Thị trường chứng khoán hôm nay 25/2: Cổ phiếu dầu khí quay đầu giảm, VN-Index vẫn lỡ hẹn với mốc 1.500 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 24/2: VN-Index giảm gần 18 điểm, cổ phiếu ngân hàng chìm trong "biển lửa"Thị trường chứng khoán hôm nay 23/2: Cổ phiếu dầu khí "bùng cháy", VN-Index tăng gần 9 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 22/2: Cổ phiếu dầu khí ngược dòng ngoạn mục trong ngày thị trường đỏ lửaVN-Index lại mất ngưỡng 1.500 điểm
Thị trường chứng khoán đã nhanh chóng hồi phục mạnh trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 25/2 khi sắc xanh nở rộ trên bảng điện tử. Tuy nhiên, diễn biến thiếu tích cực về cuối phiên khi chỉ số VN-Index hụt hơi và lỗi hẹn với mốc 1.500 điểm.
VN-Index đóng cửa chỉ còn tăng 4,04 điểm (0,27%) lên 1.498,89 điểm và rớt khỏi mốc tâm lý quan trọng 1.500 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 768 triệu cổ phiếu, giá trị 25.621,27 tỷ đồng, giảm 33,8% về khối lượng và 26,84% về giá trị so với phiên hôm qua. Sàn này có 324 mã tăng giá và chỉ 126 mã giảm giá.
Kết phiên, sàn HNX có 171 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 5,28 điểm (+1,21%) lên 440,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 158,8 triệu đơn vị, giá trị 4.741,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 44,65 tỷ đồng.
Trên UPCoM, thị trường giữ đà tăng nhẹ. Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,3%) lên 112,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 115,97 triệu đơn vị, giá trị 1.792,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,58 triệu đơn vị, giá trị hơn 76 tỷ đồng.
Dầu khí “dắt” nhóm cổ phiếu blue-chips tụt giá
Dòng tiền có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh chiều nay khiến lực đẩy tại nhóm cổ phiếu blue-chips suy yếu. Gần như toàn bộ các cổ phiếu trong rổ Vn30 đều yếu phiên sáng và các chỉ số chốt phiên mất gần hết điểm. VN-Index tụt về 1.498,89 điểm.
Bất ngờ lớn nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt quay đầu giảm. Giá dầu Brent lẫn dầu WTI vẫn duy trì mức tăng trên 2% trong trọn phiên giao dịch của Việt Nam, nhưng cổ phiếu dầu khí xuất hiện lực bán khá lớn.
GAS rơi rất sốc ngay trong 30 phút đầu tiên sau khi thị trường mở cửa trở lại. Từ giá 120.100 đồng cuối phiên sáng, GAS cắm đầu xuống 117.000 đồng, tương đương giảm 2,6% trong một nhịp và giảm 1,7% so với tham chiếu. Nỗ lực lấy lại độ cao bất thành sau đó và cuối phiên GAS tiếp tục giảm 1,51% so với tham chiếu.
Loạt cổ phiếu dầu khí đóng cửa trong sắc đỏ còn có PLX giảm 1,58%, PVD giảm 3,93%, PVT giảm 2,8%, PVS giảm 2,87%, PVG giảm 5,03%, PCG giảm 4,39%, BSR giảm 3,51%... Chỉ còn vài mã trụ được trên tham chiếu như PTV, PCN, POV, PVO, PVC, PGC.
Tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu dầu khí là GAS vốn hóa rất lớn. Cổ phiếu này từ chỗ là trụ đỡ chỉ số buổi sáng, đảo ngược thành một trong những mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. PLX cũng lọt Top 10 mã phía giảm của chỉ số.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu Vingroup vẫn tiếp tục là lực cản lớn cho thị trường. Trong đó VIC mất 1,2% về 79.100 đồng là mã tác động tiêu cực nhất lên chỉ số. VHM của Vinhomes cũng giảm 0,4% về 78.300 đồng.
Cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá tích cực, trong đó gây ấn tượng hàng đầu là VPB với mức tăng 3,52% và có lúc đã tăng tới 4,7%. Ở phiên trước đó, giá cổ phiếu VPB cũng tăng tới 2,79% dù toàn thị trường "rực lửa". Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng đáng kể như VIB tăng 1,17%, TPB tăng 1,7%, HDB tăng 1,56%, LPB tăng 1,1%, EIB tăng 3,87%.... Sắc đỏ hiện lên ở VCB, BID và ACB nhưng mức giảm đều chưa tới 0,3%.
Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng hỗ trợ tích cực cho đà đi lên khi SSI tăng 2,5% đạt 45.700 đồng, VND tăng 2,8% lên 78.100 đồng khi nhận được giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng. Bên cạnh đó VCI tăng 3% lên 62.300 đồng hay HCM tăng 1,7% đạt 37.800 đồng...
Nhóm sản xuất cũng ghi nhận sắc đỏ ở các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là HPG và MSN với mức giảm lần lượt là 0,22% và 0,94%.
Một số cổ phiếu riêng lẻ tăng trần hôm nay, nổi bật như DGW của Digiworld, VMD của Vimedimex, YEG của Yeah1, DXS của Đất Xanh Services hay nhóm cổ phiếu Louis (TGG, BII, SMT, VKC)...
Thanh khoản thị trường giảm đáng kể so với phiên bán mạnh hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh giảm 29% về 29.272 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 28% xuống mức 24.595 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 60 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều hồi phục sắc xanh, với VN30F2203 đáo hạn gần nhất tăng 2,3 điểm (+0,2%) lên 1.517 điểm, khớp lệnh hơn 127.670 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.530 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng có phần chiếm ưu thế, tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản thị trường chứng quyền là CMWWG2112 đạt hơn 9 triệu đơn vị lại kết phiên giảm 94,4% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.
Và tiếp theo là CFPT2110 khớp hơn 4,9 triệu đơn vị cũng kết phiên giảm tới 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.
VN-Index vẫn có thể hồi phục để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm
Trước đó, chứng khoán MB tin rằng thị trường sẽ ổn định trở lại trong các phiên tới khi lực cầu bắt đáy đã hoạt động rất tích cực.
Chứng khoán SHS dự báo phiên cuối tuần VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại để cố gắng lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Chứng khoán Yuanta nhận định thị trường có thể sẽ quay lại đà tăng. Dòng tiền vẫn tiếp tục phân hóa và không có phản ứng bán tháo cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp. Dòng tiền cũng chưa có dấu hiệu thoát khỏi thị trường mà luôn tìm kiếm cơ hội ở từng nhóm cổ phiếu.
Thị trường quốc tế cũng đã có sự hồi phục đáng kể sau giai đoạn bán tháo vì căng thẳng leo thang tại Ukraine. Chứng khoán Mỹ giảm sốc đầu phiên nhưng rồi cũng lấy lại sắc xanh.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ở đáy của phiên mất tới 859 điểm nhưng đóng cửa lại tăng 92 điểm (0,28%). Tương tự chỉ số S&P 500 có lúc giảm 2,6% nhưng đóng cửa tăng 1,5%. Nasdaq Composite kết phiên tăng 3,3% dù trước đó giảm tới 3,5%.
Các chỉ số chứng khoán tại châu Á chiều này cũng diễn biến tích cực khi BSE Sensex của Ấn Độ tăng gần 2,3%, Kospi của Hàn Quốc tăng hơn 1%, IDX của Indonesia tăng trên 1%, Nekkei 225 cả Nhật Bản bứt phá gần 2%...