Quy hoạch thành phố Hải Phòng vào nhóm thành phố hàng đầu châu Á
BÀI LIÊN QUAN
Hải Phòng thu hút gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư "Ông lớn" địa ốc thi nhau đổ hàng nghìn tỷ đồng vào TP. Hải PhòngHải Phòng “đốt đuốc” tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị hơn 21.600 tỷ đồngTrọng điểm kinh tế của cả nước
Theo Báo Lao động, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã phê duyệt Quyết định số 323/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, bản quy hoạch được xây dựng với nhiều mục tiêu phát triển cụ thể trong giai đoạn 2045 - 2050, áp dụng trên diện tích toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hải Phòng, tổng diện tích theo thống kế quốc gia đến năm 2020 là khoảng 1.526,52 km2.
Trong giai đoạn 2045 - 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước, có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững.
Tại Hải Phòng sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và hàng hải. “Thành phố cảng” trở thành trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.
Về logistics, hình thành mạng lưới logistics khoảng 2.200 - 2.500 ha trong đó bao gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ – Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính, trung tâm logistics chuyên dụng.
Bố trí các khu logistics tại các khu vực sản xuất công nghiệp, cảng biển, cảng sông, các trung tâm, đầu mối vận tải khác. Tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố sẽ đề xuất điều chỉnh ranh giới để bổ sung đất phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng tại Tràng Duệ 3, Bến Rừng 2, Lạch Huyện, Tam Hưng - Ngũ Lão và đảo Cái Tráp.
Theo quy hoạch, định hướng phát triển vùng không gian ven biển tại Hải Phòng, tiếp tục ưu tiên phát triển các chức năng cảng, dịch vụ cảng, khai thác cải tạo luồng lạch, hệ thống đường dây đường ống kỹ thuật, không gian du lịch, vui chơi giải trí và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Thay đổi mô hình không gian đô thị
Đến năm 2040, dự báo dân số Hải Phòng tăng lên khoảng 3,9 - 4,7 triệu người. Dân số đô thị khoảng 3,2 - 4,0 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa từ 80 - 86%. Diện tích đất xây dựng đô thị tăng lên khoảng 72.000 - 73.000 ha, trong đó khoảng 25.500 - 26.500 ha là đất dân dụng và khoảng 47.500 - 48.500 ha là đất ngoài dân dụng.
Hải Phòng xác định mô hình không gian đô thị, phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Cấu trúc đô thị gồm hai vành đai - ba hành lang - ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Hai vành đai kinh tế gồm Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng và Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển. Ba hành lang cảnh quan gồm hàng lang sông Lạch Tray, hành lang sông Cấm và hành lang Văn Úc. Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Đô thị sân bay Tiên Lãng; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.
Hải Phòng sẽ xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh tại các đô thị mới; trung tâm ứng dụng chương trình kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu Big data khu vực Đông Nam Á ở Dương Kinh nhằm phục vụ định hướng phát triển hạ tầng đô thị thông minh.
Để đáp ứng 100% nhu cầu về dịch vụ thông tin, viễn thông của người dân và các hoạt động trên địa bàn thành phố. Thành phố Hải Phòng sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào công tác quy hoạch đô thị, quản lý và vận hành hệ thống hạ tầng đô thị, các dịch vụ công, các hoạt động xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch và trong các lĩnh vực kinh tế khác.
Xây mới trung tâm thương mại tài chính tầm cỡ quốc tế
Theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ nâng cấp trung tâm tài chính - thương mại và hội chợ triển lãm tại Lê Chân, Hồng Bàng. Tại Hải An, Dương Kính xây dựng mới khu trung tâm thương mại tài chính tầm cơ quốc gia, quốc tế (CBD); các khu trung tâm dịch vụ thương mại mới gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng), đô thị mới Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên) và đô thị mới phía Tây (An Dương).
Trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải phát triển khu thương mại tự do. Xây dựng các tuyến phố thương mại, dịch vụ, cửa hàng miễn thuế. Xây dựng chợ đầu mối nông sản, thủy sản ở Thủy Nguyên, Đồ Sơn, An Lão, Vĩnh Bảo.
Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia, khu cấp thành phố và các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ tại Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão, An Dương, Vĩnh Bảo…
Tại Hồng Bàng, Thủy Nguyên, An Lão, Đồ Sơn, Vĩnh Bảo xây dựng hệ thống chợ đầu mối nông sản, thủy sản. Ở Thủy Nguyên xây dựng mới trung tâm dịch vụ nghề cá. Khu vực phía bắc ở Bạch Long Vỹ xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng khu neo đậu tàu tránh bão vùng giáp bờ ở Cát Hải, vùng xa bờ ở Bạch Long Vỹ.
Nội dung bản quy hoạch nêu rõ, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 có mạng lưới du lịch chất lượng cao, có khả năng đáp ứng 30 - 35 triệu lượt khách; đến năm 2040, tiếp đón 35 - 40 triệu lượt khách. Xác định khu du lịch - dịch vụ Đồ Sơn phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế với thể thao vui chơi giải trí, tín ngưỡng và lễ hội biển.
Khu vực Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Long Châu phát triển thành khu du lịch dịch vụ kết hợp bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái. Hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới cho Vịnh Hạ Long - Cát Bà.