Những lô đất dưới 1 tỷ đồng, môi giới khẳng định “người mua đất sào càng để lâu, càng có lợi nhuận lớn”
BÀI LIÊN QUAN
Nghề môi giới BĐS đã thực sự qua thời kỳ khó khăn khi chốt được 2 giao dịch/tuần?Môi giới bám trụ với nghề tâm sự: “Giờ không làm bất động sản, tôi không biết phải làm gì lúc này”Giải pháp nào dành cho môi giới bất động sản bám trụ với nghề khi thị trường trầm lắng?Đất sào được môi giới chào bán vô cùng hấp dẫn
Theo Nhịp sống thị trường, môi giới tên T quảng cáo loại đất sào cho biết: “Chỉ tài chính 650 triệu đồng/lô, người mua đã có cơ hội sở hữu cho mình bất động sản với view triệu USD. Điều đặc biệt, đây chính là loại hình bất động sản rất tiềm năng. Người mua cũng có thể cho thuê, làm du lịch và kinh doanh homestay hay là làm vườn. Đây cũng chính là tài sản tích sản khi để càng lâu thì lợi nhuận lại càng cao. Khoảng thời gian chờ tăng giá trung bình là từ 3 - 5 năm”.
Môi giới này cũng cho biết thêm, lô đất sào đều có sẵn sổ đỏ nhưng loại hình đất ghi ở trên sổ là đất nông nghiệp và không có đất thổ cư. Môi giới tên T quảng cáo rằng: “Những lô đất này có vị trí rất đẹp và có thể ngắm hoàng hôn hay săn mây vào buổi sáng. Khách mua có thể để tích sản và chờ tăng giá, khai thác làm homestay. Đến thời điểm hiện tại thì những lô đất này đã hạ giá. Trước đó, thời điểm năm 2020 - 2021, mức tài chính dưới 1 tỷ đồng khó chọn được lô đất sào có vị trí đẹp”.
Có nên xuống tiền đầu tư đất sào?
Chị Mạnh Phạm là môi giới ở Bình Dương cho biết, thời điểm dịch bệnh, trào lưu bỏ phố về quê đã bùng nổ cho nên loại hình đất sào sốt. Giá lô đất thấp nhất là khoảng 900 triệu đồng. Thời điểm sốt, giá trung bình mỗi lô đất sào là 1000m2 tăng lên đến 1,2 - 1,3 tỷ đồng. Có một số khách còn mua cả mẫu đất để chờ tăng giá và tích sản.
Vậy nhưng, sau sốt đất thì loại hình này đã ghi nhận thanh khoản sụt giảm trầm trọng. Đến thời điểm hiện tại, có nhiều chủ đất đã chào bán ra 600 - 700 triệu đồng/lô tuy nhiên không có người mua. Đây chính là loại hình bất động sản không đáp ứng được nhu cầu ở thực cho nên rất khó thanh khoản.
Anh Nguyễn Hùng là nhà đầu tư kiêm môi giới đến từ Hà Nội cho biết, mua đất nông nghiệp theo sào để làm homestay đã hết thời.
Anh Hùng cho biết, đầu tiên là dịch bệnh đã hết, guồng quay công việc trở lại và nhu cầu sống vùng trung tâm vẫn lên ngôi. Cho nên giấc mơ bỏ phố về rừng hay về quê dần thoái trào.
Thứ hai đó là bởi nhu cầu co hẹp cho nên thanh khoản loại hình đất sào thấp. Đó cũng là lý do người mua cắt lỗ sâu vẫn không bán được. Nếu như một nhà đầu tư khác muốn mua vào, họ phải xác định, khả năng tìm được người mua chốt là rất thấp.
Thứ ba đó là nếu như mua đất sào nông nghiệp thì sẽ không phải lo ngại về mặt pháp lý. Tuy nhiên nếu mua đất sào về xây làm homestay thì rủi ro là rất cao. Bởi vì xây dựng công trình ở trên đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật. Hiện tại thì các địa phương đang tăng cường quản lý gắt gao, thanh tra những công trình ở trên đất nông nghiệp. Có nhiều trường hợp chủ đầu tư hàng chục tỷ xây công trình ở trên đất nông nghiệp vẫn bị yêu cầu trả mặt bằng như trước. Bên cạnh đó, để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư là không hề dễ dàng gì.
Nhà đầu tư này cho biết: “Nếu như người mua có tài chính dưới 1 tỷ đồng, muốn tích sản nên tìm lô đất thổ cư có vị trí đẹp, trong khu dân cư đông đúc và có pháp lý đầy đủ. Và trong thời điểm này, giá đất đều hạ, người mua cũng sẽ có cơ hội sở hữu cho mình bất động sản rẻ hơn từ 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2021. Người mua đầu tư xây dựng nhà cấp 4 cho thuê, thu dòng tiền về mỗi tháng. Và bất động sản này sẽ đảm bảo về lợi nhuận, thanh khoản tốt hơn cho người mua so với lô đất nông nghiệp”.
Giám đốc Công ty Luật My Way - luật sư Lê Văn Hồi cho biết, theo quy định của pháp luật đất đai, đất nông nghiệp có nhiều loại như đất trồng lúa, đất trồng rừng, đất trồng cây,... Những cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay là không sinh sống ở trong phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng thì sẽ không được phép nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Nếu như các cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 26 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Nghị định 91).
Hơn thế, trong quá trình om đất này, nếu như các nhà đầu tư tự ý xây dựng công trình và nhà ở trên đất thì sẽ không được bồi thường khi mà Nhà nước thu hồi đất vì sử dụng đất sai với mục đích, bên cạnh đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng Nghị định 91.
Luật sư Hồi nhấn mạnh: “Trong trường hợp người dân thực sự có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa và đất trồng rừng nói riêng, cũng như đất nông nghiệp nói chung thì cần phải nhận diện đầy đủ rủi ro có thể gặp phải khi tiến hành nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp”.