Tây Nguyên đón loạt dự án gần 130.000 tỷ đồng từ các “ông lớn”
BÀI LIÊN QUAN
Tây Nguyên: Cần một lực đẩy từ hạ tầng giao thông để chuyển mìnhĐiểm mặt các nhà đầu tư “đánh thức” thị trường bất động sản Tây NguyênNhững điểm mới nhất về quy hoạch du lịch vùng Tây NguyênCuộc “chạy đua” đầu tư giao thông tại Lâm Đồng
Theo baodautu.vn, lễ trao chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư của các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là chương trình nghị sự cuối cùng của Hội nghị Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển Vùng Tây Nguyên.
Tại đây, ông Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu hợp tác đầu tư chỉnh trang đô thị; đầu tư dự án đường cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương và đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E theo phương thức đối tác công - tư; đầu tư các dự án, sản phẩm du lịch, chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án này là 1 tỷ USD.
Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương là 1 trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài toàn tuyến là 73,64 km. Dự án có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ tại TP Bảo Lộc. Điểm cuối dự án giao với đường cao tốc Liên Khương - Prenn tại cửa ngõ vào TP Đà Lạt.
Tại sự kiện này, Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang cũng nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Trước đó, liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Trang đã đề xuất triển khai dự án với kế hoạch tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 là 12.532 tỷ đồng. Trong đó, 1.500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng, địa phương đề nghị nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 2.500 tỷ đồng. Ở giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư là 5.420 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động toàn bộ.
Trong 2 năm trở lại đây, T&T và Phương Trang là các đơn vị đề xuất nhiều “siêu dự án” bất động sản tại Lâm Đồng.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Đại diện cho liên danh gồm Công ty CP tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty CP tập đoàn Nam Miền Trung) nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu hợp tác đầu tư dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án này là 17.200 tỷ đồng.
Bên cạnh 2 dự án giao thông trên, vào tháng 1/2022, tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương cho liên danh Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả và Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung phố hợp với liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T - Công ty CP đầu tư Tập đoàn Phương Trang cùng tham gia nghiên cứu, khảo sát lập ý tưởng, phương án quy hoạch các khu vực dự kiến làm “siêu dự án” với quy mô 15.000 ha tại thị trấn Nam Ban, các xã Đông Thanh, Mê Linh, Gia Lâm, Nam Hà, Phi Tô (huyện Lâm Hà) và một phần thuộc xã Hiệp Thạnh, Bình Thạnh và Liên Hiệp (thuộc huyện Đức Trọng).
Tập đoàn TH đầu tư các dự án xanh
Tại sự kiện, ông Arghya Mandal, Đại diện HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn TH đã nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu đầu tư các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 1,2 tỷ USD.
Tập đoàn TH cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án “Hợp tác về khảo sát nghiên cứu dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực Nông lâm nghiệp - Thương mại dịch vụ - Công nghiệp khai khoáng, chế biến sâu trên nền tảng phát triển bền vững tại địa bàn tỉnh Đắk Nông”.
Cũng trong sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Tuệ, Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu hợp tác đầu tư chỉnh trang đô thị, các dự án tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit, chế biến Alumin, sản xuất nhôm, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp và các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này là 1,3 tỷ USD.
Trước đó, Thaco đã đề xuất khảo sát và nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng bô xít tại TP Bảo Lộ và huyện Bảo Lâm. Khi đó, theo đề xuất dự án tổ hợp này có mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.
Dự án này bao gồm: nhà máy chế biến alumin (quy mô 500ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm); nhà máy tuyển quặng bô xít (quy mô 500ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm); nhà máy sản xuất nhôm (quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm).
Quy mô khu vực khai thác mỏ là 107,66 km2 tại các xã Lộc Quảng, Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), xã Đambri và phường Lộc Phát (tại TP Bảo Lộc), tổng trữ lượng quặng thô là 573,1 triệu tấn.
Theo Thaco, vùng nguyên liệu tại Lâm Đồng có thể đáp ứng được nhu cầu của dự án trong vòng 30 năm. Đánh giá sơ bộ trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn dồi dào, trong thời gian tới tập đoàn sẽ tiến hành khảo sát thăm dò mở rộng khai thác đảm bảo cho dự án hoạt động lâu dài.
Công ty cổ phần Daksun Hill cũng nhận Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, khảo sát phát triển dự án Khu nhà ở nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Daksun Hill và dự án Sân Golf tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông trong sự kiện lần này. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 7.400 tỷ đồng.
Tại sự kiện cũng chứng kiến việc trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các dự án như Dự án Nhà máy Chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk, vốn đầu tư 476 tỷ đồng, Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ tỉnh Đắk Lắk, tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng... Những dự án này sẽ được đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk.