Rao bán BĐS thời điểm "hạ sốt", nhà đầu tư mệt mỏi vì vị ép giá
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư BĐS loay hoay tìm miền đất tiềm năng để "xuống tiền"Hết thời "đánh bắt xa bờ", nhà đầu tư BĐS "quay xe" về trung tâmCuối năm là cơ hội cho nhà đầu tư BĐS dày dặn kinh nghiệm "săn hàng" giá tốtChủ đất non kinh nghiệm sẽ bị ép giá
Theo Nhịp sống thị trường, anh Huyên, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2021, anh có mua một mảnh đất tại Thanh Oai diện tích 97m2 với giá 3 tỷ đồng, tức 30 triệu đồng/m2. Thời điểm đó, hầu hết các khu vực đều đang sốt đất, anh Huyên tự tin rằng chỉ 1 năm sau mảnh đất của anh có thể lãi tới 40-50%.
Thế nhưng, mọi tính toán của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi thị trường bất động sản bước sang năm 2022 đã "quay xe" hạ nhiệt. Theo đó, dù đã rao bán suốt 4 tháng nay nhưng mảnh đất của anh Huyên vẫn chưa thể tìm được chủ mới. Vừa không bán được đất, nhà đầu tư này lại lo lắng sẽ bị ép giá sâu.
Anh Huyên cho biết, tháng trước, nhiều người vin vào cớ đang là tháng ngâu, hạn chế mua bán để được giảm giá. Nhưng đến nay dù đã hết tháng ngâu, cũng chỉ có khoảng 3-4 người đến xem xong yêu cầu thương thảo, lý do họ đưa ra là thị trường đang bấp bênh, nên mua thời điểm này rất rủi ro và phải rẻ thì mới mua. Do cần tiền gấp để lo việc nên anh Huyên đành bán với giá 2,6 tỷ đồng, lỗ 400 triệu đồng.
Trong trường hợp tương tự, anh Quang Tú, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho hay, thấy thị trường bất động sản đầu năm 2022 lên cơn sốt ở khắp nơi. Sẵn trong tay đang có khoảng 2 tỷ đồng, anh Tú mạnh dạn xuống tiền mua một lô đất diện tích 102m2 tại Thạch Thất, tương đương gần 20 triệu đồng/m2.
Trước khi mua, anh Tú cũng tìm hiểu và biết khu vực này mấy năm qua giá đã tăng nhiều. Nhưng vì gần Thủ đô nên đã tự tin xuống tiền. Tuy nhiên, mua được vài tháng thì thị trường bất động sản bắt đầu chững lại, anh Tú vội liên hệ với môi giới ngỏ ý muốn bán. Nhưng môi giới lại nói để thêm cũng không lo, đất chỉ lên chứ không có chuyện xuống giá.
Đến tháng 6 vừa qua, nhận thấy thị trường vẫn chưa có diễn biến mới, nhà đầu tư này quyết định tìm người mua mảnh đất. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7 âm lịch có một số người tới hỏi mua nhưng đều muốn thương lượng giảm giá sâu. Thậm chí, mới đây anh Tú có liên hệ với những người này để mời mua lại thì họ vẫn muốn giảm khoảng 30% so với giá mua vào. Lý do bởi thị trường đang chững, mua vào thời điểm này cũng là liều.
Anh Thanh Tùng, chủ sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, với những người mua nhà ở thực thường kiêng kỵ tháng 7 âm lịch, nhưng với nhà đầu tư mục đích chỉ là mua bán qua lại thì sẽ không nặng nề quá về vấn đề này.
Theo anh Tùng, thị trường bất động sản mấy năm qua vẫn sôi động, đất đai được giao dịch bình thường, giá thậm chí còn liên tục tăng. Tuy nhiên, năm nay do thị trường đã chững nên đó chỉ là lý do để giảm giá.
Anh Tùng cho biết thêm, thời điểm thị trường sôi động hay chững cũng đều có những đội nhóm tác động nhằm mua được đất. Thời gian này, dù họ chưa có ý định mua vào nhưng sẽ vẫn đi tham khảo giá, sau đó trả giá thật thấp, nếu chủ đồng ý thì sẽ là một món hời. Còn nếu không mua được cũng khiến cho chủ đất non kinh nghiệm cảm thấy chán nản, rất dễ chốt bán ngay.
Do đó, dựa vào nhu cầu của mỗi người, nếu cần tiền họ có thể sẽ bán lỗ, còn với người mua bằng tiền thật và không cần sử dụng tiền thì có thể đợi thêm. Bởi đầu tư bất động sản luôn cần nhiều thời gian và chờ đợi vào chu kỳ. Bên cạnh đó, ngân hàng đã nới room tín dụng, dù không phải hoàn toàn chảy vào bất động sản nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ tốt hơn trước đó.
Thị trường bất động sản ra sao nếu được nới room tín dụng
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư tại Savills Việt Nam cho rằng, việc siết tín dụng nhằm giúp Nhà nước có thể chọn lựa và ưu tiên những doanh nghiệp và dự án có dòng tiền tốt ở các lĩnh vực khác nhau, tùy thời điểm cũng như tình hình kinh tế. Ngoài ra, động thái này còn hạn chế việc vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng.
Ông Khương đánh giá, thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp nguồn tiền được bơm trực tiếp vào nền kinh tế hậu Covid-19, qua đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bất động sản.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt trong vấn đề hạn mức tăng trưởng tín dụng. Việc Ngân hàng Nhà nước còn băn khoăn chưa nới room tăng trưởng tín dụng có thể do hai nguyên nhân đó là lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, với bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu kiểm soát được giá xăng dầu và giá thịt lợn thì sẽ tự tin có thể kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
Trong khi đó, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam dự báo thị trường những tháng cuối năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan cho thị trường. Hiện tại, thị trường vẫn ghi nhận một nguồn cung mới nhất định, đặc biệt đến từ các dự án có quy mô lớn.
Bà Trang cho biết, trong các tháng tới, sự tăng trưởng về nguồn cung vẫn duy trì tốc độ như giai đoạn đầu năm 2022 với khoảng 10.000 căn hộ mở bán và 200 sản phẩm nhà liền thổ. Trong đó, phân khúc căn hộ vẫn tập trung ở một số khu vực như TP Thủ Đức và quận 7. Đây đều là những khu vực kề trung tâm với quỹ đất hiện hữu. Tuy nhiên, với dòng sản phẩm nhà liền thổ chỉ ghi nhận 2 dự án mới tại Nhà Bè và quận 9 cũ. Đây là xu hướng dịch chuyển tất yếu của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh.