Quảng Ngãi đề nghị chuyển đổi 34 héc-ta đất trồng lúa để làm dự án của Hòa Phát
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội sẽ có thêm 5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021 - 2025Quy hoạch sử dụng đất khu vực Vân Phong (Khánh Hòa) được thông quaSẽ giữ lại các khu dân cư hiện có nằm trong Đồ án quy hoạch đô thị sông HồngDự án của Hòa Phát tầm cỡ như thế nào?
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát có tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng. Đây là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất của Hòa Phát. Dự án có tổng diện tích lên tới gần 280 héc-ta và nằm ở Khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hồi tháng 6 năm 2021. Đến ngày 17/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này.
Đây là một “siêu dự án” của Hòa Phát. Dự án bao gồm các công trình như Kho chứa nguyên liệu, phế liệu với diện tích lên tới 40 héc-ta. Nhà máy vôi xi măng 4 lòng nung đứng; Nhà máy nguyên liệu; Nhà máy luyện cốc với 16 lò; Nhà máy luyện gang; Nhà máy thiêu kết, vê viên; Nhà máy luyện thép; Nhà máy cán thép…
Theo chủ đầu tư, dự án này sản xuất theo chu trình khép kín. Các phụ phẩm như xỉ, bụi lò đều được thu hồi làm nguyên liệu. Nước dùng cho dự án được tuần hoàn, không thải nước thải ra môi trường xung quanh. Đồng thời nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn, dùng tưới cây, rửa đường…
Đối với khí thải, khí than, sẽ được lọc lưu huỳnh và tái sử dụng. Xỉ được nghiền ra để làm phụ gia sử dụng sản xuất gạch cung cấp cho dự án.
Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, hiện nay nhu cầu thép cán nóng của Việt Nam lên tới 12 triệu tấn (theo số liệu năm 2020). Trong khi đó, hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này là Hòa Phát và Formosa mới chỉ sản xuất được 8 triệu tấn. Dự án của Hòa Phát dự kiến có công suất 5,6 triệu tấn thép cán nóng mỗi năm khi hoàn thành vào năm 2025. Do đó, sẽ góp phần đảm bảo cung ứng thép cán nóng cho thị trường Việt Nam và hướng tới xuất khẩu. Hiện nay, Hòa Phát đang nắm giữ thị phần số 1 về thép xây dựng và ống thép tại Việt Nam.
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley tại Northern Territory (NT) từ một doanh nghiệp của UAE (Al Rawda Resources). Theo thông tin từ Hòa Phát, mỏ này có trữ lượng lên tới hơn 300 triệu tấn, công suất khai thác là 4 triệu tấn. Theo ban lãnh đạo Hòa Phát, mỏ quặng sắt đang chuẩn bị các bước để đưa vào khai thác, sản lượng quặng sắt năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 100.000 - 200.000 tấn. Tập đoàn này còn đang đàm phán với chủ bán mỏ tiềm năng khác ở Australia. Công ty đang đặt mục tiêu mua thêm các mỏ trong tương lai để tăng nguồn tự cung lên ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt, tương đương 10 triệu tấn mỗi năm.
Trước đó, vào năm 2017, Hòa Phát cũng đã đầu tư 52.000 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Dự án của Hòa Phát phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi gửi Thủ tướng nêu rõ tình hình sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng chỉ tiêu đất trồng lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng trên địa bàn huyện Bình Sơn theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 là 6.953,93 héc-ta. Kết quả thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa trên địa bàn huyện Bình Sơn là 59,49 héc-ta với 33 công trình, dự án.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa nhằm thực hiện Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Đây là dự án đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư vào tháng 6 năm 2021. Theo tỉnh Quảng Ngãi, đây là dự án trọng điểm của tỉnh, đã thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh.
Do đó, tỉnh Quảng Ngãi cho biết cần thiết chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích 33,97 héc-ta trên tổng số 279,8 héc-ta dành cho dự án. Cũng theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, hiện Chủ đầu tư dự án đã lập phương án sử dụng tầng đất mặt theo Nghị định 94/2019 năm 2019 về quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Về vị trí, diện tích và loại đất theo quy hoạch, văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đánh giá Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của tỉnh cũng như Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Sơn đã được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tháng 9/2021. Đồng thời Dự án cũng được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất trong năm 2021; Dự án này cũng có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Bình Sơn được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tháng 12/2021.
Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), do đó dự án sẽ được cập nhật vào phương án Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Về chỉ tiêu chuyển đổi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết diện tích còn lại đảm bảo chỉ tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa cho việc thực hiện Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi 33,97 héc-ta đất trồng lúa trong tổng số 279,8 héc-ta diện tích của Dự án thuộc các xã Bình Thuận, Bình Đông của huyện Bình Sơn.
Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Dự án, chịu trách nhiệm và đảm bảo về tính chính xác giữa hồ sơ và thực địa, sự phù hợp của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt cũng như tính khả thi thực tế. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng cam kết tổ chức thực hiện nghiêm túc, theo dõi, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có) khi được Thủ tướng chấp nhận đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa nêu trên.