Hưng Yên ứng phó thế nào trước việc giá nhà đất “tăng nóng” bất thường?
BÀI LIÊN QUAN
Anh nông dân Hưng Yên đầu tư đất xây trang trại nuôi gà Đông Tảo sinh sản, mỗi tháng dằn túi 100 triệu đồngVì sao Văn Giang - Hưng Yên là vành đai phát triển đô thị sôi động nhất ?Phố Nối: Điểm đến mới của thị trường bất động sản Hưng YênGiá đất nền tăng cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội
Theo các số liệu thống kê về thị trường bất động sản ở Hưng Yên, tại các khu vực giáp ranh Hà Nội như huyện Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào… đều đang tăng giá cao. Điển hình như tại Khu công nghiệp Phố Nối, đất nền thời điểm cuối năm ngoái khoảng 18 đến 22 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên gấp rưỡi.
Còn tại khu chợ thương mại Như Quỳnh, phân khúc shophouse cũng được đẩy lên với mức giá rất cao. Trong đó, có những căn diện tích khoảng 60m2, cao 4 tầng đã xây thô cũng được rao bán với mức giá cả trăm triệu đồng/m2. Riêng tại dự án Ecopark, chỉ vài năm trước khi ra mắt khu biệt thự đảo được rao bán với mức giá khoảng 16 – 22 tỷ đồng/căn nay đã chạm mức kỷ lục 50 tỷ đồng/căn.
Cũng theo khảo sát những vị trí đất nền gần khu công nghiệp Trưng Trắc cũng tăng giá từ 21-26 triệu đồng lên mức 30 triệu đồng/m2. Đây là những khu vực có quỹ đất dồi dào, đang đón chờ tăng trưởng khi các dự án lớn về đầu tư.
Các dữ liệu từ trang bất động sản cũng thể hiện, trong quý II/2022, xu hướng tăng cả về lượng tin đăng và mức độ quan tâm đối với các loại hình nhà đất ở Hưng Yên. Trong đó nổi bật nhất là loại hình chung cư, tiếp đến là biệt thự, liền kề và cuối cùng là đất nền. Các khu vực được giới đầu tư khảo sát nhiều nhất vẫn là huyện Văn Giang, Mỹ Hào, Khoái Châu và Văn Lâm.
Qua tìm hiểu, giá nhà đất ở Hưng Yên tăng nóng trong thời gian gần đây do nhiều nhà đầu tư nhận thấy nhiều dự án bất động sản lớn ở khu vực xung quanh có động thái triển khai sau dịch Covid-19. Tại một số nơi, cũng có hiện tượng các nhóm đối tượng dàn cảnh khan hiếm hàng nên đẩy giá nhà đất lên cao để thu hút người mua.
Trước dấu hiệu tăng nóng về thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu các sở ngành, địa phương triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó tập trung vào việc xử lý các hành vi rao bán thông tin, nhận đặt cọc đối với những dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, mua bán.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhận định, việc đẩy giá cao ngất ngưỡng tại các địa phương như huyện Văn Giang, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào (tăng từ 20% đến 100%) đang ảnh hưởng xấu đến thị tường bất động sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Chưa kể, giá đất nền tăng cao, không ổn định cũng làm giảm năng lực cạnh tranh của tỉnh, làm giảm mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội.
Giao công an xử lý các vi phạm
Người đứng đầu UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở ngành, địa phương phải kiph thời công khai thông tin quy hoạch xây dựng, các dự án phát triển đô thị, nhà ở; Công bố các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh để khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc huy động vốn vào các dự án phát triển nhà ở; Kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cũng như hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Ngoài ra, các doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn phải công khai thông tin kinh doanh, địa chỉ trụ sở, số điện thoại liên lạc và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, tránh gây khiếu kiện và thất thoát ngân sách nhà nước.
Riêng đối với các hành vi lợi dụng đấu giá làm nhiễu loạn thị trường, đầu cơ, thổi giá đất để trục lợi, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ giao cơ quan công an và lực lượng chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã xử phạt đối với chủ đầu tư dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế ở huyện Văn Giang khi xây dựng trái phép và rao bán hàng trăm căn biệt thự, nhà phố trên đất nhà máy sản xuất gạch. Còn tại thị xã Mỹ Hào, nhiều doanh nghiệp cũng bị phạt nặng với số tiền hàng chục tỷ đồng do cố tình vi phạm trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, san lấp trái phép đất trồng lúa để xây dựng dự án khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi.
Nêu ý kiến về vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Sơn đánh giá cao động thái của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên với hàng loạt giải pháp để kiểm soát thị trường bất động sản. Ông Sơn cho rằng, với sự biến động mạnh về giá nhà đất, thậm chí có nơi tăng gấp đôi rõ ràng là “bất thường” và “bất ổn” đối với toàn tỉnh Hưng Yên.
Là người có dành nhiều thời gian tìm hiểu về thị trường bất động sản ở Hưng Yên, ông Hoàng Văn Sơn kiến nghị lãnh đạo địa phương cần phải xem xét, xử lý đối với các doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điện hình như tại huyện Yên Mỹ, rất nhiều tổ chức, cá nhân tự ý san lấp, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý triệt để.
“Chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn thị trường bất động sản đang tăng giá bất thường của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên sẽ trọn vẹn nếu có thêm yêu cầu cán bộ, công chức của Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên Môi trường và các địa phương cần làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý quy hoahcj và trật tự xây dựng; Xử lý nghiêm người đứng đầu và cán bộ có liên quan nếu lĩnh vực mình quản lý hoặc địa bàn đó xảy ra sai phạm về đất đai”, vị chuyên gia bày tỏ.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư đang quan tâm thị trường bất động sản ở Hưng Yên, ông Hoàng Văn Sơn cho rằng trước khi xuống tiền, cần phải tính đến rủi ro khi giá nhà đất đang tăng nóng và có thể hạ nhiệt. Do vậy tuyệt đối không sử dụng đòn bẩy tài chính để phải cắt lỗ, thu hồi vốn khi giá giảm. Việc không tìm hiểu kỹ thông tin, đổ xô đầu cơ, trữ đất, chạy theo tâm lý đám đông luôn phải nhận cái kết đắng…