meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Hàng loạt khách sạn ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam đang được rao bán

Thứ năm, 08/12/2022-09:12
Ngành du lịch vẫn đang phục hồi khá tốt tại khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp, công ty kinh doanh lưu trú lại liên tục rao bán ồ ạt khách sạn, từ căn hộ tới các khách sạn 4 - 5 sao. 

Theo VTC, anh Hoàng - Nhân viên môi giới tại một công ty giao dịch BĐS tại Đà Nẵng cho biết, hiện công ty anh đang nhận ký gửi hàng chục khách sạn lớn nhỏ trong TP. Đà Nẵng và Hội An. Đa số là các khách sạn, căn hộ cho thuê ven biển thuộc các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Phước Mỹ, Thọ Quang. 

“So với thời điểm dịch Covid - 19 bùng phát, số lượng khách sạn rao bán tại Đà Nẵng cũng nhiều tương đương. Nhưng hiện tại các chủ khách sạn không tự rao bán mà ký gửi công ty, sàn giao dịch hay môi giới BĐS. Bởi họ vẫn đang hoạt động, cố duy trì nốt trong thời gian rao bán nên ngại đứng ra giao dịch trực tiếp, sợ bị ép giá” - Anh Hoàng nói. 

Bán từ căn hộ nhỏ tới khách sạn 5 sao

Anh Hoàng giới thiệu về một khách sạn tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (cách biển Phạm Văn Đồng chỉ 300m) có diện tích 12x25m, gồm 15 phòng và 6 căn hộ, xây được 4 đang được chủ giao bán 40 tỷ đồng.


"Thu không đủ chi và trả lãi ngân hàng nên phải bán để cắt lỗ"
"Thu không đủ chi và trả lãi ngân hàng nên phải bán để cắt lỗ"

Quản lý khách sạn này cho hay, tuy có vị trí đẹp, giá phòng giảm sâu (chỉ từ 350 - 450 nghìn đồng/ngày đêm) nhưng hiện công suất khai thác phòng chỉ khoảng 30%. “Đà Nẵng bắt đầu vào mùa thấp điểm du lịch, không có khách du lịch nên chủ khách sạn chỉ cố duy trì hoạt động, giảm bớt nhân viên trong thời gian chờ bán” - Anh Hoàng nói. 

Một môi giới của công ty BĐS khác - Chị Hiền giới thiệu một khách sạn tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, xây dựng 7 tầng được rao bán giá 24 tỷ đồng; Một khách sạn 6 tầng có hồ bơi tại Anh Thượng (phường Mỹ An) đang chào bán giá 21 triệu đồng. 

Cả hai khách sạn này đều được chủ chuyển thành căn hộ cho thuê để tìm nguồn khách mới. Chị Hiền cho biết, công ty chị còn nhận rao bán khoảng 10 khách sạn khác tại Đà Nẵng, Hội An với mức giá từ 20 - 100 tỷ đồng. 

“Đa số các chủ khách sạn đã cố duy trì mấy năm dịch Covid - 19, khi mở cửa lại được 1 năm nhưng vẫn không có khách, thu không đủ chi và trả lãi ngân hàng nên phải bán để cắt lỗ. Tiền lãi ngân hàng cao khiến nhiều người bị “ngộp” nên phải chuyển sang hình thức căn hộ cho thuê để dễ dàng khai thác nguồn khách nước ngoài trong lúc chờ bán” - Chị Hiền cho hay. 

Không chỉ có khách sạn 3 sao hay các căn hộ cho thuê, không ít khách sạn 4 - 5 sao cũng được chào bán từ 100 - 200 tỷ đồng tại Đà Nẵng đang ký gửi tại các công ty, sàn giao dịch bất động sản. 

Chị Phương - Nhân viên công ty BĐS giới thiệu một khách sạn 4 sao ngay mặt đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) gần 70 phòng, cao 7 tầng, có hồ bơi đang rao bán với giá 100 tỷ đồng. 

Chị Phương cho biết, lãi ngân hàng giờ quá cao, công suất khai thác phòng khách sạn lại thấp nên chủ nhà không cầm cự nổi, buộc phải bán cắt lỗ. Ở thời điểm này có nhiều khách sạn vị trí đẹp đang gửi công ty chị bán. 

Đi về phía bãi biển Mỹ Khê, một khách sạn chỉ cách biển 150m đang được rao bán với giá 180 tỷ đồng. Môi giới cho biết, chủ khách sạn này hiện đang ở Mỹ nên tạm dừng hoạt động, gửi công ty BĐS để bán. 


Nhiều khách sạn và villa trong thành phố Hội An cũng được chào bán
Nhiều khách sạn và villa trong thành phố Hội An cũng được chào bán

Tại Quảng Nam, nhiều khách sạn và villa trong thành phố Hội An cũng được chào bán thông qua các đơn vị môi giới, nhân viên BĐS. Anh Nam (đại diện công ty môi giới BĐS có trị sở tại TP. Đà Nẵng) cho biết, đơn vị của anh nhận ký gửi, giao bán hàng chục khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và các villa ở Hội An. Gần đây, công ty mới nhận ký gửi, rao bán một khách sạn quy mô 100 phòng với diện tích 2.000m2 trên địa bàn phường Cẩm Nam, TP. Hội An với giá bán là 130 tỷ đồng. 

Theo anh Nam, sở dĩ chủ khách sạn này phải rao bán dự án vì đang gặp bế tắc như thanh toán nợ ngân hàng. “Trước khi đại dịch Covid - 19 bùng phát, khách sạn đón khách khá đều đặn và luôn kín phòng. Doanh thu mỗi tháng cũng trên dưới 2 tỷ đồng. Nhưng do dịch bệnh kéo dài khiến cho hoạt động của khách sạn bị ngưng trệ. Tới hiện tại thì dù ngành du lịch đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng khác đăng ký lưu trú lại rất hạn chế. Do đó, việc bán khách sạn là phương án khả thi nhất mà chủ khách sạn tính tới để giải quyết món nợ ngân hàng” - Anh Nam nói. 

Không chỉ riêng trường hợp này, tại khu vực Hội An trong thời gian gần đây cũng có rất nhiều chủ khách sạn muốn bán cơ sở lưu trú để trả nợ ngân hàng. Trên các trang Web, nhiều công ty môi giới chia sẻ, khách sạn, villa phân khúc 4 sai tại đô thị cổ Hội An có mức giá bán không dưới 100 tỷ đồng. Chẳng hạn như một khách sạn 7 tầng trên đường Tuy Nhạc, phường Cẩm An được rao bán với giá 119 tỷ đồng. 

“Thực tế là giá khách sạn hiện quá cao gây ra rào cản khiến nhiều người dù muốn đầu tư vào lĩnh vực này lại khá e ngại. Đây cũng là lý do khiến nhiều khách sạn dù đã rao bán từ giai đoạn dịch hoành hành nhưng tới nay vẫn chưa bán được” - Đại diện một doanh nghiệp môi giới BĐS chia sẻ. 

Chủ khách sạn chính là con nợ

Ông Thành - một người rao bán khách sạn tại khu vực phường Phước Mỹ đã vài tháng nay, chia sẻ về nỗi lo của những người chủ khách sạn. Ông Thành cho biết, khách sạn của ông đang hoạt động nhưng vì áp lực quá lớn nên buộc phải bán, tuy đã rất cố gắng nhưng không thể trụ được.

“Khách sạn đã xây dựng được 4 năm, hiện định giá khoảng 39 - 40 tỷ đồng, tuy nhiên tôi cần bán vì không có khách, lỗ càng thêm lỗ. Nếu đóng cửa bỏ không sẽ khiến khách sạn càng nhanh xuống cấp, mất giá” - Ông Thanh nói. 

Cũng theo chủ khách sạn, tuy tổng giá trị là khoảng 40 tỷ đồng nhưng thực tế là ông Thành đã vay ngân hàng 1/3 số này.

“Làm một phép tính đơn giản cũng thấy rõ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú hiện nay đang khó khăn tới mức nào. Đất là của mình, tiền xây khách sạn thì đi vay ngân hàng. Khoản vay tầm 12 - 13 tỷ đồng từ ngân hàng, mỗi tháng đều phải trả lãi cao nếu không nhanh chóng cắt lỗ mà cứ cầm cự mãi thì tới đất còn không giữ được chứ đừng nói tới việc kinh doanh” - Ông Thành than thở.


Một số khách sạn đã chuyển đổi sang căn hộ cho thuê nhằm tìm được nguồn thu
Một số khách sạn đã chuyển đổi sang căn hộ cho thuê nhằm tìm được nguồn thu

Vợ chồng anh Long - chủ một khách sạn tại ven biển Ngũ Hành Sơn có biết cũng đang ký gửi khách sạn cho một công ty môi giới bất động sản để rao bán. Theo chia sẻ của anh Long, hiện tại anh đã chuyển đổi sang căn hộ cho thuê nhằm tìm được nguồn thu với giá mỗi căn rơi vào khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng.

“Hiện tại có khoảng 50% số phòng đã được khách hàng thuê lưu trú dạng hợp đồng ký 6 tháng hoặc 1 năm, nên tôi đã cho nhân viên nghỉ hết, chỉ có vợ chồng tự làm vệ sinh, bảo vệ để cắt giảm tối đa chi phí. Doanh thu mỗi tháng cũng chỉ được hơn 40 triệu đồng, không đủ để trả lãi vay ngân hàng nên buộc phải bán. Bán được thì trả nợ, số còn lại thì đầu tư theo hướng khác chứ cố mãi ở đây thì không trụ được” - Ông Long nói. 

Ông Thành thì chia sẻ, hầu hết những ai kinh doanh đều dựa vào vốn vay ngân hàng, nên dù ngành du lịch có khởi sắc nhưng nhiều chủ khách sạn không còn mặn mà vì áp lực trả nợ là rất lớn. 

Sẽ tiếp tục khó khăn trong giai đoạn tới

Đây là nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản Đà Nẵng - Ông Nguyễn Đức Lập đánh giá về thị trường bất động sản du lịch Đà Nẵng. Viện trưởng cho rằng, thị trường bất động sản nói chung đang rơi vào tình trạng ảm đạm, gặp nhiều khó khăn vì lãi suất ngân hàng tăng cao. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nguồn cung vì có nhiều địa phương còn đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể. 

“Đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng còn chịu thêm tác động trực tiếp của sự phục hồi yếu ớt từ ngành du lịch. Chẳng hạn như vấn đề cấp giấy chứng nhận cho những loại hình bất động sản du lịch như condotel (căn hộ du lịch) chưa được hoàn toàn thống nhất tại các địa phương trên cả nước, khiến cho dòng sản phẩm này dường như chết đứng trong thời gian vừa qua” - Ông Lập đánh giá.


Đây là thời điểm thị trường khách sạn tại Đà Nẵng “thanh lọc”
Đây là thời điểm thị trường khách sạn tại Đà Nẵng “thanh lọc”

Ông Lập cho rằng, du lịch tại Đà Nẵng chưa được phục hồi hoàn toàn khi lượng khác tới thành phố này còn quá thấp so với thời điểm trước dịch năm 2019. Hơn nữa, khu vực miền Trung đang vào mùa mưa, là mùa thấp điểm du lịch nên tình hình cũng không có nhiều cải thiện cho tới hết năm nay.

Cùng chung quan điểm, Công ty H&H Land - ông Đinh Văn Hoàng cho rằng, hoạt động của thị trường khách sạn Đà Nẵng vẫn còn khó khăn, nếu muốn phục hồi lại như thời điểm trước năm 2019 thì cần ít nhất là 2 năm nữa, tức là tới năm 2024. 

Theo phân tích của ông Hoàng, có 3 nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp là cung vượt quá cầu, số lượng khách du lịch (nhất là khách nước ngoài) đang hạn chế và những khách sạn hoạt động hiện nay chủ yếu dựa vào ngân hàng. 

“Thực tế thì thị trường quá bội thực về nhu cầu, tức là số lượng khách sạn, buồng phòng còn nhiều hơn nhu cầu lưu trú thực. Hiện tại người ta khá dè dặt về việc đi du lịch vì kinh tế khó khăn, nguồn khách Hàn Quốc tuy có nhưng chưa nhiều, khách Trung Quốc thì hoàn toàn không có. Cạnh đó, hệ thống khách sạn đang hoạt động dựa vào ngân hàng là chính. Khi nguồn thu không đủ thì không có tiền trả lãi, buộc họ phải bán” - Ông Hoàng phân tích. 

Ông Hoàng cũng cho rằng, đây là thời điểm thị trường khách sạn tại Đà Nẵng “thanh lọc”. Những doanh nghiệp có tiềm lực với dự án tốt thì sẽ tồn tại được, vượt qua giai đoạn khó khăn, còn những đơn vị yếu kém sẽ khó mà qua được thời điểm này. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

Mở rộng quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại: Chỉ nên thí điểm ở phạm vi hẹp

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

Đất đấu giá “hạ nhiệt” nhưng vẫn bán chênh cả tỷ đồng

Lãi suất “ghìm cương” nhà ở xã hội

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

1 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

3 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

4 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

4 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

4 ngày trước