Thị trường bán lẻ “nóng lên”, doanh nghiệp nội từng bước chuyển mình
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ phân hóa rõ rệt, Dow Jones tăng phiên thứ 5 liên tiếp nhờ lợi nhuận bán lẻ, giá dầu tiếp tục lao dốcQuý 2/2022: Lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ giảm tốc, lợi nhuận quý 3 có nhiều khả quan hơnWalmart là gì? Những bí quyết thành công để tạo nên "gã khổng lồ" trong ngành hàng bán lẻThị trường bán lẻ Việt Nam được định giá 170 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng 10% trong vòng 5 năm tới. Bởi vậy, lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam trở thành đích ngắm trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp nội đã định vị được vị thế
Sức cạnh tranh của thị trường này càng khốc liệt hơn bởi sự tham gia của các đối thủ nặng ký tới từ nước ngoài. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nội phải tìm cách thích nghi, thay đổi chiến lược để không thua ngay trên sân nhà, đồng thời duy trì lợi thế cạnh tranh và nắm bắt được cơ hội bứt phá. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài liên tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần thị trường Việt Nam.
Sự liên minh “win-win” giữa nhà cung cấp và nhà phân phối được coi là một trong những nút thắt quan trọng để ngành bán lẻ phát triển bền vững. Đồng thời, sự bắt tay này cũng là cầu nối giữa sản xuất biến lĩnh vực bán lẻ thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Đặc biệt, cả trong thời điểm đại dịch bùng phát và thời kỳ hậu COVID-19, ngành bán lẻ vẫn luôn khẳng định được vai trò điều tiết thị trường và đảm bảo nguồn cung luôn thông.
Dù các doanh nghiệp bán lẻ đang ở trong thời điểm vàng để phục hồi và phát triển nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp dường như vẫn chưa “dứt” khỏi những ảnh hưởng của đại dịch. Đơn cử như hệ thống minimart Bách Hóa Xanh thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Tính đến tháng 7/2022, hệ thống này đã đóng cửa tới hơn 300 cửa hàng. Hiện tại, vẫn còn nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh tiếp tục treo biển xả kho dù có khá nhiều cơ sở chỉ mới khai trương cuối năm 2021. Đáng lưu ý, các cửa hàng Bách Hoá Xanh dừng hoạt động chủ yếu nằm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Dù ban đầu, tham vọng của các nhà lãnh đạo của MWG là tạo ra được chuỗi siêu thị “cân” được hết các phân khúc từ bán lẻ hạng sang tới giá rẻ nên đã nhanh chóng mở hàng nghìn cửa hàng. Tuy nhiên, động thái đóng cửa hàng loạt cơ sở được biết nằm trong lộ trình tái định vị và củng cố nền tảng vận hành cho Bách Hoá Xanh đã được MWG đưa ra trong báo cáo kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022.
Nhưng việc đóng cửa hàng loạt các cửa hàng của Bách Hoá Xanh đang tạo ra dư luận trái chiều và những nghi ngờ về sự hiệu quả trong thời gian Bách Hoá Xanh phát triển quá nhanh cùng một số thương hiệu khác thuộc quản lý của MWG.
Mặc dù không phải đóng cửa hàng loạt nhưng một số doanh nghiệp bán lẻ khác lại rơi vào tình trạng vắng khách. Bởi vậy, thay vì tiếp tục mở rộng thị phần, các doanh nghiệp này xây dựng lại kế hoạch chỉn chu hơn để lấy lại khách hàng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó khăn của nhiều cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ, theo các chuyên gia là bởi doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược lựa chọn khách hàng mục tiêu, chủng loại hàng hoá, chất lượng hàng hoá, giá cả hàng hoá, phương thức kinh doanh,...
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng cũng với các ngành nghề khác, ngành bán lẻ đã có những bước chuyển mình nhất định. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã cố gắng hoạt động tự chủ và vươn lên mở rộng hoặc hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Thách thức với các doanh nghiệp nội địa
Thời gian qua, một số doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã không thể trụ vững và phải tính đến việc rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, khi xem xét ở góc độ khác, tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây ra sức ép rất lớn cho doanh nghiệp nội địa.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, trong 7 tháng của năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng của thời kỳ trước khi đại dịch xuất hiện. Được biết, tổng mức bán lẻ đạt hơn 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt. Kể cả khi đã loại trừ hết các yếu tố tăng giá, con số này vẫn tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam hiện vẫn là “miếng bánh hấp dẫn” với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Không ít doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư, chuyển nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập.
Ngoài ra, sự dịch chuyển trong cơ cấu bán lẻ ở Việt Nam từ thương mại truyền thống sang hiện đại, hoạt động góp vốn đầu tư, mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước liên tục diễn ra đã làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.
Trong thời kỳ trước, thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng đã sụt giảm đáng kể cùng sự thay đổi thói quen mua sắm và xu hướng hành vi tiêu dùng của khách hàng đã đặt ra thách thức lớn với các nhà bán lẻ muốn trụ vững trên thị trường. Để đáp ứng được những thay đổi này, các nhà bán lẻ đã thực hiện tái cơ cấu nhằm gia tăng tiện ích và trải nghiệm tối đa cho khách hàng.
Một ví dụ điển hình chính là tập đoàn Massan. Tập đoàn này đã tích hợp thành công mô hình kinh doanh giữa hệ thống Winmart/Winmart+ và Phúc Long, Techcombank hay chuỗi nhà thuốc Phano Pharmacity để tối ưu hóa tiêu dùng cho người dân.
Bên cạnh Massan, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng tập trung xây dựng bộ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền dành riêng cho người tiêu dùng tại các đô thị lớn. Điều này đã giúp nâng cao sức cạnh tranh cho chuỗi bán lẻ trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ.
Nhận thấy được những tác động tích cực đó, một bộ phận doanh nghiệp bán lẻ đã tạm ngưng việc mở rộng thị phần, thậm chí giảm bớt những điểm bán không hiệu quả để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm và giá trị cho khách hàng.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có gần 42% các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, 50% được xếp vào nhóm chịu tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị ảnh hưởng không đáng kể. Trường hợp Bách Hoá Xanh có thể coi là điển hình khi điểm kinh doanh thuộc Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) đã giảm tới hơn 300 cửa hàng chỉ trong vài tháng. Cụ thể, năm 2021, số cửa hàng ở 25 tỉnh từ Khánh Hòa vào tới Cà Mau là 2.106 thì hiện nay chỉ còn lại 1.824.
Một doanh nghiệp khác cũng giảm bớt các cửa hàng là Co.op Food thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Được biết, số cửa hàng của hệ thống này đã giảm 136 cửa hàng so với năm 2021, từ 527 xuống còn 391 cửa hàng. Hapro cũng cắt giảm 9 cửa hàng của mình xuống còn 46 cửa hàng Hapro Food/BRGmart.
Không chỉ vậy, với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn khi sức mua sụt giảm mạnh nhưng chi phí thì tăng cao. Theo lý giải từ Vụ Thị trường trong nước, hoạt động lưu thông hàng hoá, chi phí trung gian của doanh nghiệp, các hộ kinh doanh vẫn nằm ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thị nguyên vật liệu và hàng hoá thành phẩm phải trải qua nhiều tầng.
Ngoài ra, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thương mại hiện tại vẫn còn chậm, trật tự thương mại nhiều nơi chưa bảo đảm khi để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Một mặt khác, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển không đều ở các địa phương, ở nhiều khu vực nông thôn, hệ thống chợ vẫn chưa được xây sửa, nâng cấp còn ở đô thị, thương mại hiện đại hiện chưa phát triển.
Hệ thống kho bãi vẫn chưa được quy hoạch và xây dựng đồng bộ với sản xuất khiến khả năng điều tiết thị trường của Nhà nước suy giảm. Bên cạnh đó, giá cả hàng hoá lưu thông trong nước vẫn tại sự chênh lệch giá cả khá lớn giữa các tỉnh thành do chi phí logistics cao và thông qua nhiều tầng trung gian.
Đại diện của Vụ Thị trường trong nước cũng chỉ ra rằng bên cạnh những hạn chế đó thì quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam cũng đặt ra nhiều thách thức. Đặc biệt, việc hạ thấp hàng rào thuế quan cũng gia tăng sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu, nhất là hàng tiêu dùng cuối cùng ngày càng tăng và tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất và hệ thống phân phối trong nước. Quan trọng hơn, cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt hơn do Việt Nam đã cam kết mở cửa các thị trường này.