Phát triển công nghiệp xanh thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Bài học phát triển công nghiệp bền vững
Xu hướng công nghiệp xanh hay phát triển bền vững đang từng bước được hình thành một cách rõ nét hơn. Tháng 3 năm nay, tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em Lego của Đan Mạch chính thức có mặt tại Việt Nam với dự án xây dựng nhà máy sản xuất với tổng mức vốn đầu tư lên tới 1,06 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 của Lego trên phạm vi toàn thế giới và là nhà máy thứ 2 được đặt tại Châu Á. Thương vụ này của Lego được đánh giá là một dấu son trong việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Ông Lê Huy Đông - Quản lý Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội, bày tỏ: “Việt Nam đang ở cửa ngõ cơ hội của sự phát triển, với nhiều tiềm năng để vươn xa hơn trên bản đồ thế giới. Song, ngành công nghiệp của nước ta cần nhìn nhận kĩ hơn những bài học từ các nước trong khu vực và trên thế giới để tránh đi vào những vết xe đổ không đáng có. Chúng ta nên xem yếu tố “xanh” như một điều kiện cần thiết trên con đường phát triển công nghiệp”.
Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho ta nhiều bài học, cách đây 30 năm, cường quốc này cũng như Việt Nam, sở hữu nhiều lợi thế nổi trội. Thành công của Chính quyền nước này là biết tận dụng triệt để những thế mạnh sẵn có nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI trong nhiều ngành nghề, trong đó bao gồm cả sản xuất, chế tạo và xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng chính điều này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động đỏ tại Trung Quốc thời điểm những năm 2015-2017. Trước đó, bốn thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Tây An, chỉ trong năm 2012 đã phải chi ngân sách hơn một tỷ USD để nghiên cứu hệ thống lọc không khí. Theo thông tin, tình trạng môi trường xuống cấp đã làm thất thoát khoảng 3% GDP của Trung Quốc. Thế nhưng, nhiều cơ quan tư vấn độc lập cho rằng thiệt hại về vật chất cao hơn nhiều so với thống kê mà Bắc Kinh đưa ra.
Cộng đồng nhân dân Trung Hoa xem ô nhiễm công nghiệp là nguồn gốc chính gây ra mọi bất ổn trong xã hội, các nhà máy từ luyện kim đến hóa chất phát triển gây ra những biến dạng về cảnh quan, môi trường.
Để ngành công nghiệp đạt được kết quả bền vững, phần nhiều nỗ lực phụ thuộc vào chủ trươn, quyết định của Chính phủ. Hiện nay, tất cả các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đều bắt buộc phải báo cáo các vấn đề liên quan đến Môi trường, Xã hội và Quản trị hàng năm. Yêu cầu này bắt buộc các công ty công bố hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như đo lường các chính sách lao động và nhân quyền của nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển, ưu tiên vốn đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo - sản xuất công nghệ cao. Đây được đánh giá là các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như: sản xuất, lắp ráp thiết bị hay linh kiện điện tử. Đồng thời, chúng ta cần có kế hoạch hạn chế các ngành nghề truyền thống như dệt may nhuộm, gia công giày da, sản xuất pin, ắc quy với công nghệ lạc hậu, lỗi thời. Những lĩnh vực, ngành nghề này được xếp vào top những ngành nghề sử dụng nhiều hóa chất và thải ra nhiều độc gây hại cho công nhân và môi trường.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã đưa ra những chính sách khuyến khích việc đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, như điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện hay nhiệt điện.
Cơ hội – thách thức đối với doanh nghiệp, đơn vị phát triển bất động sản
Vị chuyên gia Savills thông tin, ngày càng có nhiều đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp tập trung vào yếu tố về môi trường. Mô hình xanh giúp họ kiểm soát và duy trì tốt hệ thống kỹ thuật trong khu công nghiệp. Ví dụ, một khu công nghiệp có quy mô khoảng 150 – 200ha, hệ thống xử lý nước thải vào có công suất khoảng 4,000m3/ngày đêm. Hệ thống này phục vụ toàn bộ nhà máy trong khu công nghiệp. Trong khi đó, một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô với quy mô khoảng 30,000m2 đưa ra yêu cầu xử lý từ 300-500 tấn rác thải mỗi ngày. Theo thống kê, lượng rác thải này chiếm đến hơn 10% công suất của toàn hệ thống.
Để tránh trường hợp tắc nghẽn hệ thống do quá tải, nhà vận hành tại khu công nghiệp thường yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ quy trình sản xuất và đầu vào của nguyên vật liệu. Từ đó, chủ đầu tư có cơ sở để đánh giá mức độ phù hợp của từng ngành sản xuất thuộc khu công nghiệp của mình. Bên cạnh đó, họ cũng khuyến khích việc các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý riêng trước khi hoà vào hệ thống tổng. Một khi quá tải sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt của khu vực dân cư xung quanh cũng như dẫn đến việc sự đình trệ quá trình sản xuất.
Khu công nghiệp sạch và hiện đại là một trong những yếu tố thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Hầu hết doanh nghiệp hiện nay, đều chú ý hơn đến việc phát triển đồng bộ hạ tầng nội khu, cũng như cải thiện môi trường làm việc nhằm giữ chân người lao động. Ngoài ra, đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải, cùng với xanh hoá cảnh quan khu công nghiệp là cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống trong dự án. Đây cũng là điểm cộng để thuyết phục các chuyên gia nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam.
Cũng theo ông Đông, “Mô hình khu công nghiệp xanh đem lại lợi ích chung cho nhiều bên. Nhìn nhận vấn đề từ góc độ của khách thuê, nhà máy đạt chứng chỉ “xanh” giúp họ đáp ứng được những yêu cầu từ Chính phủ, hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Bởi vậy, các dự án đạt tiêu chuẩn môi trường được cả nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và tìm kiếm. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của những đơn vị phát triển bất động sản đủ khả năng đáp ứng được các điều kiện “sạch” ngặt nghèo này”.
Tại Việt Nam, hiện nay có không ít nhà đầu tư sở hữu dự án được công nhận công trình xanh. Điển hình, chúng ta có VSIP và DEEP C. Những đơn vị này đều đang sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái nhằm cung cấp điện cho một phần của khu công nghiệp. Trong tương lai, nhiều dự án cũng đã và đang được định hình theo hướng khu công nghiệp xanh và thông minh.
Dự án sở hữu hệ thống cấp thoát nước khoa học, áp dụng công nghệ cao bao quanh để xử lý nước thải mang lại nguồn nước sạch cho người lao động cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhà máy, nhưng đi kèm với những lợi ích về kỹ thuật, môi trường và nguồn lao động thì khách thuê tại những khu công nghiệp “xanh” cũng sẽ đối mặt với một số thách thức. Khó khăn xuất phát từ chi phí để đầu tư máy móc và công nghệ để có thể đáp ứng các tiểu chuẩn thân thiện với môi trường.
Khi đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ bị nâng lên. Các doanh nghiệp nước ngoài khi quyết định đầu tư sẽ phải cân đối giữa lợi nhuận từ môi trường kinh doanh và chi phí chênh để đảm bảo quy tắc công nghiệp xanh.