“Cần hoàn thiện khung pháp lý để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển”
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu tỉnh giấc
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mới đây Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu xây dựng khung pháp luật đối với lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tuy nhiên,vấn đề này chưa được triển khai thực hiện. Theo đó, với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, sau sự cố Cocobay đã có dấu hiệu chững lại tiếp đến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hầu như phân khúc này vẫ đang “ngủ đông”. Hiện nay, sản phẩm bất động sản này đã cho thấy dầu hiệu tỉnh giấc, đây là thời điểm cần phải có một khung chính sách pháp luật hoàn chỉnh để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ hơn và đi vào khuôn khổ của nó.
Ông Võ cho rằng, cần phải quan tâm đến việc sửa Luật Đất đai nhằm kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, hiện bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đang có nhiều động thái bùng nổ trở lại, nếu muốn phân khúc bất động sản này phát triển mạnh mẽ và bền vững, thì rõ ràng cần có vốn, huy động nguồn lực từ trong xã hội. Bên cạnh đó, nên chia sẻ lợi ích cho cả người dân tham gia. Đặc biệt cẩn phải có hệ thống pháp luật ổn định, vấn đề chia sẻ lợi ích cho người dân được xem là điểm sáng để loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển.
Ông Thiên cho hay, phải tiếp cận và giải quyết các vấn đề của Luật Đất đai. Theo đó, nên dựa trên nền tảng phát triển bền vững chứ không phải trên những nền tảng của kỹ thuật. Đáng chú ý, trên thị trường bất động sản nói chung cũng như phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng phải đảm bảo không có sự chồng chèo, liên quan đến các vấn đề về pháp luật như hiện tại.
Bình luận về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNGroup - Vũ Văn Thành cho rằng, trong khoảng từ 10 - 16 bộ luật được điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực bất động sản thời gian qua, nhưng nhiều vấn đề pháp lý nói chung, đặc biệt là phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn còn khá nhiều khó khăn bất cập.
Ông này khẳng định, là một doanh nghiệp trực tiếp thực hiện dự án đối với lĩnh vực này, thế nên, hiểu rất rõ các vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý của lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Có thể thấy, để thực hiện được một dự án cần phải trải qua các bước từ, kháo sát, nghiên cứu phân tích tính khả thi của dự án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án, triển khai xây dựng, đầu tư khai thác và vận hành dự án.
Liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, ông Thành cho hay, hiện một số bộ luật liên quan đến phân khúc này đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Mặt khác, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lại càng trở nên quan trọng.
“Xác định 'thân phận' của bất động sản nghỉ dưỡng như thế nào là câu chuyện cần đặc biệt quan tâm. Chúng ta hãy coi bất động sản nghỉ dưỡng như một cô gái đẹp và cho cô gái ấy danh phận. Hơn nữa, không một doanh nghiệp bất động sản nào tại Việt Nam là không đầu tư liên quan đến sản phẩm nghỉ dưỡng. Điều đó cho thấy phân khúc này có nhiều tiềm năng và cần phải hoạt động, phát triển một cách trơn tru”, ông Vũ Văn Thành nhấn mạnh.
Tháo gỡ những vướng mắc là để khai thác lợi thế của bất động sản nghỉ dưỡng, bởi đây là lĩnh vực có tính thị trường với tiềm năng lớn, mang lại nhiều lợi ích như thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra công ăn việc làm, qua đó, cũng đóng góp một phần cho ngân sách để phát triển kinh tế địa phương...
Nguồn tiền cho vay không còn nhiều
Sau thời gian gặp nhiều khó khăn vướng mắc, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại. Giới chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để phân khúc này phát triển và định vị lại thị trường.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khiến phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chưa thể khơi thông dòng chảy, trong đó, như áp lực về nguồn vốn phát triển dự án, vướng mắc thủ tục pháp lý, thiếu nhất quán trong việc cấp giấy chứng nhận tại nhiều địa phương, những vấn đề này đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV phân tích, thị trường bất động sản hiện tại đang có nhu cầu vốn quá lớn, nhưng đây là vấn đề rất khó khăn bởi trên thị trường bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khó đoán, việc này dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng khá thận trọng trong việc giải ngân cho vay bất động sản.
“Thế nên cần phải phân định rõ hơn về rủi ro này, trong đó, việc chia sẻ rủi ro theo từng phân khúc khác nhau của thị trường nhằm phân tích, cụ thể là các phân khúc như: Bất động sản văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp..”, ông Lực nói.
Theo ông Lực, trước hết cần phải làm là điều hành ổn định kinh tế vĩ mô vì nếu lạm phát tăng sẽ gây biến động mạnh đối với hoạt động doanh nghiệp luôn gặp những khó khăn, cần thúc đẩy nhanh chương trình phục hồi kinh tế, đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công.... Qua đó, có cơ hội tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Ông này cũng cho rằng, Nhà nước cần phải nghiên cứu một số định chế tài chính riêng biệt cho lĩnh vực bất động sản phát triển, như là quỹ đầu tư phát triển nhà ở với cơ chế chính sách rõ ràng.
Ông Lực nói: Cần phải chứng khoán hóa lĩnh vực bất động sản, có nghĩa là, doanh nghiệp bất động sản, được lấy đó làm tài sản thế chấp, cũng như phát hành trái phiếu hoặc bản thân doanh nghiệp được phải thay đổi, tái cơ cấu lại hoạt động một cách công khai và minh bạch hơn để giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt nhất”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, Hiện các ngân hàng đã nới room tuy nhiên, nguồn tiền cho vay không còn nhiều, chỉ còn khoảng vài trăm nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất ít so với thị trường bất động sản thời điểm này. Vì thế, nhiều dự án thuộc nhóm có lợi ích cho xã hội hoặc phù hợp nhu cầu sử dụng khai thác kinh doanh được ưu tiên tiếp cận với vốn sớm nên dễ dàng nhất được chấp thuận cho vay.
“Bên cạnh đó, những dự án sắp hoàn thành cần phải được tạo điều kiện tiếp xúc với nguồn vốn vay để tiếp tục đưa dự án về đich, đây là vấn đề mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội cũng như cả hệ thống của nền kinh tế”, ông Đính nói.