Nhà đầu tư kể chuyện mua đất như "mua mớ rau" thời sốt đất: Có khách mua 30 lô đất trong vòng 15 phút, "lướt sóng" 1 tháng lãi cả tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường nhà đất các tỉnh ảm đạm, nhà đầu tư “tháo chạy”Bất chấp thị trường hạ nhiệt, nhà đầu tư vẫn liều mình "lướt sóng" bất động sảnVì sao nhà đầu tư "e dè" với thị trường bất động sản?Nhớ lại thời điểm đó, chị Vũ Lan, một nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường nhà đất hơn 3 năm, nhiều lúc không thể tin được, tại sao người ta có thể mua đất nhanh gọn đến vậy. Khoản tiền hàng tỷ, cho đến chục tỷ giao dịch như lá đa rơi ngoài đường.
Trước khi chính thức theo đuổi lĩnh vực đầu tư bất động sản, chị Lan từng làm quản lý cho một công ty truyền thông. Nhà đầu tư này chia sẻ, trước đây chị chưa từng có khái niệm, mua đất, mua nhà để đầu tư hay lướt sóng. Mục tiêu của chị chỉ là chăm chỉ làm việc, mua bất động sản để tích trữ. Do đó, số tiền mà chị tích cóp được trong quá trình làm việc đều để dành mua chung cư.
“Tôi từng phải bán lỗ một căn chung cư ở vùng ven Hà Nội vì xác định gia đình chuyển qua đó khá xa. Đó là lần duy nhất tôi bán lỗ tính đến thời điểm hiện tại”, chị Lan cho hay.
Cho đến năm 2019, theo chân một người bạn, chị Lan mới dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và đầu tư bất động sản. Đúng thời điểm sốt đất, chị Lan và nhóm bạn vào Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế để tìm kiếm cơ hội đầu tư, men theo các quy hoạch dự án lớn cũng như quỹ đất ven biển. Mỗi thương vụ, nhà đầu tư này thu về khoản tiền lời từ vài trăm triệu đến tiền tỷ. Từ công việc văn phòng, chị Lan quyết định thôi việc để tập trung vào đầu tư.
Chị Lan kể lại, hồi đầu tháng 3/1022, chị và nhóm bạn quyết định đầu tư đất rẫy ở Đăk Lăk. Thời điểm đó, cứ qua thêm 1 ngày, đất lại tăng đến vài chục triệu cho đến trăm triệu đồng. Thậm chí, có ngày lo đất rẫy được trả chênh lên tới 300 triệu đồng. Thời sốt đất, cứ lướt sóng vài lô đất rẫy, chị Lan đã kiếm được khoản tiền lãi lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Chị Lan cho rằng, mình vẫn chỉ là nhà đầu tư nhỏ lẻ, làm thương vụ bé. Thời điểm chị đi đầu tư đất, toàn người cầm chục tỷ đi mua là chuyện bình thường. Ngay cả những bạn trẻ chưa đến 30 tuổi đến từ Hà Nội cầm số tiền 40 tỷ đi mua đất. Nhà đầu tư này từng chứng kiến một bạn trẻ Hà Nội vào Đăk Lăk mua 30 lô đất chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ.
Nhớ nhất là những đại gia ngầm, họ là các bác trung tuổi, quần áo giản dị, đi xe ôm tới xem đất nhưng mua đất theo từng lô, giá trị hàng chục tỷ đồng. Tổng tài sản lên tới cả trăm tỷ đồng.
Chia sẻ về thời sốt đất cách đây 8 tháng, chị Lan kể có lần cùng một người bạn đi mua đất. Vừa chốt cọc xong lô đất, một nhà đầu tư khác đã tới trả chênh 250 triệu đồng. Người bạn đi cùng chị nhất quyết không bán và giải thích rằng, để thêm thời gian, lô đất này sẽ còn lời gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 5 lần. Thời gian và công sức bỏ ra để tìm được lô đất đẹp như thế này không hề dễ dàng.
Đầu tư bất động sản hơn 3 năm, chị Lan rút ra kinh nghiệm rằng: “Sóng đất chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư phải nhanh tay thoát hàng, nếu không bị chôn vốn ”.
Lấy ví dụ như lô đất chị mua ở Đăk Lăk, cứ nghĩ rằng giá đất sẽ còn tăng nhưng khi "gãy sóng", một số lô đất khó thoát hàng. Chị Lan xác định sẽ đợi thêm 1-3 năm nữa, khi có sóng đất quay lại, chị sẽ tiếp tục rao bán. Nhà đầu tư này thừa nhận mình may mắn vì số lượng lô đất còn tồn do sóng gãy không lớn, trong khi đó, số tiền dự phòng và khoản tài chính dư cho đầu tư vẫn còn lớn. Đó là lý do để chị có thể an tâm đợi thêm thời gian khi bất động sản hồi phục.
Hiện tại, chị Lan lựa chọn phương án an toàn, không theo chân đội nhóm đi đầu tư. Đồng thời, chị cũng tất toán bớt một số bất động sản để thu hồi tiền, đảm bảo không "gồng" nợ quá lớn, nhất là trong thời điểm nhiều biến động như hiện nay. “Tôi vẫn có thêm khoản tiền tích trữ để đợi sang năm đi săn đất với các cộng sự”, chị Lan nói thêm.
Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có diễn biến bất ngờ nào?
Mới chỉ hồi đầu năm 2022, thị trường bất động sản nhiều nơi vẫn tiếp tục lên cơn sốt. Thế nhưng, sang đến quý II, trước động thái kiểm soát tín dụng của ngân hàng đã khiến thị trường nhanh chóng rơi vào trầm lắng.
Theo đó, thị trường trong gần nửa năm trở lại đây vẫn không có tín hiệu khá hơn, thậm chí nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng áp lực tài chính phải chấp nhận cắt lỗ để giải phóng hàng. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục "gồng" lãi, chờ đợi thị trường khởi sắc vào năm sau.
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tại không phải giai đoạn cuối cùng của chu kỳ bất động sản 2014 - 2022 mà chỉ là quãng nghỉ cần thiết để tăng giá trong giai đoạn tới.
Theo ông Quê, bối cảnh năm 2022 khác với năm 2011, Nhà nước hiện nay đã có kinh nghiệm hơn về việc điều tiết bất động sản, nên việc xuống giá hoảng loạn như giai đoạn 2011 - 2013 là không thể xảy ra.
Còn theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam cho rằng, khả năng tăng lãi suất và kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng hiện nay đã tạo ra những biến động cho thị trường bất động sản trong thời gian qua. Theo đó, tính thanh khoản của các dự án, dòng tiền cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022 - 2023 sẽ bị tác động.
Tuy nhiên, bà Trang nhận định, với các động lực tăng trưởng mạnh mẽ cùng các cải cách đang diễn ra sẽ giúp thị trường tiếp tục vững vàng trong trung hạn tại tất cả các phân khúc khi thị trường trở nên minh bạch hơn.
“Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn có những nền tảng tốt để tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, năm 2023 chúng ta được dự báo nên cẩn trọng với tình hình kinh tế toàn cầu, không nên lạc quan mặc dù đang tăng trưởng”, bà Trang nhận định.