Lạm phát gia tăng, có nên mua nhà, đầu tư bất động sản thời điểm này?
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì khiến giá biệt thự tăng 3-4 lần nhưng chủ nhà không chịu bán?Bí quyết mua biệt thự để đầu tư của giới nhà giàu: Cách "dụng" vốn tốt nhất là sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàngBí quyết đầu tư của nam giáo viên về hưu với 6 cuốn sổ hồng: Cứ có tiền nhàn rỗi sẽ đổ vào đất, nói không với tiêu sản như mua xe ô tôNếu thu nhập đảm bảo để mua nhà thì việc mua nhà ở thời điểm nào cũng hợp lý
Chỉ số lạm phát đang đứng trước áp lực gia tăng, trong khi đó giá nhà vẫn luôn được dự báo tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chị Thu Hiền (quận Đống Đa, Hà Nội) có nhu cầu mua nhà ở thực nhưng lại đang lo lắng nếu lạm phát tăng mạnh, giá nhà tăng thêm thì cơ hội mua nhà lại càng khó khăn hơn. Trong khi lạm phát gia tăng thì các chi phí sinh hoạt cũng tăng theo, nhưng thu nhập lại chưa tăng.
Không chỉ người mua nhà mà như anh Quốc Dũng, người mới tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản cũng đang băn khoăn liệu có nên xuống tiền vào bất động sản trong giai đoạn này?
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết: Lạm phát và biến động giá vàng thường khiến nhiều người tìm đến kênh đầu tư bất động sản bởi đó là kênh trú ẩn an toàn. Cùng với đó, lạm phát sẽ càng đẩy giá nhà tăng thêm dù 2 năm dịch bệnh đã khiến giá bất động sản tăng mạnh.
Nhà đầu tư F0 cũng nên lựa chọn cho mình tài sản bất động sản để dự trữ tài sản trong thời điểm lạm phát. Trong mấy chục năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam có tăng, có giảm nhưng tăng nhiều hơn giảm. Chỉ trong 10 năm qua, bất động sản tăng gấp 3 lần, vì vậy nếu mua bất động sản thì đến 10 năm sau lợi nhuận vẫn có thể đạt 50-100%.
Ông Quang cũng phân tích thêm, nếu đầu tư ngắn hạn, chỉ trong 5 năm, bất động sản cũng có thể tăng gấp đôi. Do đó, bất động sản là kênh đầu tư mang tính tương đối an toàn, nhu cầu lúc nào cũng gia tăng nên luôn là kênh được lựa chọn.
Đối với những người mua nhà để ở, theo ông Quang nên mua khi giá cả phù hợp với thu nhập gia đình. Nếu thu nhập đảm bảo thì việc mua nhà vào thời điểm nào cũng hợp lý. Ngoài ra, thời điểm này nên mua nhà để đáp ứng nhu cầu ở thực đúng với thu nhập tương ứng, không nên mua vượt quá khả năng của mình, dẫn tới phải đi vay mượn.
Theo một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long - sáng lập và CEO AFA Group cho rằng, không có bất kỳ dữ liệu nào thể hiện mối tương quan cùng chiều giữa lạm phát với giá bất động sản.
Nhìn lại dữ liệu của từng đợt tăng, giảm giá bất động sản trong hơn 10 năm vừa qua tại Việt Nam, ông Long phân tích, giá bất động sản giai đoạn 2009 - 2010 tăng nóng, có hiện tượng rút tiền từ chứng khoán chuyển sang bất động sản. Chỉ số giá tiêu dùng CPI rơi xuống mức thấp nhất trong 6 năm trước đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008. Giá bất động sản ngược với lạm phát.
Giai đoạn tiếp theo từ 2011 - 2013, lạm phát tăng 2 con số, đỉnh điểm là việc CPI năm 2011 tăng 18,75% so với năm 2010. Lãi tiền gửi huy động ở mức 18,5-21,5%, lãi vay lên 25-30%.
“Thanh khoản ngân hàng cạn kiệt, nợ xấu tăng vọt, tỷ trọng nợ xấu lớn nằm trong bất động sản. Thị trường bất động sản đóng băng, giá giảm mạnh. Ví dụ có căn chung cư hạng sang tại trung tâm Hà Nội, giá bán thứ cấp là 2.000USD (khoảng 35 triệu đồng/m2), nhưng giá bán lại sau 1 năm chỉ còn khoảng 25-28 triệu đồng/m2. Như vậy, giá bất động sản ngược với lạm phát”, ông Long phân tích.
Hay như gần đây nhất, CPI năm 2021 chỉ tăng 1,47%, trong khi giá bất động sản lại tăng nóng ở cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Điều này đã cho thấy giá bất động sản đang ngược với lạm phát.
Theo đó, ông Long cho rằng, việc mua bất động sản cần tính tới các yếu tố tăng giá thực sự. Còn vấn đề lạm phát không phải nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá, thậm chí lạm phát cao mà khiến lãi suất tăng, tiền tệ thắt chặt mới là "kẻ thù" của bất động sản, khiến bất động sản đóng băng, giảm giá, kẹt vốn.
Cũng theo vị chuyên gia này, có 4 yếu tố tác động đến việc giá bất động sản tăng, đó là thu nhập người dân, tín dụng ngân hàng, hạ tầng cải thiện và tính khan hiếm của phân khúc bất động sản.
Thị trường bất động sản 2022 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2021 - 2022 do Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính đưa ra nhận định, năm 2022 có thể là năm khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo ông Đính, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong tình trạng mất cân bằng cung cầu khá nghiêm trọng. Bằng chứng là việc trong năm 2021, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới nhưng chỉ cần dịch lắng xuống là thị trường lại bùng lên. Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng thì công nghệ trong lĩnh vực này lại phát triển mạnh, giúp kích thích thị trường.
Năm 2021, rất nhiều dòng vốn từ các lĩnh vực kinh tế khác nhau được rút ra để chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả như bất động sản. Do đó, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0, hay còn gọi là nhà đầu tư tay ngang.
Tuy nhiên, bất động sản lại đang rất thiếu sản phẩm, mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng do nhiều chính sách, công cụ trở thành rào cản của thị trường. Loại hàng hóa nào khan hiếm cũng sẽ xuất hiện tình trạng hàng giả hàng lậu, bất động sản cũng không ngoại lệ.
Mặc dù vậy, nhiều giải pháp của Chính phủ, ban, bộ, ngành đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được đưa ra kịp thời giúp phần nào giải quyết tình trạng trên. Nhờ đó mà ngay từ đầu năm nay, thị trường đã sôi động trở lại ở khắp mọi vùng miền, khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều trong tâm lý hứng khởi.