Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau kỳ nghỉ lễ kéo dài?
BÀI LIÊN QUAN
Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đạt xấp xỉ hàng "tỷ đô", nhóm cổ phiếu liên quan "bội thu"Hoạt động IPO trên toàn cầu sôi động trở lại khi thị trường chứng khoán dần phục hồiSố dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tiếp tục giảm so với quý trướcTheo VTC News, mới đây ông Phan Mạnh Hà đến từ Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho rằng, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ ảm đạm, nhất là sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, thậm chí có thể kéo dài đến cuối năm 2023.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết thị trường giai đoạn này cũng không quá xấu, bởi bản thân các nhà đầu tư đã sớm nhìn nhận cũng như có phương án phòng ngừa. Những người có nhu cầu thì cũng bán rồi, còn những nhà đầu tư còn lại chủ yếu đang tích lũy, chờ thời. Do đó, từ nay đến hết quý II/2023, thị trường chứng khoán sẽ khó bùng nổ.
Bên cạnh đó, ông Hà cũng phân tích về những nguyên nhân đang tác động đến thị trường chứng khoán. Cụ thể, về ngắn hạn, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách tích cực để kiềm chế lạm phát trong thời gian qua, nhưng "bóng ma" lạm phát trên thế giới vẫn ảnh hưởng chung đến thị trường Việt Nam, trong đó bao gồm có chứng khoán, do kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, có sự liên thông với thế giới.
Ngoài ra, tại thị trường trong nước hơn 1 tháng nay, mặc dù lãi suất tại một số ngân hàng đã được điều chỉnh giảm đáng kể nhưng thực sự doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, gây ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chuyên gia cho biết thêm, nguồn cầu trên thị trường vẫn còn rất yếu do thu nhập giảm nên người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này không kích thích được sản xuất, làm các đơn hàng bị kém đi, sản xuất đình trệ,... gây ảnh hưởng lớn đối với thị trường chứng khoán.
Còn theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AZfin Việt Nam, để thị trường chứng khoán có một đợt tăng mạnh thì cần phải có 2 yếu tố bao gồm: yếu tố cần là liên quan đến định giá chứng khoán, yếu tố đủ là liên quan đến dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Trong đó, yếu tố cần vẫn còn rất khó khăn, bởi từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán được định giá ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Ông Đặng Trần Phục cho rằng, về điều kiện cần thì định giá chứng khoán rất rẻ, rất thấp. Chỉ số P/E - chỉ số dùng để đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) là công cụ giúp nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà đa phần thị trường bỏ qua. Chỉ số này hiện bằng 12 - 13 lần. Còn P/B tức là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu đó bằng 1.5 - 1.65 lần, đây là mức rẻ nhất trong lịch sử được ghi nhận.
Còn với điều kiện đủ, tức dòng tiền vào thì cần dựa vào các yếu tố như lãi suất giảm và cung tiền M2 tăng mạnh. Trên thực tế, lãi suất đã giảm nhưng chưa nhiều, cung tiền M2 cũng đang tăng nhưng vẫn còn ở mức rất thấp. Do đó, trong cả quý 2, thị trường chứng khoán vẫn ở mức Sideway, tức là biên độ đi ngang, còn muốn tích cực hơn thì phải đến cuối quý 3, hoặc sang đầu quý 4/2023.
Chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch ở mức 0,7 lần P/E trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B trung bình 5 năm. Tỷ suất thu nhập trên gia (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 khoảng 8,7% chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%. Khoảng cách giữa tỷ suất E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tiếp tục được nới nhẹ trong tháng 4 vừa qua khi lãi suất huy động duy trì đà giảm trong khi E/P gần như đi ngang.
Thời điểm vàng để tích lũy?
Mặc dù nhận định thị trường chứng quý trong quý này khá ảm đạm, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, đây chính là thời điểm vàng để các nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu trong dài hạn và trung hạn. Còn đối với những nhà đầu cơ lướt sóng thì thị trường chắc chắn không có sự bứt phá mạnh mẽ như giai đoạn 2020 - 2021 trước đó.
Để thị trường chứng khoán có thể phục hồi, ông Phan Mạnh Hà chỉ ra một số giải pháp để hỗ trợ cho thị trường đang ảm đạm hiện nay. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, để thị trường chứng khoán phục hồi dài hạn thì cần có dòng tiền đủ lớn cùng với nền kinh tế vĩ mô phải thật tốt để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài. Ở thời điểm hiện nay, doanh nghiệp nào sở hữu tỷ lệ cổ tức duy trì ổn định thì vẫn giữ được lợi thế, còn những danh mục cổ phiếu có tính đầu cơ cao cũng như giá vẫn ở mức cao, nếu muốn đầu cơ lướt sóng thì cần xem xét lại.
Còn theo dự báo của ông Đặng Trần Phục, nếu thời gian tới lãi suất ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh và cung tiền M2 tăng mạnh, thì đến thời điểm cuối năm 2023 thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu tăng. Thêm vào đó là thu nhập của người dân phải bắt đầu tăng trở lại, tức là họ có việc làm, có thu nhập. Khi thu nhập dôi dư thì họ mới bỏ tiền đầu tư, thị trường chứng khoán mới có thể phát triển bền vững.
"Chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm khó có thể giảm sâu, trừ khi có các yếu tố bất ngờ như chiến tranh, thiên tai… Tuy nhiên, để chứng khoán tăng mạnh thì cần thêm thời gian để đáp ứng các yếu tố đủ", vị chuyên gia cho hay.
Ông Phục cho biết thêm, hiện tại cũng là thời điểm vàng để tích lũy cổ phiếu bởi giá cổ phiếu đang rất hấp dẫn, thậm chí nhiều cổ phiếu có kinh doanh bền vững và cổ tức được chi trả đều và chắc chắn, có những cổ tức trả lên đến 13% trên giá thị trường. Đây chính là cơ hội hiếm có và rất tốt để tích lũy cổ phiếu.