Thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh đang ảm đạm?
Hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022, Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương “sốt đất” trong cả nước. Đất tăng giá liên tục, nhiều người mới mua hôm nay, chỉ vài hôm sau đã chốt lời hàng trăm triệu đồng. Những vùng quê trước nay yên ả, bỗng chốc nhộn nhịp bởi các nhà đầu tư trong tỉnh và ngoài tỉnh tìm đến xem đất, ngã giá và đặt cọc.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, một người dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết: “Cao điểm nhất là thời điểm cuối năm, ngày nào cũng có hàng trăm xe ô tô, thậm chí xe có biển số tận Hà Nội, Hòa Bình tìm đến mua đất, xem đất. Nhà tôi sinh sống đang ổn định thì liên tục bị làm phiền bởi tiếng gọi cửa hỏi xem có bán đất không. Có những miếng đất trước đây rao vài trăm triệu còn khó bán, dịp sốt đất người ta trả giá cả tỷ bạc”.
Không chỉ ở thôn quê, thành thị, mà tình trạng sốt đất cũng dễ thấy tại các phiên đấu giá quyền sử dụng đất. Tại bất cứ nơi đâu, cứ diễn ra đấu giá thì đều nhận được hàng trăm hồ sơ của các nhà đầu tư. Các buổi đấu giá cũng diễn ra quyết liệt, có những mảnh đất phải đấu lên đến hàng chục bước, đồng nghĩa giá được bán ra chênh đến hàng trăm triệu đồng so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, nhưng quang cảnh nhộn nhịp đó đã không còn xảy ra trong vài tháng trở lại đây. Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khoảng cuối tháng 5, nửa đầu tháng 6, mặc dù các công ty đấu giá vẫn thường xuyên tổ chức đấu giá đất tại nhiều địa phương, nhưng số hồ sơ tham gia đấu giá đã giảm 50-70% so với trước đây. Cá biệt, có những vùng không có hồ sơ nào tham gia đấu giá.
Ví dụ, ngày 9/6, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh và Công ty Đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh tổ chức đấu giá 54 lô đất tại khu dân cư Nam Nguyễn Du, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh). Kết quả, có 31/54 lô đấu giá thành công, 23 lô còn lại không đủ điều kiện tham gia đấu giá (theo quy định, nếu lô đất chỉ có 1 hồ sơ hoặc không có hồ sơ tham gia đấu thì lô đất đó không được công nhận kết quả đấu giá). Trước đó, ngày 3/6, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu giá 10 lô đất tại khu dân cư xã Cẩm Hà (Cẩm Xuyên) nhưng không có hồ sơ nào tham gia đấu giá. Số bước giá trong các đợt đấu giá vừa mới đây cũng chỉ giao động 3-5 bước.
Tại các vùng quê vốn trước đây sốt đất thì nay cũng trở nên vắng vẻ. Đội ngũ môi giới cũng đã đi đâu mất. Một người dân huyện Thạch Hà cho biết, hơn 1 tháng nay, xã của ông chẳng còn bóng dáng “nhà đầu tư” hay “cò mồi” về sục sạo khắp nơi để mua đất nữa, trả lại cho vùng quê sự yên bình vốn có. Tuy nhiên, sau cơn sốt đất cũng đã xảy ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là khi người mua tháo chạy, bỏ cọc. Cuối tháng 3/2022, anh L.T.V (huyện Can Lộc) mua 2 lô đất (diện tích mỗi lô trên 100m²) thuộc phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng. Đặt cọc được vài tuần thì thị trường BĐS chững lại. Nhận định khó có thể “qua tay” kiếm lời, anh V. đành bỏ 200 triệu tiền cọc sau hơn 2 tuần giao dịch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thị trường BĐS tại Hà Tĩnh hạ nhiệt. Trong bối cảnh thị trường BĐS có nhiều biến động bất thường, ngày 25/3, UBND tỉnh đã ra quyết định lập đoàn liên ngành kiểm tra việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất gây nhiễu loạn thị trường.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Sở đã đẩy mạnh việc phổ biến pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS; công bố công khai, kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đang triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký quyền sử dụng đất, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất... Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm với hành vi không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các hội sở chính, ngân hàng thương mại tại Hà Tĩnh đã tăng cường siết chặt tín dụng BĐS. Theo đó, nhiều ngân hàng đặc biệt lưu ý với các khoản vay tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực BĐS, hạn chế cho vay BĐS, tham gia đấu giá đất… Ngoài ra, ngành thuế tỉnh đã ban hành công văn về tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh chuyển nhượng BĐS vào cuối tháng 2/2022, ngành thuế đã đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người nộp thuế kê khai chính xác, trung thực nhằm chống thất thu thuế trong lĩnh vực BĐS và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Có thể thấy, thị trường BĐS ảm đạm tại Hà Tĩnh thật ra là tín hiệu đáng mừng khi khi giá đất trở về giá trị thực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận được với căn nhà, mái ấm mà mình mơ ước. Giá đất ổn định sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH bởi người dân sẽ đầu tư vốn vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác thay vì đổ vốn vào BĐS. Đặc biệt, “cắt sốt” thị trường đất đai góp phần quan trọng đối với thu hút đầu tư, tiến độ triển khai các dự án, giải phóng mặt bằng.