Tham lãi lớn, nhà đầu tư mất ngay nửa tỷ đồng: Đừng quá tham lam khi đầu tư bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường BĐS cuối năm: Ngập ngừng chờ tín hiệu, nhà đầu tư có nên tiếp tục rót tiền?Chuyên gia cảnh báo thị trường BĐS dễ mua khó bán, nguy cơ xuất hiện "bong bóng"Thị trường BĐS hạ nhiệt, nhà đầu tư âm thầm "quay xe", bỏ cọc tiền tỷMất nửa tỷ đồng vì tham lãi lớn
Theo Nhịp sống kinh tế, đầu năm 2021, giá đất ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều được dịp "lên đồng". Trong đó phải kể đến giá đất tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước... chỉ trong thời gian ngắn đã tăng "phi mã". Trong cơn sốt, dù lãi vài trăm triệu đồng nhưng người có đất vẫn không muốn bán ra, vì họ nghĩ giá sẽ còn tiếp tục tăng thêm, sợ bán sẽ bị hớ.
Trường hợp anh Hiệp, nhà đầu tư tay ngang tại Hoài Đức (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Anh Hiệp cho biết, gia đình anh tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng, vì thấy nhiều người bạn của mình đã đầu tư đất từ lâu và có lợi nhuận cao, nên anh Hiệp bắt đầu tìm hiểu để tham gia thị trường.
"Nhiều người bạn của tôi họ có kinh tế vững vàng nên đã đầu tư từ lâu, thấy họ cũng có lần lãi, lần lỗ, nhưng chủ yếu là thắng đậm, nên tôi mới nghĩ tới chuyện mua đất. Ban đầu vì cũng không có kinh nghiệm nên tôi nhờ bạn bè tư vấn và đi xem trực tiếp ở nhiều nơi", anh Hiệp chia sẻ.
Do có người quen đang làm môi giới bất động sản tại Bắc Ninh nên anh Hiệp tới xem một vài lô đất, thấy giá cũng hợp lý mà xung quanh lại có nhiều khu công nghiệp. Đặc biệt, thị trường khu vực đó khi ấy cũng rất sôi động, nhiều người đã kiếm được tiền tỷ.
Cho đến đầu tháng 2/2021, anh Hiệp được người quen giới thiệu mảnh đất thổ cư có diện tích 80m2, nằm ở đường ngõ rộng 5m2, bán với giá 1,5 tỷ đồng, tương đương gần 19 triệu đồng/m2, vừa đủ số tiền anh đang có. Sau khi xem xét kỹ về vị trí và pháp lý, anh quyết định xuống tiền.
Anh Hiệp cho biết thêm, thời điểm anh mua mảnh đất này thì giá đất tại Bắc Ninh cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Chỉ trong thời gian ngắn, cơn sốt điên cuồng bao trùm toàn bộ khu vực này. Mảnh đất của anh Hiệp có những ngày có tới 5-7 người gọi điện hỏi mua. Mảnh đất khi ấy được định giá 2 tỷ đồng, tức lãi 500 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền. Cho rằng mảnh đất được nhiều người quan tâm nếu để thêm có khi lãi tiền tỷ nên anh Hiệp vẫn quyết không bán.
"Ban đầu tôi cứ nghĩ giá tăng nhanh thế này, để thêm thời gian nữa có khi còn được gấp 2 lần. Mục tiêu của tôi cũng chỉ lãi vài trăm triệu thôi nhưng đến khi thấy giá tăng đột biến thì lại chần chừ. Đến đầu tháng 2 vừa rồi, thấy thị trường bắt đầu chậm lại, tôi rao bán mảnh đất suốt mấy tháng trời nhưng không ai mua. Trong khi tôi đang cần tiền mở rộng kinh doanh ”, anh Hiệp nói.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 6, mảnh đất của anh Hiệp có 5-6 người đến xem, nhưng họ chỉ trả giá đúng bằng số tiền mà anh bỏ ra ban đầu là 1,5 tỷ đồng, tính ra không lãi được đồng nào. Vì cần tiền gấp nên anh Hiệp đành ngậm ngùi bán.
Đừng quá tham lam khi đầu tư bất động sản
Khác với trường hợp anh Hiệp, anh Định, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, gia đình anh từ trước tới nay cứ có tiền là sẽ dồn mua đất tỉnh. gần đây nhất, vào cuối năm 2021, anh mua 2 lô đất tại Nam Định rộng 90m2/lô với mức giá 800 triệu đồng/lô.
Sang đến năm 2022, thị trường khu vực này vẫn tiếp tục sôi động, giá đất vẫn tăng so với thời điểm trước đó. Tận dụng cơ hội, nhà đầu tư này đã bán cho người khác với mức giá 1,1 tỷ đồng/lô, tổng 2 lô anh đã lãi 600 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền.
“Lúc xuống tiền mua thì tôi nghĩ sẽ để 2 năm sau có lãi mới bán, nhưng vì giá tăng nhanh nên tôi tranh thủ bán ngay, quay vòng vốn đi khu vực khác vẫn chưa tăng mạnh”, anh Định vui vẻ chia sẻ.
Nhà đầu tư này cho rằng, thực tế khi thị trường biến động, mức giá đạt đỉnh thì sẽ có lúc đi xuống. Tuy nhiên, lúc nào thị trường lao dốc thì không ai chắc chắn được. Do đó, từ khi đầu tư đến nay, chỉ cần thấy có lãi đạt kỳ vọng là anh Định sẽ bán ngay. Đặc biệt, với những mảnh đất sử dụng đòn bẩy tài chính thì nhà đầu tư càng phải nhanh nhạy.
"Tôi đã đầu tư đất nhiều năm nay, có mảnh lãi, mảnh lỗ. Tôi nhận rằng, chỉ cần lãi đạt kỳ vọng là nên bán dù là lướt sóng hay dài hạn. Rất nhiều người khi đầu tư lúc thị trường sôi động, thấy người khác kiếm được nhiều họ lại càng tham lam, cuối cùng cái giá phải trả là mất lãi, âm cả vào tiền gốc", anh Định cho hay.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư này cho rằng, trong đầu tư cần phải có sự nhanh nhạy. Muốn có lãi nhiều nhất thì nhà đầu tư phải tính toán chính xác thời điểm mua vào và bán ra. Điều này cần rất nhiều thời gian để quan sát thị trường cũng như kinh nghiệm thực chiến lâu năm mới có được.
Trước tình trạng những cơn sốt đất luôn rình rập và kéo dài, các cơ quan chức năng cũng đã có những động thái nhằm "dập tắt" các cơn sốt đất. Trong đó, những biện pháp cơ bản như công khai quy hoạch, dừng phân lô tách thửa... đã phần nào có tác dụng làm dịu những cơn sốt.
Tuy nhiên, thực tế các biện pháp này mới chỉ mang tính chất nhất thời chứ chưa giải quyết được tận gốc và các cơn sốt ảo có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Do đó, để tránh “sập bẫy”, người mua nên cập nhật thường xuyên tin tức thị trường để nắm bắt tình hình, khảo giá trong khu vực, đối chiếu vị trí, mật độ dân số, tiện ích xung quanh, khoảng cách di chuyển, giá trị khai thác trước khi quyết định xuống tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt, không xuống cọc khi cái đầu đang nóng. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, có hoạt động hợp pháp để được tư vấn và tiến hành các giao dịch mua bán”.