Nỗ lực đưa chứng khoán Việt lên chuẩn thị trường mới nổi trước năm 2025
Dựa trên tinh thần của Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn minh bạch, an toàn, hiệu quả, bền vững, Chính phủ và Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu: Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ hướng tới là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, Việt Nam định hướng nâng cấp hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Các giải pháp kỹ thuật cụ thể
Thị trường chứng khoán Việt vẫn chưa được nâng hạng vì còn những nút thắt lớn, nhất là vấn đề Bù trừ thanh toán. Để nhà đầu tư ngoại yên tâm khi mang một lượng tiền lớn giao dịch cổ phiếu tại Việt Nam, họ cần có ngân hàng thương mại làm thành viên bù trừ theo mô hình thanh toán CCP. Để làm được vậy thì phải có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng đã nhiều năm qua, một trong những quyết định cần thiết để thị trường chứng khoán nâng hạng vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa có sự vào cuộc của NHNN.
Giải pháp kỹ thuật đang triển khai là Công ty chứng khoán ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại. |
Một giải pháp kỹ thuật được Bộ Tài chính và UBCKNN nỗ lực triển khai là để công ty chứng khoán ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại.
Việc Nam hiện đang yêu cầu thanh toán theo cơ chế Prefunding (Ký quỹ tiền trước vào ngày T+0 rồi chờ nhận cổ phiếu về vào T+2), song theo thông lệ quốc tế là Delivery vs Payment (tức hàng đổi tiền, cổ phiếu về tài khoản lúc nào thì lúc đó mới đưa tiền).
Trong ngày mua T+0 đó, công ty chứng khoán được đề xuất là bên ứng tiền trước để nhà đầu tư mua cổ phiếu, đến khi cổ phiếu về tài khoản vào ngày T+2, công ty chứng khoán và nhà đầu tư ngoại sẽ thực hiện đổi tiền và hàng. Như vậy giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro chênh lệch tỷ giá và đọng vốn trong khi giao dịch chuyển tiền chậm thì mất cơ hội mua chứng khoán đúng thời điểm.
"Điều quan ngại bây giờ là khả năng tài chính của các công ty chứng khoán, vì 1 nhà đầu tư tổ chức ngoại lớn có thể có nhu cầu mua với giá trị rất cao. Do đó cần những ngân hàng giám sát và xử lý trong trường hợp NĐT ngoại không trả tiền khi cổ phiếu về. Tôi nghĩ cần có thêm 1 khoản tiền mặt chiếm 20% giá trị mua cần được giữ tại ngân hàng giám sát để phòng rủi ro trên, tất nhiên tôi nghĩ với NĐT tổ chức rủi ro "bùng mua" ít có thể xảy ra" - Ông Tsuyoshi Imai - Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Nhật Bản cho biết.
Giới phân tích cho rằng, nhiều công ty chứng khoán nhóm hiện đã có đủ đệm vốn dày để thực hiện nhiệm vụ ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại, nhất là những công ty cũng đang rốt ráo tăng thêm vốn để đón đầu cơ hội “chăm sóc” nhóm đối tượng này.
Nhiều CTCK nhóm có đủ đệm vốn dày để thực hiện nhiệm vụ ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại |
Ví dụ: CTCK TP. HCM công bố nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chứng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 7/12/2023. Vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ 4.581 tỷ đồng lên thành 7.552 tỷ đồng;
CTCK SSI có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng; CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI) thông báo đã ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD (tương đương 2.350 tỷ đồng).
Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Smart Invest - Ông Vũ Duy Khánh nhận định: “Với tốc độ tăng vốn năm 2023 cũng như năm sau với các công ty top đầu thì hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu, vì ta thấy được khối ngoại một chu kỳ khoảng 1 tỷ USD rồi lại dùng thì tài chính không còn là vấn đề với các công ty chứng khoán hiện nay”.
Cơ quan quản lý cũng đang tìm giải pháp cho vấn đề thanh khoản bế tắc lâu nay, vậy nút thắt còn lại về Giới hạn sở hữu nước ngoài đang được xử lý thế nào?
Nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng giải pháp là NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết). Sản phẩm cho phép các nhà đầu tư mua thêm cổ phần nhưng không có quyền biểu quyết. Nhà đầu tư ngoại có cơ hội đầu tư vào ngành tài chính của kinh tế và doanh nghiệp Việt, không lo việc mất tỷ lệ chi phối.
NVDR hình thành từ một sáng kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Thái Lan vào năm 2000 sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ sau 6 tháng đầu phát triển, sản phẩm đã được đón nhận và góp phần giúp thị trường chứng khoán Thái Lan nâng hạng lên mới nổi.
NVDR giúp thị trường chứng khoán Thái Lan nâng hạng lên thị trường mới nổi |
Trong Luật doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã định danh NVDR từ năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, các thành viên trên thị trường rất mong được áp dụng sản phẩm này.
Dùng NVDR tháo gỡ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Theo Ông Petri Deryng - Quản lý quỹ Pyn Elite Fund: “NVDR là giải pháp tối ưu cho vấn đề sở hữu nước ngoài, nếu chưa áp dụng sản phẩm này thì cũng hãy công khai tỷ lệ sở hữu của từng doanh nghiệp niêm yết, chứng ta không nên cấm toàn ngành mà cần xem xét xem doanh nghiệp nào cần hạn chế thì hạn chế”.
Theo Ông Nguyễn Xuân Thông - Giám đốc RTV Investment: “Nhiều ngành đang thừa room mà nhà đầu tư ngoại không muốn mua vì nó không phải ngành hot như ngân hàng, năng lượng,... Cơ quan quản lý nên xem xét sản phẩm NVDR để hỗ trợ nhà đầu tư ngoại và giúp thu hút dòng tiền đầu tư quốc tế.
Chỉ còn một năm nữa sẽ tới năm 2025, đến thời hạn cho cam kết thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn thành mục tiêu nâng hạng lên TTCK mới nổi. Thực tế đã có giải pháp, nhưng điều còn thiếu là các Bộ ngành như NHNN, Bộ KH - ĐT có sẵn sàng chung tay cùng Bộ Tài chính và UBCKNN thực hiện mục tiêu này hay không”.