Hà Tĩnh đặt mục tiêu hình thành 3 trung tâm đô thị lớn
BÀI LIÊN QUAN
Tập đoàn Vingroup xây dựng nhà máy thứ 2 tại Hà Tĩnh với tổng chi phí 6.300 tỷ đồngThị trường bất động sản tại Hà Tĩnh đang ảm đạm?“Cơn sốt” đất nền quay lại Kỳ Anh - Hà TĩnhTheo vneconomy.vn, ngày 8/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1363 phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản quy hoạch tỉnh thứ hai trong cả nước được xây dựng, phê duyệt theo Luật Quy hoạch.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước. Định hướng phát triển ổn định, bền vững các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại.
Tỉnh đặt mục tiêu về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 9%/năm. Về cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%. Mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD.
Quyết định số 1363 nêu rõ, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phát triển 4 ngành trọng điểm tạo đột phá gồm công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Cùng với đó, phát triển 3 trung tâm đô thị. Đó là trung tâm đô thị xung quanh Thành phố Hà Tĩnh, lấy Thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối Thành phố Hà Tĩnh là thị trấn Cẩm Xuyên, thị trấn Thạch Hà, thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía Nam, thị xã Kỳ Anh là hạt nhân, gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Theo quyết định mới này, 6 giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Một là giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư. Hai là giải pháp về bảo vệ môi trường. Ba là giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển. Bốn là giải pháp về phát triển nguồn nhân lực. Năm là giải pháp về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Sáu là giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn.
Quyết định nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Đặc biệt, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; phát triển dịch vụ đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích đất tự nhiên gần 6.000 km2, quy mô dân số tính đến cuối năm 2019 là 1.290.260, chiếm 1.33% tổng dân số cả nước. Vị trí địa lý, phía bắc giáp với tỉnh Nghệ An; phía nam giáp tỉnh Quảng Bình; phía tây giáp với Lào có đường biên giới dài 164,448 km; phía đông giáp với Biển Đông. Tỉnh Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện.