Nhiều nhà đầu tư không còn coi bất động sản là nơi giữ tiền tốt nhất
BÀI LIÊN QUAN
Các doanh nghiệp đã tự cứu mình sau khủng hoảng niềm tin và đứt gãy dòng tiềnSự bất ổn của ngành ngân hàng Mỹ đang khiến niềm tin sụt giảm đáng kể, người dân lo sợ sẽ bị mất sạch tiền gửiLàm thế nào để vực dậy thị trường bất động sản khi niềm tin của người mua bị "xói mòn"?Không còn mặn mà với bất động sản
Hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Anh Vũ - một nhà đầu tư bất động sản lâu năm ở TP Hồ Chí Minh đang tìm cách bán tháo căn hộ chung cư của mình ở thành phố Thủ Đức. Căn hộ này từng là tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong năm ngoái nhưng nay anh rao bán cắt lỗ hàng tháng trời vẫn không có người mua.
Nhà đầu tư này cho biết, anh đang sở hữu một số loại hình bất động sản khác ở các tỉnh vùng ven TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, anh cũng đang tìm cách bán dần và giảm bớt việc “rót tiền” vào kênh đầu tư bất động sản này.
“Năm nay là cơ hội cuối cùng để các nhà đầu tư có thể thoát hàng, thu hồi vốn trên thị trường bất động sản. Hết năm nay, tôi sợ rằng, thị trường rất khó có triển vọng phục hồi, giá bán trên thị trường mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư sẽ tiếp tục suy giảm”, nhà đầu tư này nhấn mạnh.
Không chỉ có anh Vũ, nhiều nhà đầu tư bất động sản khác cũng đang mất dần niềm tin với thị trường bất động sản trong nước. Đa phần các nhà đầu tư đều cho rằng, thị trường bất động sản đều qua giai đoạn sốt nóng và không còn là một kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền” như trước.
Theo dữ liệu của trang Batdongsan.com.vn, đầu năm 2023, chỉ số tâm lý thị trường bất động sản Việt Nam là 36 điểm, giảm khá nhiều so với mức 47 và 40 điểm của nửa đầu và nửa cuối năm 2022. Trong đó, mức độ lạc quan của người mua/bán BĐS sụt giảm mạnh nhất đối với lãi suất vay mua bất động sản (giảm 15 điểm).
Bên cạnh đó, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người tiêu dùng bất động sản về thị trường, về triển vọng tăng giá bất động sản trong tương lai và khả năng mua nhà cũng giảm từ 12 đến 14 điểm so với nửa cuối năm 2022. Còn chỉ số về triển vọng tăng giá bất động sản trong tương lai cũng không còn cao như đầu năm 2022.
Sự khủng hoảng niềm tin này thể hiện rõ ở thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh khi hàng loạt dự án lớn đều phải ngừng kế hoạch kinh doanh, mở bán trong thời gian vừa qua. Báo cáo công bố mới đây của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã cho thấy rõ thực trạng này khi nhiều dự án quy mô lớn đã ngừng khởi công như 3 dự án tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, khu nhà ở D2 tại Khu Y tế kỹ thuật cao,...
Giám đốc một sàn giao dịch ở TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng ngưng triển khai của nhiều dự án khiến thị trường bất động sản bao trùm một tâm lý rất ảm đạm. Từ đầu năm đến nay dù đã cố gắng, nỗ lực bán hàng nhưng nhiều sàn giao dịch nhà đất vẫn rất khó khăn, lượng giao dịch thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số khách hàng đều có tâm lý lo ngại khi mua bất động sản vào thời điểm này.
Bài toán cấp bách cần được giải quyết
Báo cáo mới đây của Colliers Việt Nam đưa ra dự báo, thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện với sự suy giảm niềm tin, nhất là khi trên thị trường vẫn còn nhiều chủ đầu tư kinh doanh thiếu minh bạch và dự án có pháp lý chưa rõ ràng.
Thực trạng này sẽ khiến thị trường bất động sản càng rơi vào trầm lắng, thậm chí có thể xảy ra khủng hoảng. Cho nên, ngoài việc tháo gỡ dần những khó khăn trên thị trường thì việc khôi phục niềm tin để nhà đầu tư là việc làm cần thiết và có ý nghĩa lớn để vực dậy thị trường.
Chia sẻ về những giải pháp nhằm phục hồi niềm tin trên thị trường bất động sản Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, trước hết cần nới lỏng cung tiền tệ đủ để giảm lãi suất xuống mức hợp lý.
Thứ hai cần nới lỏng room tín dụng cho các ngành, nghề quan trọng, trong đó có những phân khúc chủ đạo, cần được ưu tiên của thị trường bất động sản để phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ ba nên giảm bớt tỷ lệ hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản từ 200% xuống 150% nhằm đánh dấu một dấu hiệu về việc hỗ trợ cho thị trường bất động sản của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“Bên cạnh đó, trong quá trình khôi phục lòng tin của thị trường, cần hạn chế và thận trọng trong việc hình sự hóa các quan hệ đầu tư. Đây là yếu tố rất quan trọng để không làm đổ bể thêm thị trường và tâm lý nhà đầu tư”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đưa ra dự báo về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cho rằng, kênh đầu tư này đang trầm lắng nhưng không “đóng băng”. Những tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước sẽ giúp thị trường sớm phục hồi trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và phát triển. Trong năm 2023 sẽ có thêm nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành để gỡ khó cho thị trường bất động sản; đồng thời room tín dụng sẽ được nới lỏng để các ngân hàng tiếp tục cho vay.
Vị chuyên gia này dự báo, thị trường bất động sản có thể sẽ tốt lên vào cuối năm 2023 khi nguồn cung tăng, dòng tiền trở lại, doanh nghiệp có nguồn vốn qua phát hành trái phiếu.