứng của các nhà đầu tư trái phiếu trong thời gian qua như vậy là đúng và dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu họ chịu khó tìm hiểu cặn kẽ trước khi đầu tư thì vấn đề đã khác. Do đó, vấn đề của thị trường hiện nay nằm ở chỗ yếu tố tâm lý, nhiều nhà đầu tư đang đánh đồng trái phiếu doanh nghiệp tốt với doanh nghiệp chưa tốt mà ồ ạt đòi rút tiền. Chính những điều này sẽ gây những rối ren cho các doanh nghiệp và quyền lợi của các nhà đầu tư không được đảm bảo.
Ông Đức cho hay, khi nào những nhân viên môi giới, doanh nghiệp và nhà đầu tư ý thức được cần xem trọng tính trung thực và chuyên nghiệp thì thị trường mới vận hành được đúng nghĩa, phát triển bền vững. Hay nói cách khác là các nhà đầu tư cần hiểu rõ mức đỗ rủi ro và cái giá của rủi ro trước khi quyết định tham gia thị trường.
Để làm được điều này, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh, một trong những việc quan trọng nhất là đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm. Thay vì quản lý hàng ngàn doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hàng triệu nhà đầu tư thì chỉ cần tập trung quản lý và giám sát chặt các công ty xếp hạng tín nhiệm, tăng chất lượng xếp hạng tín nhiệm, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.
"Tháo ngòi nổ" trái phiếu doanh nghiệp
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tiềm năng rất lớn, là kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 45%/năm trong gần 5 năm gần đây. “Thị trường tài chính (trái phiếu, cổ phiếu), tiền tệ như là tử huyệt của nền kinh tế. Nếu sập thì nền kinh tế sập”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Long cho rằng, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng tính chuyên nghiệp của các tổ chức vận hành, đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư để hạn chế những rủi ro. Hơn nữa, không nên bán tháo trái phiếu khi chưa hiểu rõ bản chất để tránh gây thiệt hại tài chính cho chính bản thân mình. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình để kiểm soát những rủi ro. Đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ năng nghiệp vụ phân tích tài chính.
PGS. Ngô Trí Long đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư ít kinh nghiệm thì nên chọn mua trái phiếu của những doanh nghiệp hàng đầu và có lịch sự phát triển bền vững trong nhiều năm. Lãi suất trái phiếu phát hành có thể không cao nhiều lãi suất tiết kiệm nhưng an toàn.
Bên cạnh đó, nhìn từ những vụ việc diễn ra trên thị trường trong thời gian qua, ông Long cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh tay để minh bạch thị trường trái phiếu, dẹp bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” để thị trường phát triển minh bạch, an toàn hơn. Khi đó các doanh nghiệp có tài sản, uy tin, làm ăn minh bạch, an toàn hơn sẽ được khơi thông dòng vốn. Còn phía nhà đầu tư sẽ có điều kiện để tiếp tục đầu tư tài sản sinh lợi vào những kênh đầu tư hợp pháp.
Đồng quan điểm, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, những quy định hiện hàn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp khá là chặt chẽ do đó, yêu cầu hiện nay là cần phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc vi phạm. “Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công khai minh bạch thông tin để nhà đầu tư được biết. Nếu như sai phạm thì phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự”, ông Đức
TS. Vũ Đình Ánh cũng đưa ra giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp lúc này là cần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Bởi vì trước mắt nhìn từ thị trường chứng khoán có thể thấy tiền vẫn còn rất nhiều, chỉ là dòng tiền này đang “núp” ở đâu đó và chờ cờ hội. Do đó nếu giải quyết được câu chuyện niềm tin của các nhà đầu tư thì sẽ tháo gỡ được các vấn đề đang tồn tại.