Làn sóng cạnh tranh khu công nghiệp giữa các địa phương trong năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị hỗ trợ lãi suất 100 tỷ đồng cho các chủ nhà trọTP Hồ Chí Minh: Nguồn cung căn hộ dồi dào, thiết lập mặt bằng giá mớiHà Nội sẽ có thêm 5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021 - 2025Khu công nghiệp đón nhận các dự án tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại 61 tỉnh, thành phố của Việt Nam hiện có có 395 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 123.000ha. Có 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 21 tỉnh, thành phố, tổng diện tích 766.000ha. Có 18 khu kinh tế ven biển tại 17 tỉnh, thành phố, tổng diện tích mặt đất và mặt nước 871.500ha.
Tính đến ngày 20/12/2021, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước lên tới 31,15 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, thì con số này đã tăng 9,2%.
Hiện có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tổng số vốn đầu tư của Singapore dẫn đầu với 10,7 tỷ USD, ở vị trí thứ 2 là Hàn Quốc với gần 5 tỷ USD, thứ 3 là Nhật Bản với 3,9 tỷ USD
Trong năm 2021 ghi nhận dòng vốn FDI của Thái Lan vào Việt Nam tăng đột biến, vươn lên vị trí 11/106 quốc gia vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Thông qua 35 dự án mới, 20 dự án tăng vốn, 37 dự án góp vốn mua, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 349,47 triệu USD.
59 tỉnh, thành phố của Việt Nam được nhận vốn đầu tư từ các doanh nghiệp FDI trong năm 2021. Trong đó, dẫn đầu là thành phố cảng Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Long An xếp thứ 02 với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. TP.HCM đứng vị trí thứ 03 với gần 3,74 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư. Ngoài các địa phương trên, Bình Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… cũng được đánh giá thu hút được nhiều dự án FDI trong năm 2021.
Dự án FDI tỷ USD nổi bật nhất trong năm qua phải kể đến là dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Nhà máy sẽ đặt tại Khu Dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Tại Hải Phòng ghi nhận dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất trên địa bàn tỉnh là dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD.
Tại Cần Thơ là dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Thời gian dự kiến của nhà máy khi đi vào vận hành thương mại là vào năm 2024 - 2025.
Thời điểm những ngày cuối cùng của năm 2021, Việt Nam đón nhận thông tin Tập đoàn LEGO đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới rộng 44ha tại tỉnh Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.
Khu công nghiệp Bàu Bảng tại tỉnh Bình Dương cũng đón nhận đầu tư từ Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan) tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư của dự án lên 1,37 tỷ USD.
Theo Cushman & Wakefield, dòng vốn FDI trong năm 2021 không chỉ tập trung vào các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, những khu công nghiệp được hình thành từ lâu. Nay vốn đầu tư FDI còn trải đều ra các khu vực đầy tiềm năng của miền Trung như Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh…
Các địa phương “săn đón” vốn đầu tư FDI
Theo nhận định của công ty Collier, hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có sức hấp dẫn đối với FDI khi sở hữu cảng nước sâu Cái Mép. Cảng này có năng lực tiếp nhận 1,8 triệu TEU mỗi năm (thuộc nhóm 20 cảng nước sâu lớn nhất thế giới). Đồng thời, có mức giá thuê khu công nghiệp thấp hơn so với thuê tại Bình Dương và Đồng Nai. Cụ thể mức giá thuê trung bình của bất động sản công nghiệp từ 90 – 100 USD/m2/kỳ hạn thuê.
Khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành được đi vào sử dụng. Trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về logistics rất đáng kể.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập Khu công nghiệp khoa học công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III và Khu công nghiệp Cây Trường hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ cung cấp thêm 1.700ha đất công nghiệp. Các khu công nghiệp khác tại tỉnh Bình Dương cũng đang trình hồ sơ mở rộng diện tích đất.
Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ cho thuê và cho thuê lại đất từ 100 - 150ha; thu hút từ 1,2 - 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài FDI; thu hút từ 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước;...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, công nghiệp sẽ là lĩnh vực tỉnh ưu tiên phát triển để làm trụ đỡ cho kinh tế của tỉnh nhà. Theo thống kê đến tháng 1/2022, các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đã thu hút được hơn 2.000 dự án, trong đó có 1.380 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 27,6 tỷ USD và 624 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đầu tư gần 68.400 tỷ đồng. Đã có gần 1.800 dự án đi vào hoạt động, với tổng số doanh thu mỗi năm 25 tỷ USD, riêng xuất khẩu đã chiếm 60%.
Trong thời gian tới, tỉnh Long An được dự báo sẽ đón nhận nhiều vốn đầu tư FDI hơn nữa. Ông Nguyễn Thành Thanh, Trường Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết: “Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích gần 3.800ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 89,6%, hiện còn 306ha đất sạch chưa cho thuê. Có 07 khu công nghiệp khác đang xây dựng, với diện tích 290ha”. Hiện tỉnh Long An phấn đấu trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Bắc Ninh, thủ phủ khu công nghiệp tại miền Bắc, đến nay các khu công nghiệp thu hút được 1.716 dự án, với dự án trong nước là 541, dự án vốn FDi là 1.175 dự án. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt trên 22,1 tỷ USD. Riêng trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của các khu công nghiệp đạt 1,245 triệu tỷ đồng, xuất khẩu đạt 38 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh sẽ phát triển thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện tại theo chiều sâu hơn nữa.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, một điểm sáng mới trong thu hút đầu tư tại miền Bắc. Tỉnh này đã thu hút được 1,1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 429 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD.
Nhằm thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư hơn nữa, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, như: Áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm với các công ty sản xuất phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.... giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2-4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4-9 năm tiếp theo…
Hiện nay các khu công nghiệp của Việt Nam hầu như đều đã được lấp đầy bởi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Những khu công nghiệp còn trống thì diện tích cho thuê hạn chế. Theo Cushman & Wakefield, Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi dành cho công nghiệp, chi phí và nguồn lao động có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực, nền chính trị ổn định, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) vì vậy Việt Nam trở thành điểm sáng của các công ty FDI khi đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc.
Nhưng để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư hơn nữa thì các địa phương cần có quy hoạch mới. Bởi theo nhận định của bà Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội, mô hình khu công nghiệp rộng tới vài trăm hoặc 1.500ha đã lỗi thời.
Hiện tại các khu công nghiệp của Việt Nam đều dành phần lớn diện tích đất dành cho sản xuất, mà không còn không gian cho đầu tư các trung tâm logistics. Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, cho biết những khu công nghiệp mới cần phải tạo ra các dự án công nghiệp hỗn hợp gồm hậu cần, kho lạnh, trung tâm dữ liệu và trung tâm nghiên cứu và phát triển.