Loạt công ty ngành dược báo lãi khủng trong quý 2/2023
BÀI LIÊN QUAN
Các doanh nghiệp ô tô đều ghi nhận doanh thu "thê thảm": Có gì để kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2023?Quý 2/2023, Digiworld ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương so với quý đầu năm ở mọi ngành hàngLoạt doanh nghiệp có tiếng “lãi lớn” nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận bất thườngDoanhnhan.vn thông tin, thống kê cho thấy, có 9/13 đơn vị ngành dược trên sàn chứng khoán ghi nhận doanh thu tăng trưởng, 7/13 doanh nghiệp báo lợi nhuận đi lên. Đặc biệt, biên lợi nhuận của những nhà sản xuất thuốc lớn như Dược Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm và Bidiphar vẫn duy trì ở mức cao.
Thời điểm hiện tại, CTCP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG) thuộc top 3 công ty dược lớn nhất cả nước nếu tính theo thị phần. Theo dữ liệu của IQVIA và SSI Research, hai vị trí đứng đầu thuộc về Sanofi và GSK. Trong quý 2 năm nay, lợi nhuận của Dược Hậu Giang ở mức cao nhất sàn chứng khoán. Theo đó, công ty ghi nhận 263 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 12%.
Việc tăng trưởng doanh thu là nhờ Dược Hậu Giang đã chú trọng vào việc bán sản phẩm chiến lược và chủ lực; hệ thống phân phối được tổ chức chặt chẽ, kết nối tốt với khách hàng, ngoài ra còn có nguồn thu từ hoạt động tài chính. Tính đến cuối năm ngoái, kênh nhà thuốc vẫn là nguồn thu chính của công ty, còn kênh bệnh viện chiếm khoảng 15% tổng nguồn thu.
Trong năm nay, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu 20% doanh thu từ các kênh bệnh viện. Động lực tăng trưởng mới được xác định là mảng xuất khẩu.
CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã chứng khoán: IMP) ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi lên sàn, đạt 80 tỷ đồng trong quý 2/2023. Kết quả này nhờ doanh nghiệp liên tục mở rộng thị trường, tái cơ cấu danh mục bán ra cũng như chú trọng vào những sản phẩm chủ lực có giá trị của công ty.
Trong khi đó, lợi nhuận của Imexpharm liên tục được cải thiện sau một năm về chung một nhà với cổ đông ngoại đến từ Hàn Quốc (SK Investment Vina III - thành viên của SK Group). Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2023-2027 cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Trước đó, SSI Research nhận định về Imexpharm trong báo cáo phân tích hồi tháng 7 rằng, công ty này trong nửa cuối năm có thể sẽ không đạt được kết quả cao như nửa đầu năm vì mức nền quá cao của năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu thuốc của bệnh viện dần trở về mức bình thường, những nỗ lực tái cơ cấu gần đây được triển khai có thể sẽ giúp câu chuyện tăng trưởng của Imexpharm thành hiện thực.
Một đơn vị khác trong ngành dược là Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm – mã chứng khoán: DVN) cũng báo lãi khủng trong quý 2 năm nay. Trong kỳ, doanh nghiệp này ghi nhận 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 4 tỷ đồng. Trước đó, trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo Vinapharm dự báo, doanh thu ngành dược trong năm nay ước đạt 169.000 tỷ đồng, tăng trưởng 8%.
Năm 2023, Vinapharm đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 335 tỷ đồng. Cho đến nay, doanh nghiệp đã thực hiện được 88% kế hoạch sau nửa đầu năm.
Vẫn điểm xuyết một số tia màu xám
Trái ngược bức tranh tươi sáng chung của ngành dược, một số doanh nghiệp lại ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Những đơn vị này dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại sụt giảm vì áp lực chi phí, bao gồm: CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (mã chứng khoán: MKP), CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (mã chứng khoán: DP2), CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (mã chứng khoán: LDP).
Đáng chú ý, Ladophar cho đến nay đã ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp thua lỗ. Cuối năm 2021, doanh nghiệp này chính thức về tay nhóm Louis Holdings. Tháng 4/2022, sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, tình hình kinh doanh của Ladophar bắt đầu lao dốc. Năm 2022, Ladophar ghi nhận lỗ lũy kế gần 39 tỷ đồng.
CTCP Traphaco (mã chứng khoán: TRA) cũng trải qua giai đoạn khó khăn ghi có 3 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Quý 2/2023, doanh thu thuần của Traphaco là 517 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 8%, đạt 79 tỷ đồng. Năm nay, doanh nghiệp này đặt kế hoạch tăng trưởng khá thận trọng với 326 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với mục tiêu mở rộng thị phần và gia tăng lợi nhuận, Traphaco năm 2023 đang lên phương án tìm kiếm những doanh nghiệp có tiềm năng để M&A. Theo kế hoạch, doanh nghiệp ngành dược này sẽ chú trọng, tập trung vào những doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dược phẩm; nguyên nhân bởi đây là 2 lĩnh vực có tiềm năng lớn tại thị trường Việt Nam.
Trong báo cáo phân tích về ngành dược hồi cuối tháng 3 năm nay, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị phần kênh OTC (kênh bán lẻ ở tiệm thuốc) trong thời gian tới sẽ bị thu hẹp khi Bộ Y tế ban hành chính sách mới tạo điều kiện cho kênh ETC (kênh đấu thầu tại cơ sở và bệnh viện) có thể phát triển trong dài hạn.
Trong một diễn biến khác, Fitch Solutions cũng đưa ra dự báo rằng, doanh thu kênh ETC trong năm 2023 sẽ ở mức 5,46 tỷ USD, tương đương với mức tăng 7%; 6,81 tỷ USD cho năm 2026, tương đương với mức tăng 7,7%. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng kép 5 năm ước đạt 8% dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân cũng như dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc và thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất.