Thị trường bất động sản Hà Tĩnh và Thanh Hóa nổi lên nhờ đất nông thôn
Tại Hà Tĩnh, thông tin về dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) sắp được khảo sát và quy hoạch đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Trong suốt tháng qua, liên tiếp những đoàn xe và dòng người đổ về các khu vực Bắc Hòa, Phú Hòa, Mỹ Hòa,... nhằm tìm kiếm và mua bán đất. Sự kiện này khiến một địa phương trước kia không ai quan tâm nay lại trở nên “sốt” giá bất động sản. Được biết, tỉnh Hà Tĩnh mới phê duyệt, chấp thuận chủ trương đề cương cho doanh nghiệp khảo sát chứ chưa chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy tình hình hiện tại của đất nông thôn đã bắt đầu nóng sốt.
Trước khi có thông tin về dự án, chỉ vài tháng trước đây giá đất tại huyện Cẩm Xuyên đang được bán ở mức 2 - 4 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá bán đã đẩy lên cao, có lô đang giao bán mức giá trên 10 triệu đồng/m2. Một số lô đất trước đây có giá từ 600 triệu đến 700 triệu đồng, thì nay đã lên đến mức giá hơn 2,6 tỷ đồng cho lô lối 1 và 2 tỷ đồng cho lô lối 2. Như vậy, từ những lô đất chỉ có giá vài trăm triệu cách đây vài tháng, nay người dân phải mua với giá vài tỷ đồng một lô.
Một môi giới tại khu vực này cho biết, khi người dân biết được thông tin có doanh nghiệp tới lập dự án thì đất tại đây tăng giá từng giờ. Nếu không mua nhanh hôm nay thì có khi đất lại đội giá lên vào hôm sau. "Ví như hôm qua có lô đất giao bán 1,2 tỷ đồng thì hôm nay đã lên giá 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong thị trường vào những giai đoạn sốt đất như này". - môi giới này chia sẻ.
Còn tại Thanh Hóa, đất nền trong khu vực đã rục rịch tăng giá ngay từ sau Tết Nguyên đán 2022. Bằng chứng là những lô đất nền bị đứng giá từ năm 2021 đã có sự tăng nhẹ, các hoạt động mua bán trên thị trường đang nhộn nhịp trở lại sau thời gian Covid - 19. Theo ghi nhận, từ cuối năm 2021, rất nhiều “ông lớn” địa ốc như Flamingo, Sun Group, T&T,... đã và đang chuẩn bị khởi công nhiều dự án khiến bất động sản Thanh Hóa xuất hiện những làn sóng mới.
Trước đó, từ tháng 2 đến tháng 5/2021 xảy ra cơn "sốt" đất dữ dội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các giao dịch bất động sản liên tục được thực hiện, đấu giá tổ chức ở nhiều nơi, người dân luôn nhắc đến đất tại Thanh Hóa, cảnh mua bán trao tay diễn ra sôi động. Tuy nhiên giữa năm 2021, cơn sốt này lao dốc không phanh khi hàng trăm lô đất đã trúng đấu giá bị bỏ cọc, UBND tỉnh phải quyết định hủy bỏ hàng trăm tỷ đồng trúng đấu giá.
Cụ thể như, vào tháng 4/2021 tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương ghi nhận số lượng hồ sơ tham gia đấu giá tăng đột biến. Tình trạng xảy ra tại mỗi cuộc đấu giá như một cuộc chiến khi các nhà đầu tư tranh nhau rất quyết liệt, các bước đấu giá được thay đổi thường xuyên, giá chốt cuối cùng có khi cao gấp 3 lần giá khởi điểm. Tương tự, tại một số xã thuộc huyện Quảng Xương và xã thuộc các huyện như Hoằng Hoá, Như Thanh, Thọ Xuân,... cũng xảy ra tình trạng này.
Sau khi cơn sốt đất tại Thanh Hóa giảm nhiệt, nhiều nhà đầu tư không đẩy hàng đi được, phải ôm bất động sản làm giá đất lao dốc. Sau một thời gian đến đầu năm 2022, các giao dịch mua bán đất nền tại địa phương này đang có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Hiện tại, thị trường bất động sản Thanh Hóa sau khi nhận hàng loạt thông tin triển khai dự án đã trở nên khá sôi nổi. Kể cả khi phần lớn các dự án này mới dừng ở bước giới thiệu chứ chưa có động thái mở bán chính thức. Trong đó, đất nền ven biển Quảng Xương trong năm 2020 có mức giá từ 5 - 7 triệu đồng/m2, đến nay đã được giao bán duy trì ở mức 15 - 16 triệu đồng/m2 với các vị trí đẹp. Còn một số vị trí khác có giá rẻ hơn đang được bán ở mức 9 - 12 triệu đồng/m2.
Đối với các lô đất trong ngõ nhỏ ở Quảng Xương vẫn được giữ nguyên mức giá bán từ thời điểm đầu năm là 7 - 8 triệu đồng/m2. Những khu đất có vị trí đắc địa tại Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Vinh (thành phố Sầm Sơn) đang chào bán ở mức giá từ thời điểm sốt giá đầu năm là 45 - 58 triệu đồng/m2. Tại Quảng Phúc, Quảng Tâm (tỉnh Thanh Hoá) giao bán đất với mức giá 18 - 23 triệu đồng/m2 trong thời điểm hiện tại. Đất ven biển Hải Tiến đang giữ nguyên mức giá từ dịp sốt đất là 8 - 12 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, trải qua đợt sốt giá đầu năm và thời gian dài dịch bệnh thì bất động sản Thanh Hóa vẫn duy trì giá bán, không có dấu hiệu giảm nhiều. Trong khi tỷ lệ giao dịch hiện tại giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là tại phân khúc đất thổ cư, nhỏ lẻ không nằm trong các dự án có quy mô. Thực tế, trên thị trường có xuất hiện tình trạng giảm giá, cắt lỗ nhưng không quá nhiều, chủ yếu từ những nhà đầu tư yếu về mặt tài chính. Phần lớn những nhà đầu tư khác vẫn có thể "ôm" đất chờ cơ hội mới vì họ thấy được sự tiềm năng của bất động sản Thanh Hóa ngay khi Nhà nước kiểm soát được đại dịch.
Nhìn chung, Thanh Hóa đang tích cực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, cùng với sức hút từ các dự án quy mô của những doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua đã khiến địa phương này nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhiều đợt sốt đất. Các "ông lớn" bất động sản như Vingroup, Sungroup, BRG Group, Tổng Cty CP Miền Trung, Tập đoàn T&T,... đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của thị trường bất động sản Thanh Hóa.