Môi giới bất động sản trong cơn bão thất nghiệp (Bài 6): Nhân viên bỏ nghề, sếp bán tài sản trả nợ
BÀI LIÊN QUAN
Nữ môi giới bất động sản cao cấp hé lộ 3 "năng lực cao siêu" của người giàu: Giàu có lý lẽ, nghèo cũng có nguyên nhânHai tháng đầu năm 2023: Nỗi buồn của doanh nghiệp và môi giới bất động sảnBộ đôi môi giới bất động sản hé lộ bí mật săn nhà cho giới thượng lưu: Phục vụ giới thượng lưu thì cũng phải biến mình thành giới thượng lưu!Môi giới bỏ nghề đi sửa xe máy
Làm nghề môi giới bất động sản đã hơn 10 năm nhưng đến tháng 11/2022, Trần Quang Dũng (35 tuổi, Quảng Trị) chuyển về quê mở tiệm sửa xe máy. Trước đây, anh từng là một nhân viên môi giới cho một công ty bất động sản có tiếng ở miền Nam. Tuy nhiên vì công ty kinh doanh khó khăn, lương thưởng liên tục bị cắt giảm nên anh quyết định xin nghỉ việc.
Anh Dũng cho biết, sau khi nghỉ việc ở trên thành phố, anh về quê và được bố mẹ hỗ trợ cho một số vốn nhỏ để làm ăn. Nghĩ mãi không biết làm gì nên anh bèn mở một tiệm sửa xe máy nhỏ cho có đồng ra đồng vào.
Mới làm nghề sửa xe được vài tháng, anh Dũng từ một chàng trai trắng trẻo, thường xuyên mặc áo sơ mi, quần âu trở thành một người thợ sửa xe đen nhẻm, suốt ngày khoác trên mình bộ đồ bảo hộ, đầy dầu nhớt. Dù công việc này không mang đến cho anh một nguồn thu nhập dư dả nhưng cũng đều đặn, đủ tiền ăn qua ngày. Quan trọng nhất là từ khi làm công việc này, anh có nhiều thời gian ở bên cạnh và chăm sóc cho bố mẹ già.
Dũng chia sẻ, anh rất khó khăn khi đưa ra quyết định từ bỏ một công việc đã gắn bó với hơn 10 năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian vừa qua quá chật vật đối với những người làm nghề môi giới bất động sản như anh. Giá đất tăng quá khách, khách hàng gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, chủ đầu tư thận trọng, đưa ra ít hàng,… đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của anh. Nhiều tháng trời, anh không bán được sản phẩm, thậm chí còn bị công ty cắt giảm các khoản lương cứng ít ỏi, 7 triệu đồng mỗi tháng.
“Chi phí chạy quảng cáo, tìm kiếm khách hàng quá cao trong khi dự án thì không bán được. Nhiều tháng trời không có thu nhập nên tôi quyết định nghỉ việc. Không phải chỉ mình tôi, nhiều người bạn làm môi giới mà tôi quen biết cũng chuyển sang nhiều ngành nghề khác như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online, mở quán nhậu,…”, anh Dũng chia sẻ.
Áp lực tài chính đè nặng
Không chỉ có những nhân viên môi giới, giám đốc của những công ty bất động sản cũng đang trong tình cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Hoàng Hoa – Giám đốc một công ty bất động sản ở Bình Dương cho biết, khoảng thời gian này đặc biệt khó khăn đối với doanh nghiệp tư nhân mới thành lập như chị. Nhiều tháng nay, chị phải đôn đáo tìm cách kiếm tiền lo trả nợ cho ngân hàng vì cứ để chậm một ngày là bị phạt. Áp lực tài chính nặng nề khiến chị lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, mặt mũi phờ phạc, không có thời gian chăm sóc cho gia đình.
“Đợt Tết vừa rồi, tôi đã phải bán đi mảnh đất của bố mẹ để lại để lấy tiền trả lương cho nhân viên, chi phí vận hành và duy trì công ty hàng tháng. Với số tiền phải trả mấy trăm triệu mỗi tháng số tiền bán đất của tôi cũng không thể giúp công ty duy trì được khoảng thời gian dài. Đến bây giờ, vì không có việc làm kéo dài nên tôi buộc phải giảm 80% nhân sự”, chị nói.
Bây giờ, cả công ty của chị chỉ còn lại chưa đến 20 người. Tình hình kinh doanh sau Tết không mấy sáng sủa, thêm vào đó là áp từ từ lãi suất ngân hàng khiến chị phải lần lượt bán hết mọi tài sản cá nhân. “Hồi trước làm ăn được, chi gần cả tỷ đồng thưởng Tết cho nhân viên vẫn thoải mái. Còn bây giờ, 1-2 trăm triệu thôi cũng đã quá sức”, chị than thở.
Đồng cảnh ngộ, một chủ sàn môi giới bất động sản ở Quảng Bình chia sẻ, từ đầu tháng 12/2022, ông đã thông báo với nhân viên là sẽ không có tiền thưởng Tết. Nhưng để động viên tinh thần anh em, tôi đã cam kết sẽ truy thưởng số tiền thưởng Tết cho nhân viên vào khoảng giữa năm sau khi công ty bán được dự án.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty sau Tết Nguyên Đán cũng tiến triển là bao khiến anh vô cùng khó xử. “Nhìn anh em trong công ty cố gắng bươn chải, bám trụ lại đến tận bây giờ vì công ty mà không có tiền trả lương, thưởng, tôi vô cùng áy náy. Nếu đến quý 2 năm nay, tình hình kinh doanh vẫn khó khăn thì tôi sẽ bán bớt tài sản cá nhân để trả lương, thưởng cho anh em”, ông thở dài nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản đang trong tình trạng “đói vốn” vì khó tiếp cận các nguồn vốn. Thêm vào đó, thanh khoản trên thị trường yếu dẫn đến việc doanh thu từ hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh.
Cho nên, thời gian qua không ít doanh nghiệp địa ốc đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai và sa thải bớt nhân viên. Thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc cho thấy có khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác.
Ông Đính khuyên, những người làm môi giới bất động sản còn muốn gắn bó với nghề thì nên chuyển sang bán những phân khúc có thanh khoản tốt như các sản phẩm nhà ở phục vụ cho nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì không nên quá kỳ vọng vào thanh khoản của thị trường.
Trong báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam hồi tháng 1/2023, Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính – bất động sản Dat Xanh Services (FERI) nhận xét, hoạt động môi giới bất động sản vẫn chưa phục hồi về trạng thái bình thường. Kết quả khảo sát cho thấy, những sàn môi giới nhà đất quy mô lớn (trên 300 nhân viên) gần như 100% đã quay trở lại hoạt động sau Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, chỉ có 47% các sàn quy mô vừa và nhỏ (dưới 100 nhân viên) hoạt động trở lại và chỉ có 56% số lượng môi giới cá nhân cho biết sẽ tiếp tục bám trụ với nghề.
(Còn tiếp)