Liệu có xuất hiện đợt "sóng" đất nền vào cuối năm nay như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng?
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư BĐS "hái quả ngọt" sau nhiều năm giữ đất: "Buôn tài không bằng dài vốn"Chuyên gia cảnh báo những rủi ro khi đầu tư BĐS quanh Vành đai 4 - Vùng Thủ đôNhà đầu tư BĐS "mắc kẹt" trong nghịch lý: Giá neo cao nhưng ít người hỏi"Sóng" bất động sản có xuất hiện vào cuối năm?
Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư đang ôm hàng bất động sản kỳ vọng vào việc sẽ có một đợt "sóng" về giá giao dịch trong cuối năm nay. Đây cũng là tình hình dễ thấy trên thị trường bất động sản những năm gần đây, khi mà "sóng" thường xuất hiện vào thời điểm đầu hoặc cuối năm.
Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hẳn sau đại dịch Covid-19 cũng như những chính sách về tín dụng và thuế dù đã "cởi mở" hơn trước nhưng chưa hẳn là sẽ vào riêng thị trường bất động sản, khiến nhiều chuyên gia hoài nghi, thị trường bất động sản sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh vào cuối năm nay.
Dù vậy, với các nhà đầu tư, tâm lý kỳ vọng thị trường "bật tăng" vào cuối năm là điều dễ hiểu. Bởi thị trường bất động sản hiện như chiếc lò xo bị nén do chính sách, trong khi nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn còn lớn, khiến cho nhà đầu tư tin rằng sẽ có đợt sóng giao dịch xuất hiện trong thời gian tới.
Đang "ôm" ba mảnh đất nông nghiệp tại khu vực tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh, anh Dũng (sống tại TP. Thủ Đức) kỳ vọng sẽ hốt bạc tỷ vào thời điểm cuối năm nay, mặc dù trước đó đã rao bán nhưng vẫn chưa có người hỏi mua.
Nhà đầu tư này cho biết, hoạt động mua bán vào thời điểm cuối năm thường nhộn nhịp trở lại, khi đó những nguồn hàng "ngộp" cũng được nhà đầu tư có tài chính tốt vào mua. Theo anh Dũng, thị trường thời gian gần đây chững lại là do chính sách tín dụng, hiện tại đã nới room thì hoạt động mua bán bất động sản sẽ hồi lại vào cuối năm nay hoặc ít nhất là đầu năm sau. Chưa kể đến việc nguồn cung đất nền "sạch" hiện cũng đã khan hiếm.
Nới room tín dụng có tác dụng như một liều "doping" cho thị trường
Có thể thấy, đất nền luôn là phân khúc được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, thanh khoản của phân khúc này trong thời gian qua chậm hẳn do tác động bởi chính sách tín dụng. Báo cáo quý 2/2022 của Batdongsan.com.vn đã chỉ ra rằng, thị trường đất nền đang chứng kiến cảnh trầm lắng khi mà mức độ quan tâm cũng như lượng giao dịch có sự sụt giảm rõ rệt. Cụ thể, mức độ quan tâm tại miền Bắc và miền Nam giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặt bằng giá rao bán ở nhiều tỉnh vẫn tăng so với trung bình giá năm 2021.
Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng thời điểm cuối năm, khi tâm lý thị trường ổn định hơn, hoạt động mua bán sẽ trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt, thông tin nới tín dụng có thể khiến thị trường bất động sản ấm dần lên kể từ cuối năm trở đi.
Bà Thị Thanh Hằng – CEO, Vietnam Groove cho biết, mặc dù hạn mức tín dụng được cấp thêm không quá nhiều (khoảng gần 200 nghìn tỷ) nhưng đây được coi là điều kiện quan trọng giúp thị trường bất động sản dần trở nên năng động hơn. Bên cạnh đó, việc nới room tín dụng sẽ có những tác động khác nhau đến các chủ đầu tư, nhà đầu tư cũng như người mua có nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, tác động nhìn chung là tích cực, như một liều "doping" cho thị trường.
Cũng theo vị CEO này, với các nhà đầu tư, có người mang tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) – sợ cơ hội sẽ qua đi và không thể tận dụng được. Những người này mang niềm tin rằng kinh tế vĩ mô đang duy trì được đà phục hồi sau đại dịch và một giai đoạn tăng trưởng mới đang bắt đầu. Do đó, họ sẽ tìm cách sử dụng đòn bẩy tài chính sớm và phù hợp để hướng đến mục tiêu lợi nhuận về sau. Nếu xét dữ liệu thực tế của các hoạt động kinh tế trong thời gian vừa qua thì những niềm tin đó là có thể hiểu được.
Đối với người mua nhà với nhu cầu thực cũng sẽ có thêm điều kiện để hiện thực hóa được giấc mơ an cư. Khi mà giá bất động sản vẫn liên tục duy trì đà tăng (phân khúc căn hộ tăng trung bình khoảng 5-10%/năm) thì người mua ở thực sẽ có những động thái để nỗ lực mua nhà sớm nhất có thể.
"Tuy vậy, chúng tôi nhận định rằng những tác động tích cực sẽ không diễn ra quá nhanh mà cần có thời gian phù hợp. Một nguyên nhân quan trọng nữa là nguồn vốn tín dụng mới sẽ ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ trong khi bất động sản vẫn là lĩnh vực đang được các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo sát các diễn biến nhằm điều tiết dòng tín dụng một cách thận trọng và hiệu quả nhất", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ghi nhận cho thấy, có khá nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng đẩy hàng vào cuối năm. Tại một số khu vực từng diễn ra các đợt "sóng" như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu hay xa hơn là Bình Thuận, Bình Phước… dự báo hoạt động mua bán có thể trở lại vào giai đoạn cuối năm nay. Trong đó, nguồn hàng tồn từ những nhà đầu tư chưa ra được sẽ đẩy lên mặt bằng giá mới.
Ông Phan Việt Hoàng – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà dự báo, với tình hình vốn vào thị trường bất động sản như hiện tại, nguồn cung các dự án nhà thương mại sẽ tiếp tục bị gián đoạn, về trung hạn sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội dựa trên Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, những đối tượng sẽ được cho vay là các cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách nhà ở xã hội.
Trong năm 2023 tới, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn về vốn, do vậy các cơ quan quản lý cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý giúp tạo nền tảng ổn định cho thị trường phát triển minh bạch, vững chắc. Trước bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp cũng cần phải tính xa hơn tới những khó khăn về dòng vốn trong các năm sau để tạo được sự liên kết, sáp nhập, cùng nhau triển khai phát triển các dự án.