Hơn 8.500 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới
BÀI LIÊN QUAN
"Mùa đông khắc nghiệt" của doanh nghiệp bất động sản khi lợi nhuận "trầm lắng"Lãi suất cao tiếp tục “kìm chân” doanh nghiệp bất động sản năm nayCuộc chiến tái cơ cấu của các doanh nghiệp bất động sảnTheo vneconomy.vn, trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng 13,7% và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 56,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên số lượng doanh nghiệp bất động sản dừng hoạt động, Bộ Xây dựng cho biết năm 2022 là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều thách thức như khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu dẫn đến thiếu vốn phải giãn tiến độ, hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều có xu hướng tăng khiến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Do đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động. Có những doanh nghiệp bất động sản dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO để ứng phó với những khó khăn hiện tại.
Những khó khăn về dòng tiền khiến doanh nghiệp không có nguồn để trả cho doanh nghiệp vung ứng, trả lương cho người lao động, thanh toán hay thực hiện nghĩa vụ thuế.
Về phía khách hàng mua bất động sản cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng, ảnh hưởng gián tiếp đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến doanh nghiệp không thể bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Từ những khó khăn trên, Bộ Xây dựng đã có những kiến nghị nhằm đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch thông tin; tuyên truyền, phổ biến, công bố kịp thời các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản.
Đối với Bộ Công an cần chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản và hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án điều hành trần tín dụng phù hợp nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế; chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, thực hiện giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.