Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tin “vỡ mộng” sau “cơn sốt đất”
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản: Tranh nhau mua lúc sốt đất, khi giá giảm lại chẳng ai ngó ngàngHậu sốt đất, đấu giá đất Bắc Giang tới thời “ế ẩm”Sốt đất đi qua, nợ nần ở lại: "Khi thủy triều rút mới biết ai đi bơi mà không mặc quần"Tan cửa, nát nhà vì buôn đất
Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2020 đến hết quý I năm 2022, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các cuộc sốt đất. Giá đất ở các nơi từ thành thị đến vùng nông thôn cũng đồng loạt tăng theo cấp số nhân. Thời điểm ấy, không ít người đã bỏ công việc thường ngày đi buôn đất kiếm lời.
Thực tế, đã có người giàu lên, kiếm tiền tỷ nhờ buôn đất tuy nhiên không ít nhà đầu tư mua đất khi bị thổi lên mức quá cao, không đúng với giá trị thực dẫn đến những câu chuyện đau lòng.
Thấy nhiều người giàu lên vì đất, anh Lê Văn Hùng (38 tuổi ở quận Hà Đông, TP Hà Nội) bắt đầu tìm hiểu và học cách “buôn đất” từ tháng 3 năm 2020. Là nhân viên tại một công ty máy tính với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng, cuộc sống của Hùng và gia đình vốn rất bình yên. Thế nhưng từ ngày đầu tư vào đất, không chỉ công việc bị ảnh hưởng, cuộc sống gia đình anh ít nhiều bị đảo lộn.
“Tổng thu nhập của tôi và vợ là khoảng gần 20 triệu đồng/tháng, nhà cửa sẵn có nên hai vợ chồng cũng để ra được gần 1 tỷ đồng. Đầu năm 2020 thấy bạn bè đầu tư vào đất và thu lợi rất nhanh nên tôi tìm hiểu và bàn với vợ để học theo, tranh thủ kiếm thêm ít vốn. Tuy nhiên, vợ tôi khi ấy phản đối rất gay gắt nên tôi đã giấu vợ lấy tiền tiết kiệm của gia đình để đầu tư bất động sản.
Khi biết chuyện này, vợ chồng tôi đã tranh cãi rất nhiều. Thời điểm khi đất lắng xuống, có nguy cơ không thể bán để thu tiền về, vợ tôi cáu giận đưa con về bà ngoại ở một thời gian…”, anh Hùng kể lại.
Sang năm 2022, lời lãi chưa thấy đâu nhưng anh Hùng đứng ngồi không yên vì trước đó đã vay thêm tiền của họ hàng, người thân để mua thêm 1 lô đất. Sau đó giá trị 2 lô đất của anh sở hữu liên tục giảm khiến anh không biết ăn nói thế nào với vợ, tâm trạng chán nản.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hùng thừa nhận việc đầu tư vào đất thời điểm ban đầu quả thật có lời. Thế nhưng việc đầu tư mà không được tìm hiểu kỹ hay trau dồi kiến thức cũng giống như đánh bạc, dễ rủi ro. “Nếu như đánh bạc mình còn được cầm bài trong tay thì đầu tư đất mình hoàn toàn bị động, không biết trước thế nào. Một khi thị trường vào điểm rơi gần như không kịp thoát hàng, thậm chí bán hạ giá cũng không ai mua. Chưa kể, một số người đã vay thêm tiền ở ngân hàng để rồi thua lỗ nặng”, nhà đầu tư “tay ngang” này chia sẻ.
Hay như ông Hoàng Văn Phúc ở thị xã Phúc Thọ (TP Hà Nội), vốn là một người nông dân quen với việc đồng áng. Thế rồi một ngày đẹp trời, có người tới trả giá mảnh đất vốn để trồng rau, nuôi cá của ông với giá 400 triệu đồng. Thời gian sau, giá đất tăng chóng mặt.
Thế là dù chẳng hiểu lắm về thị trường bất động sản, ông Phúc cũng gom tiền khắp nơi, thậm chí vay lãi ngân hàng để mua lại chính mảnh đất mình bán hơn một năm trước với giá cao gấp rưỡi vốn định chờ giá lên là bán kiếm lời, nhưng đến giờ không ai mua với giá cao như vậy.
Ông Phúc còn may mắn khi mới chỉ phải trả giá bằng tiền. Như em gái ông tên Hoa, nghe bạn bè bàn tán về đất nền ở các khu vực này đang tăng giá mạnh, đã vay tiền ngân hàng để thử vận may đầu tư đất. Thời gian đầu khi đầu tư đất ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, giá đất tăng nên bà Hòa lại có tâm lý quyết đợi giá lên tiếp. Đến nay, miếng đất của này vẫn chưa bán được trong khi tháng nào bà Hòa cũng phải chạy vạy khắp nơi vay tiền trả ngân hàng và tin rằng “tới đây giá đất sẽ tăng trở lại”.
“Sốt đất” tàn phá làng quê
Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) dẫn giải câu chuyện 3 người con gái thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên tẩm xăng đốt mẹ ruột cũng chỉ vì tranh chấp đất đai. Hay như vụ án chấn động ở huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội thảm sát cả nhà em trai ruột năm 2019 cũng không ngoài chuyện tranh chấp đất.
Với góc nhìn sốt đất như là một triệu chứng bệnh tật của xã hội, theo luật sư Phúc An cần có phương pháp chữa bệnh phòng bệnh. Theo đó, các nhà quản lý cần đóng vai trò như một “bác sĩ’ để tìm ra nguyên nhân, những con vi rút nguy hiểm gây lên cơn sốt. Đó là những đối tượng cố tình tung tin đồn ảo, thậm chí vi phạm pháp luật để tạo ra sốt đất nhằm trục lợi bất chính.
Cùng với phương pháp chữa bệnh, một biện pháp không thể thiếu đó là phòng bệnh từ xa. Người dân, nhất là những người sống ở làng quê, môi trường “lý tưởng” cho cơn sốt đất phát triển lây lan cần bình tĩnh thận trọng trước những thông tin bất thường từ những cơn sốt đất. Những thông tin giá đất tăng bằng lần trong thời gian ngắn có thể kèm theo những “vi rút độc hại”.
Đánh giá chung về thị trường bất động sản, luật sư Lê Hoàng Phúc An cho biết: Đất nền khu vực ngoài trung tâm được ghi nhận là phân khúc gặp nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay và có thể tiếp tục chịu sức ép giảm giá. Giá các sản phẩm này đã được đẩy lên quá cao trong thời gian qua.
Cũng theo nữ luật sư, các nhà đầu tư loại hình này thường sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn so với các loại hình khác. Do đó, khi lãi suất vay điều chỉnh, áp lực thanh toán và trả lãi tăng cao nên giá có khả năng bị điều chỉnh nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Hoàng Phúc An, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cùng chính sách, quy định mới như loại bỏ khung giá đất hay mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều đất, nhà ở, bỏ hoang hoặc chậm sử dụng… được thông qua sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, giúp thanh lọc và gia tăng chất lượng dự án, đồng thời đem lại tính minh bạch, sự an toàn cho thị trường và tạo niềm tin cho người mua.