Shophouse nghỉ dưỡng đắt khách, condotel tiếp tục trì trệ
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao biệt thự Hoài Đức giá "trên trời" nhưng vẫn liên tục "cháy hàng"?Liệu nhà phố, biệt thự có còn là kênh "giữ tiền" cho nhà đầu tư?“Chê” bất động sản TP HCM vừa đắt vừa chật, nhà đầu tư về Đồng Nai “săn” nhà phố, biệt thựĐắt khách shophouse vài chục tỷ
Theo báo cáo mới công bố của DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có những dấu ấn ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tốt trong quý I, đặc biệt là sau các dịp nghỉ lễ như Tết nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương 10/3, …
Ba tháng đầu năm có 12 dự án biệt thự nghỉ dưỡng mới, được mở bán, cung cấp cho thị trường 1.020 căn, bằng 59% so với quý IV năm 2021, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ giao dịch thành công trên tổng nguồn cung đạt 57%, bằng 46% của quý trước, tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Cả nguồn cung và số lượng các giao dịch mua bán các biệt thự nghỉ dưỡng trong quý đầu, chủ yếu tập trung vào tháng 3. Bởi đây là thời điểm du lịch trở lại, đường bay được mở cửa và dịch Covid – 19 được loại ra khỏi nhóm bệnh nguy hiểm. Điểm sáng dẫn dắt thị trường phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng là Thanh Hóa và Hòa Bình, trong 2 năm gần đây, hai địa phương này liên tục ghi nhận nguồn cung ấn tượng và lượng tiêu thụ biệt thự đứng đầu cả nước.
Theo số liệu thống kế, trong quý I, giá bán sơ cấp biệt thự nghỉ dưỡng tại thị trường miền Bắc và miền Nam không có nhiều biến động, còn riêng miền Trung, giá bán biệt thự tăng mạnh từ 10 - 17% so với quý trước.
Cùng với đó, shophouse khu nghỉ dưỡng là phân khúc đang trên đà tăng giá, có tính thanh khoản cao trong thời gian qua. Ghi nhận 13 dự án được tung ra trên thị trường, trong đó, gồm 2 dự án mới, 11 dự án nằm trong giai đoạn tiếp theo, tạo nguồn cung 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước, gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Khu vực miền Bắc chiếm hơn 50% tỷ lệ sản phẩm, Thanh Hóa tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về nguồn cung cũng như lượng tiêu thụ.
Quý I giao dịch thành công 2.408 căn, tăng 4% so với quý trước, gấp 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số ấn tượng, được các chuyên gia đánh giá rất cao và cũng là tín hiệu tích cực của dòng bất động sản đắt tiền này. Cụ thể, phần lớn các dự án đều số lượng sản phẩm được bán ra với tỷ lệ tiêu thụ trên 80%. Đáng chú ý, những dự án có giá ở mức 20 tỷ đồng/căn có tỷ lệ giao dịch khá cao.
Sức hấp dẫn lôi kéo các nhà đầu tư
Shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng thu hút được nhà đầu tư nhiều hơn so với các loại hình khác vì khi dịch bệnh đã được kiểm soát, trạng thái bình thường mới được thiết lập, nền kinh tế từng bước phục hồi, nhu cầu sở hữu và thuê mặt bằng bán lẻ cao hơn. Chính vì thế, 2 loại hình này chiếm được rất nhiều sự quan tâm, tỷ lệ giao dịch mua bán thành công cao. Đối với những chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt, có thương hiệu tốt trên thị trường lại càng bị dòng sản phẩm “quý hiếm” này thu hút.
Hơn nữa, bản chất căn hộ shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng rất biết cách để tạo ra tiền. Bởi các yếu tố như: vị trí thuận lợi, thiết kế hiện đại, thông minh, chủ sở hữu hoàn toàn có thể ở hoặc kinh doanh như một loại hình bất động sản có giá trị sinh lời rất cao. Mức lợi nhuận nhận được từ việc cho thuê các căn shophouse có thể đạt được mức trung bình xấp xỉ 12%/năm.
Condotel chưa thoát khỏi sự trì trệ
Kim đo các chỉ số như nguồn cung và lượng tiêu thụ Condotel trong 3 tháng đầu năm đã nhích lên so với quý trước, tuy nhiên, vẫn chỉ dừng lại ở mức thấp, thời gian tiêu thụ chỉ chủ yếu rơi vào khoảng trước Tết âm lịch. Cụ thể, có 613 căn condotel ra mắt thị trường của 4 dự án. Số lượng sản phẩm tăng 71% so với quý trước nhưng giảm 18% so với cùng kỳ.
Số lượng sản phẩm tăng, song lượng tiêu thụ chỉ đạt 32%, một con số khiến nhà đầu tư và cả các chuyên gia phải đau đầu tìm cách tháo gỡ. Kể cả những khu vực mạnh về nghỉ dưỡng như Đà Nẵng, Quảng Ninh, … cũng rất khiêm tốn trong giao dịch. Các dự án mới mở bán cũng không khá hơn khi tỷ lệ tiêu thụ nằm dưới 50%.
Tia sáng duy nhất nhìn được trong phân khúc căn hộ khách sạn, chính là mức giá chào bán tăng 5 - 8% so với quý trước. Tuy nhiên, nhưng dự án được các đơn vị Việt Nam vận hành và quản lý lại có giá bán thấp hơn khoảng 23% so với dự án do đơn vị nước ngoài vận hành, quản lý.
Dự án của các đơn vị quốc tế có tỷ lệ giao dịch thành công cao hơn, chiếm 86% tổng lượng tiêu thụ. Đây là lời nhắc nhở các đơn vị trong nước, phải nghiêm túc xem lại cách quản lý cũng như phương pháp vận hành, từ đó đặt ra câu hỏi: Tại sao khách hàng lại chọn các sản phẩm quốc tế, thay vì các sản phẩm của doanh nghiệp nội địa?
Sau giai đoạn bùng nổ, phát triển mạnh mẽ vào khoảng các năm từ 2016 - 2018, condotel lộ ra nhiều vấn đề pháp lý gây tranh cãi trong các vấn đề: thời hạn sở hữu, khả năng được cấp sổ đỏ…
Do nhiều tỉnh đã ồ ạt cấp "đất ở không hình thành đơn vị ở" cho loạt dự án condotel, dẫn đến các tranh chấp, khiếu kiện trên về thời hạn sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của các nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng...Chính vì thế, tháng 11/2020, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tạm dừng cấp phép dự án condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Từ đó, thị trường condotel chững lại, không có nhiều bước tiến, cho đến tận bây giờ vẫn còn phải loay hoay tìm cách thay đổi tình hình. Mặc dù đã có rất nhiều phương pháp đề xuất giải quyết vấn đề, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, năm 2022 condotel vẫn chưa thể lấy lại hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư.