Quy định luật thừa kế đất đai khi chồng chết ở nước ta như thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Cập nhật đầy đủ các quy định liên quan đến luật thừa kế đất đai của bố mẹLuật thừa kế đất đai không có di chúc mới nhất, đầy đủ nhấtNhững Thay Đổi Về Luật Thừa Kế Đất Đai Hiện HànhSau khi chồng chết, người quản lý di sản theo luật thừa kế đất đai là ai?
Trường hợp đất đai là tài sản chung của vợ chồng:
Căn cứ Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình 2014, người vợ sẽ có toàn quyền quản lý đất đai khi chồng chết, trừ trường hợp di chúc có chỉ định người khác quản lý hoặc những người thừa kế đất đai thỏa thuận cử người khác quản lý.
Ngoài ra, Luật thừa kế đất đai khi chồng chết có nêu rõ, tài sản của vợ chồng sẽ được chia đôi nếu như có yêu cầu về chia đất đai, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Cụ thể:
- Xác định là tài sản riêng của vợ đối với một nửa khối tài sản chung, và phần tài sản này vợ có toàn quyền định đoạt.
- Xác định là di sản thừa kế mà người chồng để lại đối với một nửa khối tài sản chung thuộc về chồng, và cũng sẽ được chia theo quy định của luật thừa kế đất đai.
Trường hợp đất đai là tài sản riêng của chồng:
Đây là lúc mà tài sản sẽ được xác định là di sản thừa kế mà người chồng để lại và cũng được chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật. Người được chỉ định trong di chúc sẽ là người quản lý di sản hoặc do những người thừa kế thỏa thuận để cử ra theo quy định tại Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015.
Khi chồng chết có di chúc, vợ được hưởng thừa kế đất đai như thế nào?
Đối với trường hợp chồng có lập di chúc để lại đất đai cho vợ thì luật thừa kế đất đai đã quy định:
Việc phân chia đất đai được thực hiện theo ý chí của người chồng. Người vợ được thừa kế đất đai. Nếu như di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì đất đai sẽ được chia đều cho những người mà di chúc đã chỉ định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 659 Bộ luật Dân sự).
Đối với trường hợp người chồng có để lại di chúc nhưng không cho người vợ hưởng thừa kế đất đai hoặc chỉ cho hưởng phần đất đai có giá trị ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế, thì luật thừa kế đất đai đã quy định rõ:
Cụ thể tại Điều 644 Bộ luật Dân sự thì đối với trường hợp này, người vợ sẽ là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Người vợ được hưởng phần đất đai có giá trị bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu như đất đai đó được chia theo pháp luật.
Khi chồng chết không có di chúc, vợ được hưởng thừa kế đất đai như thế nào?
Căn cứ theo Điều 650 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp chồng chết không để lại di chúc thì di sản chồng để lại sẽ được chia đều cho mọi người trong hàng thừa kế. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của chồng.
Khi đó, các đồng thừa kế đều có quyền yêu cầu phân chia di sản chứ không phải mỗi mình người vợ. Những người được thừa kế có thể tự thỏa thuận về việc chia di sản, nếu như không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được xem xét và giải quyết.
Luật thừa kế đất đai khi chồng chết (Điều 655 Bộ luật Dân sự) đã quy định, trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung và vợ, chồng đang ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác, thì:
- Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó chồng chết thì vợ vẫn được thừa kế di sản;
- Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu chồng chết thì vợ vẫn được thừa kế di sản;
- Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Thủ tục sang tên đổi sổ đỏ do thừa kế đất đai khi chồng chết
Căn cứ theo quy định của luật thừa kế đất đai và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người vợ muốn được công nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất được hưởng thừa kế cần thực hiện khai nhận di sản thừa kế và sang tên sổ đỏ. Theo đó:
- Khai nhận di sản thừa kế: liên hệ với phòng công chứng tại tỉnh, thành phố nơi có đất đai để tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế;
- Tổ chức cuộc họp gia đình và tất cả các thành viên trong diện được hưởng thừa kế phải ký tên vào Biên bản họp gia đình, đồng ý để người vợ đứng tên chủ sở hữu trong sổ đỏ;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã quy định thủ tục sang tên sổ đỏ gồm các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ người vợ cần chuẩn bị bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT:
- Đơn đăng ký biến động đất đai theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
- Văn bản về thừa kế nhà đất theo quy định (di chúc, văn bản khai nhận di sản, biên bản họp gia đình,...);
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở tài nguyên và môi trường Tỉnh. Nếu người sang tên sổ đỏ nộp hồ sơ tại UBND xã nơi có đất thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND xã phải chuyển hồ sơ đó cho Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên môi trường huyện.
Bước 3. Nhận Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ hoặc giao UBND xã trao cho người nộp hồ sơ nếu hồ sơ được người nộp hồ sơ nộp tại UBND xã.
Thời gian thực hiện thủ tục: thông thường không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ trừ một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bài viết trên là sự tư vấn liên quan đến luật thừa kế đất đai khi chồng chết, hy vọng qua đó bạn sẽ có thêm thật nhiều thông tin bổ ích giúp giải quyết được những thắc mắc bấy lâu nay.