Hộ chăn nuôi miền Tây càng nuôi càng lỗ vì giá thức ăn
BÀI LIÊN QUAN
Triển vọng ngành xây dựng: Cơ hội để doanh nghiệp bứt pháĐã từng là thị trường tỷ đô, con cưng của ngành thương mại điện tử, điều gì khiến cho lĩnh vực mua chung tại Trung Quốc sa thải hàng nghìn nhân viên?Gia tộc Samsung ‘vét sạch vốn’ vẫn còn thiếu 3.000 tỷ won mới đủ trả thuế thừa kếBán heo tơ, bán luôn cả heo giống
Theo Lao động, chủ trang trại nuôi heo tại ấp Phú Lễ A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - anh Lê Văn Sỹ cho biết, mình nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện tại, trại heo đang trong giai đoạn xuất bán khoảng 150 con heo hơi và 50 con heo giống. Tuy nhiên, anh cho biết mình không có ý định tái đàn mà heo giống cũng sẽ bán để lấy thịt, vì từ đầu năm 2022 đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng lên quá cao.
Cũng theo anh Sỹ chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn đã tăng lên 11 lần theo điều chỉnh mà công ty thông báo. Một kỷ lục trước giờ chưa thấy và có thông tin là sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm nên anh Sỹ đã không còn mặn mà với nghề như trước nữa.
Theo lý giải của anh Sỹ, nếu mà tiếp tục chăn nuôi thì từ khoản đầu tư ban đầu mua thức ăn cho đàn heo cho đến khi bán ra, phải bỏ gấp đôi số tiền so với những năm trước. Trong khi hiện tại bán cho lái, giá heo bị chênh lệch so với thị trường heo thịt từ 15.000-20.000 đồng/kg, tính ra không có lời.
"Thời điểm chưa tăng giá, bình quân 1 con heo thịt nuôi trong 6 tháng. Nếu cho ăn đủ thức ăn khi cân được từ 75-90kg. Với giá thị trường hiện nay bán ra được khoảng 4 triệu, trong khi tiền thức ăn đã hết gần 3,8 triệu đồng/con. Chưa tính công sức, tiền điện nước thắp sáng, vệ sinh chuồng trại, mở nhạc cho heo nghe... Vậy trong 3 tháng, bán mỗi con lãi chưa được 500.000 đồng thì người chăn nuôi lấy gì để tiếp tục nghề", anh Sỹ tâm sự.
Không chỉ riêng anh Sỹ mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Quyền (ngụ tại xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cũng lâm vào tình ảnh không khá gì hơn. Chị Quyền cho biết, trại heo 100 con của chị hiện nay mới 2 tháng tuổi và đang trong giai đoạn tăng trưởng. Khi giá thức ăn tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay, chị đang tìm mối lái bán heo tơ cho dù bị lỗ nhưng dù sao cũng ít lỗ hơn vì nếu tiếp tục đà thức ăn tăng giá như này thì sẽ không cầm cự nổi.
Chị Quyền cũng cho biết thêm, tính sơ tiền mua thức ăn từ đầu năm đến nay đã hết 300 triệu. Bán hết đàn heo để trả nợ vẫn còn lỗ khoảng 50 triệu đồng.
Giá thức ăn vẫn tiếp tục tăng
"Đại lý cho biết, do họ nhập vào với giá tăng, cứ biến động liên tục họ cũng phải bán theo giá mới. Theo thông tin từ đại lý, nguyên nhân là do nguyên liệu đầu vào như ngô, lúa mạch, lúa mì, cám... tăng đột biến. Mà đây những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi", chị Quyền thông tin.
Theo ghi nhận, từ đầu tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam tiếp tục điều chỉnh giá bán. Từ ngày 1/4, Công ty TNHH CJ Vina Agri tăng 400 đồng/kg với tất cả thức ăn đậm đặc, thức ăn cho lợn con, bò. Tương tự đó, Công ty Greenfeed Việt Nam cũng ra thông báo đến hệ thống đại lý tăng thêm 300-400 đồng/kg cho các sản phẩm tùy loại.
Riêng Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Trung tăng tới 500 đồng/kg cho một số sản phẩm. Trong tháng 3, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tăng 400 đồng/kg với thức ăn cho lợn con và 300 đồng/kg với thức ăn hỗn hợp thì vừa tiếp tục tăng thêm 400 đồng/kg với hầu hết các sản phẩm chăn nuôi.
Đối với ngành chăn nuôi, việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro lớn khi giá thế giới có biến động. Cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ và không có liên kết cũng sẽ đẩy giá thành lên cao và không chia sẻ được rủi ro nên cũng dẫn tới thua lỗ.
Theo các đại lý bán thức ăn tại Cần Thơ giải thích, nguyên nhân thức ăn chăn nuôi tăng giá chóng mặt như hiện nay do ảnh hưởng xung đột chính trị trên thế giới làm đứt gãy nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn thành phẩm. Ngoài ra, do giá khí đốt, xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận tải tăng nên các công ty bắt buộc phải điều chỉnh giá bán. Thêm vào đó, nguyên liệu dự trữ của các công ty hiện tại không còn mà phải nhập về với giá cao và số lượng cũng khan hiếm.
Cũng theo những đại lý này, tình hình buôn bán những tháng qua họ rất ế ẩm và vắng khách vì thức ăn tăng liên tục, người chăn nuôi cũng không còn mặn mà, thậm chí có người cũng chuyển nghề khác.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% giá thành chăn nuôi heo tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh miền Tây, một số loại thức đậm đặc dành cho heo (hàm lượng dinh dưỡng cao) có giá bán lẻ lên đến 610.000-710.000 đồng/bao. Còn nhiều loại thức ăn dành cho heo con từ lúc tập ăn đến 15kg/con ở mức 460.000-480.000 đồng/bao; thức ăn dành cho heo thịt ở mức từ 340.000-370.000 đồng/bao trở lên.
Theo các chuyên gia về chăn nuôi chia sẻ, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại (20,3 triệu tấn) vẫn phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì thế, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng thì ngay lập tức giá thành thức ăn chăn nuôi bắt buộc phải tăng theo.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để giải bài toán "bão giá" thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao này, thì việc dùng thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm.
"Trong đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được bộ NN&PTNT xây dựng sẽ hướng tới tăng sử dụng nguyên liệu ở địa phương, đồng thời chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi", ông Tiến cho biết.
Gần đây, Viện Chăn nuôi cùng các đơn vị đã nghiên cứu thành công các công thức thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước. Với cách làm này, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm từ 300-1000 đồng/kg.