Bí quyết đầu tư của nam giáo viên về hưu với 6 cuốn sổ hồng: Cứ có tiền nhàn rỗi sẽ đổ vào đất, nói không với tiêu sản như mua xe ô tô
BÀI LIÊN QUAN
Mua tạm lô đất, nam nhân viên IT bất ngờ thu lãi tiền tỷ: "Chỉ có đầu tư vào BĐS mới lời to"Kiếm tiền nuôi 2 con ăn học, ông bố Thanh Hóa bất ngờ lãi tiền tỷ sau 5 năm xuống tiền đầu tư vào đất nền30 năm buôn đất từ số vốn 5.000 đồng, cụ bà chia sẻ bí quyết "lãi tiền tỷ" dễ như khôngNếu so sánh với những giáo viên về hưu cùng thời thì ông M (sinh sống tại Bắc Ninh) giờ có thể an nhàn với khoản lương hưu hàng tháng đều đặn và nguồn tiền thu được từ cho thuê nhà. Đặc biệt, ông M cũng an tâm với 6 cuốn sổ đỏ cất két. Được biết, hiện ông M đang sống trong một căn biệt thự nhà vườn rộng 180m2, ước tính khoảng 8 tỷ đồng, 5 cuốn sổ đỏ còn lại giá trị trung bình 4 tỷ đồng.
Cứ có tiền nhàn rỗi sẽ đổ vào đất
Chia sẻ về bí quyết để sở hữu khối tài sản "khủng" của mình, ông M tự nhận mình không phải người đầu tư đất. Có chăng, ông chỉ là người gặp may mắn vì đã bỏ tiền vào đất sớm, từ khi mà người ta chưa mặn mà với đầu tư bất động sản.
"Ngày xưa đất ở quê cho còn không ai lấy. Họ bán rẻ như cho. Chứ thời nay, lương giáo viên như tôi, khoảng 7 triệu đồng thì chắc làm cả đời chẳng có thể mua được đất vì giá quá cao, toàn tiền tỷ", ông M chia sẻ.
Ông M cho hay, mảnh đất đầu tiên mà vợ chồng ông có được là do bố mẹ mua cho khi kết hôn. Thời đó, có căn nhà mái ngói đã được coi là "oách nhất làng". Nhưng khi ấy, ông lại nghĩ nếu cứ quanh quẩn với đất quê, chưa đến 8 giờ tối gà đã lên chuồng, đường vào thôn xóm vẫn trải đá, quay ra quay vào là mấy bác hàng xóm ngồi buôn chuyện thì biết bao giờ mới đổi đời được.
Nghĩ vậy, đến cuối năm 1999, ông M quyết định dồn ít vàng tích lũy được cộng với vay thêm người thân để chuyển sang mua lô đất nằm trên trục đường tỉnh lộ.
"Hồi đó họ hàng bảo tôi đang ở nhà đẹp, gần bố gần mẹ, được ông bà giúp đỡ thì không thích. Bỗng nhiên, đòi lên ở nơi chả người thân, người quen, vợ chồng lụi hụi chăm con cho vất vả. Tuy nhiên, tôi quyết là làm", ông M. kể.
Sau khi chuyển đến chỗ ở mới, vợ chồng ông M ngoài đi dạy học còn tất bật làm thêm nhiều nghề khác để kiếm tiền. 2 năm sau, vợ chồng ông mới trả hết nợ tiền mảnh đất mới. Cuộc sống khi đó vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng hai vợ chồng ông chăm chỉ đi dạy thêm, hầu hết tất cả buổi tối và ngày cuối tuần.
Ông M chia sẻ, những lần mua đất của ông đều rất tình cờ và hữu duyên. Ông nhớ vào năm 2002, trong một lần đến nhà bạn ngày Tết, bạn ông kể có người hàng xóm đang rao bán vội một miếng đất vì cần tiền trả nợ, rồi bảo ông mua hộ. Ông M cũng sang hỏi thăm mảnh đất đó, rồi về bàn bạc với vợ dồn vàng và đi vay mượn thêm để mua. 4 năm sau đó, mảnh đất tăng giá gấp 5 lần, vợ chồng ông M lại bán đi và mua thêm lô khác.
"Có lần, đi dạy về, thấy người ta treo biển bán nhà, đất. Tôi nghĩ thế nào vào hỏi thăm. Thấy họ bán rẻ, tôi lại về bảo vợ dồn tiền mua. Những lô đất này tôi đều mua rẻ, sau lại bán đúng thời điểm, giá tăng tới 6, 8 lần", ông M. tâm sự.
Ngoài ra, một số lô đất khác mà ông mua dọc trên trục đường tỉnh lộ, hoặc đất ở sát khu vực trung tâm hành chính xã đều tăng gấp 5, 10 lần. Điển hình, có lô đất ông mua vào với giá 200 triệu đồng, nhưng hiện tại đã lên tới 4 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, giá đất Bắc Ninh tăng "phi mã", những lô đất mà ông M sở hữu theo đó cũng tăng nhanh chóng.
"Thú thật là thời gian đầu, vợ chồng tôi quan điểm, có tiền thừa cứ để vào đất. Nhưng hai vợ chồng cũng chẳng có nhiều tiền thừa. Chỉ là cứ mỗi lần gom ít tiền, hai vợ chồng mua vàng để dành. Đến khi gặp lô đất nào ưng, chúng tôi đều phải vay mượn thêm cho đủ tiền để mua. Sau đó, hai vợ chồng lấy đó là động lực, phấn đấu chăm chỉ làm để trả nợ. Dần dần, kinh tế gia đình khấm khá", nhà đầu tư này tâm sự.
Chia sẻ về bí quyết đầu tư của mình, ông M cho biết quan điểm của mình là không mua xe máy xịn, không mua ô tô. Cứ có tiền thì mua vàng và đợi đủ lượng vàng thì mua đất. Vật dụng trong gia đình cũng chỉ mua hàng bình dân, không tiêu sản.
"Giá đất Bắc Ninh thời gian vừa qua tăng vù vù. Mấy lô đất tôi mua giờ bất ngờ lại có tổng giá trị lớn. Dự án về, kéo theo công nhân. Có căn nhà tôi để cho công nhân thuê, kiếm thêm thu nhập mỗi tháng. Còn lại tôi bán bớt, giữ lại vài mảnh đất mà mình thích", ông M cho hay.
Bất động sản Bắc Ninh vẫn là vùng đất tiềm năng trong năm 2022
Trong 2 năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, giá đất tại Bắc Ninh vẫn tăng nóng, thậm chí tăng bằng lần theo năm. Theo ghi nhận vào quý IV/2021, thị trường Bắc Ninh đã tăng giá gần 100% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực nhất sau dịch, khi lượng giao dịch bất động sản trong quý IV/2021 đạt gần 2.000 giao dịch. Bước sang năm 2022, mức độ quan tâm với thị trường này cũng tăng cao hơn so với năm 2021.
Nhờ lấy đà từ những xung lực như dòng vốn FDI khổng lồ chảy về cùng với quy hoạch đồng bộ và cơ sở hạ tầng hoàn thiện, các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản Bắc Ninh sẽ còn tiếp tục bứt tốc mạnh mẽ.
Cụ thể, năm 2021, tỉnh này đã thu hút 131 dự án FDI với tổng vốn lên tới 1.204 triệu USD. Theo báo cáo của Savills, Bắc Ninh dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trung bình đạt tới 99% trong năm 2021.
Ngoài ra, bên cạnh mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2022, Bắc Ninh còn hướng tới xây dựng thêm 4 thị xã mới là Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành và Quế Võ.
Nhằm tăng cường kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc với nhau, năm 2021, Bắc Ninh đã chính thức phê duyệt xây dựng cầu Kênh Vàng nối với Hải Dương; cầu Phật Tích, Đại Đồng Thành nối với 3 tỉnh thành là Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên; cầu Như Nguyệt trên QL1A với tổng vốn đầu tư 456 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trung tâm mua sắm sinh thái Aeon Mall Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 190 triệu USD sắp được khởi công xây dựng, hứa hẹn sẽ tạo ra khoảng 3.000 việc làm cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, thông tin quy hoạch của đại dự án diện tích 55 ha của tập đoàn Sun Group có vị trí tại cửa ngõ vào thành phố Bắc Ninh cũng góp phần "hâm nóng" thị trường bất động sản Kinh Bắc.