Sở hữu chung cư 50 năm khiến người mua nhà trở thành thuê nơi ở?
BÀI LIÊN QUAN
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm định và đẩy nhanh cải tạo chung cư cũChung cư Hà Nội: Tìm mỏi mắt không thấy giao dịch nhưng giá bán vẫn “nhảy số” liên tụcNhững kinh nghiệm đầu tư lướt sóng căn hộ chung cưCú sốc với phân khúc nhà chung cư
Theo dự thảo Luật nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng thẩm định, lấy ý kiến, sẽ có phương án sở hữu căn hộ chung cư với thời hạn như 50 năm, 70 năm thay vì sở hữu lâu dài như hiện nay. Đây được đánh giá là “cú sốc” lớn đối với phân khúc nhà ở chung cư cũng như gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Công Tâm cho biết, pháp luật hiện hành quy định, với những khu chung cư xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ thì cấp sổ hồng thời hạn 50 năm còn những khu chung cư xây dựng trên đất ở ổn định thì có sổ hồng thời hạn vĩnh viễn.
“Đề xuất của Bộ Xây dựng về quy định thời hạn cho căn hộ chung cư đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như: Anh, Mỹ, Singapore. Theo đó khi hết thời hạn quy định, người dân sẽ được nhà nước hỗ trợ tái định cư ở một nơi khác (nếu nhà nước khu hồi khu đất) hoặc người dân có thể đóng thêm chi phí sửa chữa, xây dựng mới khu chung cư trên khu đất hiện tại. Việc định giá, hoặc tính giá chuyển đổi căn hộ chung cư sẽ được áp dụng theo thị trường thời điểm đó”, ông Nguyễn Công Tâm giải thích.
Theo vị chuyên gia này, quy định căn hộ chung cư có thời hạn sẽ giúp ích cho việc quản lý, chỉnh trang đô thị. Nhiều chung cư đã xuống cấp, người dân chấp nhận sống lụp xụp như khu ổ chuột mà không ai chịu rời đi và cũng không có phương án xây dựng mới. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và quy hoạch lâu dài của các thành phố lớn.
Ông Phạm Văn Quyết, Tổng Giám đốc công ty bất động sản Việt Hoàng thì cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng quy định sở hữu chung cư có thời hạn rất khó thực hiện. Bởi lẽ một toà chung cư được cấu thành bao gồm tiền xây dựng, thuế sử dụng đất cùng rất nhiều chi phí. Nếu áp dụng đồng nhất chung cư sở hữu có thời hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà (đặc biệt khi thế chấp căn hộ để vay tiền mua nhà).
“Hiện nay dạng căn hộ condotel đã áp dụng có thời hạn khiến người mua gặp không ít rắc rối. Nếu bây giờ tiếp tục áp dụng với căn hộ chung cư sẽ phải thay đổi chính sách, thậm chí là sửa Luật Đất đai. Chưa kể đất thương mại dịch vụ và đất ở đang thu tiền sử dụng đất khác nhau nên nếu áp vào một quy định chung sẽ rất khó”, Tổng Giám đốc công ty bất động sản Việt Hoàng nói và nhấn mạnh - quy định này sẽ khiến chủ đầu tư chung cư khó bán căn hộ hơn.
Ở góc nhìn người dân, bà Lê Thị Hoà (48 tuổi quê Nam Định, hiện trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) thắc mắc: “Vợ chồng tôi dành dụm tiền, mua trả góp căn hộ chung cư vừa để ở vừa tính thừa kế cho con cháu mình lập nghiệp ở thủ đô. Nếu giờ quy định căn hộ chung cư có thời hạn 50 năm thì khác gì chúng tôi đang đi thuê nơi ở dài hạn với giá cao?. Ước mơ phấn đấu, tích luỹ để có một nhà ở cho riêng mình đối với nhiều người coi như tan biến”.
“Tâm lý chung của người mua nhà khi bỏ ra số tiền lớn sẽ nhận được quyền sử dụng lâu dài, ổn định cũng như được cấp sổ hồng để thuận tiện việc vay vốn, mua bán về sau. Chưa kể có những dự án từ lúc ký hợp đồng mua bán để lúc nhận căn hộ chung cư mất 5-7 năm…”, bà Hoà chia sẻ thêm.
Chưa phù hợp với Việt Nam
Phản biện lại ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Công Tâm, ông Phạm Văn Quyết, Tổng Giám đốc công ty bất động sản Việt Hoàng cho rằng quy định thời hạn cho căn hộ chung cư đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhưng sẽ không phù hợp với Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn với doanh nghiệp trong việc phát triển các dự án nhà ở thương mại như kỳ vọng của Chính phủ. Chưa kể quy định này sẽ khiến thị trường chung cư không được quan tâm, dẫn đến đất nền tiếp tục tăng cao, gây khó khăn cho người dân tiếp cận mua để ở. Ông Quyết đề xuất thay vì điều chỉnh thời hạn sở hữu căn hộ chung cư thì Bộ Xây dựng nên điều chỉnh các quy định về việc xử lý căn hộ chung cư xuống cấp để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người dân đang sở hữu, sinh sống.
“Tôi cho rằng Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng cần có các chính sách phát triển nhà ở xã hội, chung cư để giải quyết vấn đề thiếu nơi ở đối với người lao động có nhu thập trung bình và dưới trung bình. Dự thảo quy định sở hữu chung cư có thời hạn sẽ đi ngược với mục tiêu khuyến khích tập quán ở nhà chung cư, tiết kiệm quỹ đất phục vụ các công trình công cộng của quốc gia”, ông Phạm Văn Quyết nói thêm.
Một số chủ đầu tư khác cũng cho rằng, đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn không phù hợp với chính sách an cư, an sinh của nhà nước. Ở góc độ doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cũng như nguy cơ tồn kho khi các sản phẩm xây dựng khó bán ra.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, việc áp dụng sở hữu chung cư có thời hạn chỉ áp dụng từ khi luật sửa đổi có hiệu lực. Các quy định mới sẽ không hồi tố đối với những căn hộ chung cư mà người dân đã mua và sử dụng trước đó.
Về thắc mắc của người dân hết thời hạn nhà ở chung cư người dân sẽ phải ra đường, không còn nơi ở, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản giải thích: Khi hết thời hạn, các cơ quan chuyên môn sẽ kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư. Nếu đảm bảo các yếu tố an toàn sẽ được gia hạn thời gian sử dụng, nếu không đảm bảo sẽ sửa chữa, xây dựng lại và chủ sở hữu vẫn được ưu tiên mua, tuy nhiên phải bù thêm một khoản tiền tương ứng.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng nhấn mạnh, hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung vào quy định sao cho thấu tình, hợp lý.