Thị trường chứng khoán hôm nay 28/2: VN-Index mất gần 9 điểm phiên đầu tuần, cổ phiếu thép, phân bón và than nổi sóng lớn
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 25/2: Cổ phiếu dầu khí quay đầu giảm, VN-Index vẫn lỡ hẹn với mốc 1.500 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 24/2: VN-Index giảm gần 18 điểm, cổ phiếu ngân hàng chìm trong "biển lửa"Thị trường chứng khoán hôm nay 23/2: Cổ phiếu dầu khí "bùng cháy", VN-Index tăng gần 9 điểmVN-Index giảm gần 9 điểm trong phiên đầu tuần
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần diễn ra giằng co ngay khi mở cửa, nhưng sau đó nhanh chóng chìm trong sắc đỏ khi áp lực bán gia tăng.
VN-Index liên tục biến động lên xuống quanh mốc 1.490 điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Kết phiên chỉ số giảm 8,76 điểm (-0,58%) xuống 1.490,13 điểm. Sàn này có 252 mã giảm và chỉ 202 mã tăng giá.
Đóng cửa, sàn HoSE có 202 mã tăng và 252 mã giảm, VN-Index giảm 8,76 điểm (-0,58%) xuống 1.490,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 768 triệu cổ phiếu, giá trị 25.621,27 tỷ đồng, giảm 4,97% về khối lượng và 7,9784% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,58 triệu đơn vị, giá trị 972,7 tỷ đồng.
Sàn HNX có 116 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,06%) lên 440,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 98,75 triệu đơn vị, giá trị 2.775,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,35 triệu đơn vị, giá trị 82,24 tỷ đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,41%) xuống 112,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,14 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.488 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,85 triệu đơn vị, giá trị 45,82 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là tội đồ kéo lùi chỉ số. Riêng rổ VN30 đã giảm hơn 9,3 điểm (-0,61%) với 21/30 mã giảm giá.
Cổ phiếu thép, phân bón và than đua nhau bứt phá
Tâm điểm của dòng tiền phiên hôm nay đổ mạnh vào các cổ phiếu phân bón, than và thép giúp nhiều mã ngược dòng thị trường tăng mạnh, với sắc tím ghi nhận tại nhiều mã. Hôm nay là phiên tăng điểm thuyết phục của cổ phiếu thép khi thị giá tăng đi kèm với thanh khoản cải thiện rõ rệt.
Nhóm cổ phiếu thép hôm nay xác lập vị trí thống trị về thanh khoản: HPG dẫn đầu thị trường với 1.654,3 tỷ đồng khớp lệnh, NKG thứ hai với 860,5 tỷ đồng và HSG thứ 3 với 822,3 tỷ đồng. Trong đó NKG lập kỷ lục lịch sử, HSG lập kỷ lục 5 tháng về thanh khoản.
Cổ phiếu phân bón cũng không kém cạnh khi nối dài chuỗi tăng giá ấn tượng. Bộ đôi DCM, DPM đều đã tăng hết biên độ. Cổ phiếu LAS tăng 9,5% hay BFC tăng 3,4%...
Theo báo cáo phân tích của BSC thì ngành thép và phân bón được dự báo hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể triển vọng cổ phiếu phân bón cao nhờ kỳ vọng sản lượng xuất tăng và giá bán neo ở mức cao.
Trong khi đó doanh nghiệp thép lớn sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu u, đặc biệt với nhóm tôn mạ đang xuất nhiều sang thị trường này (như Nam Kim, Hoa Sen)
Một nhóm cổ phiếu khác cũng gây nhiều chú ý là ngành than. Hàng loạt mã đã tăng hết biên độ và dư mua trần từ sớm như TC6, TDN, TVD, NBC, MDC, THT...
Ở chiều ngược lại, VIC chiều nay tiếp tục gây thêm áp lực khi lại giảm sâu hơn khoảng 0,26% nữa, đóng cửa mất 2,65% so với tham chiếu. Tuy vậy VIC chỉ là 1 mã trụ rơi mạnh, thống kê cho thấy cả rổ có 19/30 cổ phiếu tụt giá sâu hơn buổi sáng, chỉ 9 mã có cải thiện.
Ngoài ra nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng gây ảnh hưởng rất xấu. Đơn cử như BID giảm 1,9% xuống 43.700 đồng, CTG mất 2,1% về 33.150 đồng, EIB lao dốc 3% còn 33.850 đồng hay SSB giảm 2,5% xuống 35.400 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, với VN30F2203 đáo hạn gần nhất giảm 5,8 điểm 9-0,4%) xuống 1.511,2 điểm, khớp lệnh hơn 128.370 đơn vị, khối lượng mở gần 23.240 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm có phần chiếm áp đảo, trong đó dẫn đầu thanh khoản thị trường chứng quyền là CTCB2111 đạt hơn 211.610 đơn vị, kết phiên giảm 18,6% xuống mức 480 đồng/CQ.
Đứng ở vị trí tiếp theo là CHPG2203 khớp 181.070 đơn vị và kết phiên tăng 9,4% lên 1.860 đồng/CQ.
Chiều nay khối ngoại cũng tăng bán dữ dội, tổng mức bán ra ròng tại HoSE lên 797,4 tỷ đồng, trong khi cuối phiên sáng mới là -239,3 tỷ đồng. HPG bị xả ròng khổng lồ, từ mức 89,2 tỷ đồng buổi sáng lên 353 tỷ đồng cả ngày. CTG cũng bị bán ròng khủng 121,7 tỷ, VIC gần 106 tỷ. Nhóm KBC, HDB, POW, GEX, GAS, PNJ, LPB đều từ 40 tỷ đến trên 50 tỷ đồng ròng. Phía mua ngoài chứng chỉ quỹ FUEVFVND thì chỉ có NLG, TPB, VRE là đáng kể.
VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong khoảng 1.485-1.515 điểm trong tuần này
Trước phiên giao dịch, các công ty chứng khoán đa phần nghiêng về xu hướng thị trường ở mức trung tính với kịch bản VN-Index dao động tích lũy ở khu vực 1.500 điểm.
Chứng khoán BIDV nhận định xung đột ở Ukraine đang là thông tin thu hút sự chú ý và thị trường rất khó kỳ vọng có nhịp tăng mạnh trong ngắn hạn. VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong khoảng 1.485-1.515 điểm trong tuần này và không loại trừ còn những nhịp rung lắc mạnh.
Chứng khoán Đông Á nhận thấy chỉ số có kháng cự ở 1.510 điểm và khả năng trong tuần này số cổ phiếu bắt đáy về tài khoản nên việc chốt lời ngắn hạn còn tiếp diễn, VN-Index cần thêm thời gian để tích lũy ở khu vực 1.500 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt có phần tiêu cực hơn khi cho rằng thị trường chưa sẵn sàng cho việc vượt cản và áp lực bán có khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép cho thị trường.
Với diễn biến chưa thực sự mạnh và còn tiềm ẩn rủi ro suy yếu, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và cân nhắc các yếu tố rủi ro. Đồng thời nên xem xét hạ tỷ trọng danh mục để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt tại những cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn hoặc xu hướng kém.