Hà Nội tạm dừng bán 600 căn biệt thự cổ để rà soát
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường nhà phố, biệt thự ở TP. Hồ Chí Minh đang “ấm” dầnGiá nửa tỷ một mét vuông, một trong 600 căn biệt thự cổ được rao bán ở Hà Nội có gì đặc biệt?Thành phố Hà Nội "thanh lý" 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bánTheo thanhnien.vn, ngày 19/4, ông Trương Việt Dũng, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội đã chủ trì buổi họp báo thông tin về công tác quản lý, sử dụng các biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.
Ông Dũng cho biết, được sự đồng ý của Thường trực Thành uỷ, UBND TP quyết định tạm dừng việc bán quỹ 600 biệt thự cũ trên địa bàn để rà soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền.
"Sau khi có kết quả rà soát sẽ công bố thông tin, bao gồm cả các vấn đề về việc quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp quản lý, bảo tồn...", Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội nói.
Liên quan đến việc bán 600 biệt thự cổ, ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết qua rà soát Hà Nội được phép bán 600 biệt thự cũ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các biệt thự này thuộc dạng đan xen sở hữu, gồm 5.686 hộ ký hợp đồng thuê. Trong đó, Thành phố Hà Nội đã thực hiện ký hợp đồng bán với 4.973 hộ, hiện còn 713 hộ, tương đương 713 hợp đồng chưa bán (563 ngôi chính, 150 ngôi phụ).
“Đối tượng được phép mua biệt thự là công nhân viên chức có hợp đồng thuê biệt thự ổn định và đã được phân phối nhà trước đây, không phải bán rộng rãi ra bên ngoài”, ông Minh nói.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết giá bán những biệt thự này sẽ theo khung giá nhà nước quy định. Việc xác định giá bán sẽ căn cứ vào diện tích và vị trí của các biệt thự, không có mức giá chung cho tất cả các biệt thự. Ngoài ra, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan đang xây dựng quy chế quản lý toàn diện biệt thự cổ, nhằm đảm bảo việc bảo tồn các biệt thự cổ đúng quy định.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".
Theo đó, Thủ đô Hà Nội sẽ bán 600 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước, nằm trong danh mục biệt thự được bán và chủ yếu nằm ở các quận trung tâm. Đây là một trong những giải pháp về cơ chế, chính sách vừa được UBND TP Hà Nội đưa ra để quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025.
Việc bán biệt thự cũ nhằm tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác.
600 biệt thự trong danh sách này đều do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và đang bán dở dang.
Một số nhà biệt thự chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước nằm trong danh mục không được bán cũng được thành phố thực hiện rà soát, để xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10-15 năm theo giá thị trường.
TP Hà Nội cũng nghiên cứu điều chỉnh danh mục biệt thự không được bán (rà soát 105 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý, đang sử dụng đan xen trụ sở cơ quan và nhà ở của các hộ dân) để xây dựng phương án di chuyển cơ quan, tổ chức. Sau đó, thành phố tổ chức bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.216 biệt thự. Trong đó, thuộc sở hữu nhà nước là 367 biệt thự, thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau là 732 biệt thự; thuộc sở hữu tư nhân 117 biệt thự.
367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, gồm cả biệt thự của Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Phục vụ ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao), của các cơ quan khác của trung ương và TP, của các công ty quản lý nhà quản lý. Trong đó, nhóm 1 có 177 biệt thự ; nhóm 2 có 131 biệt thự; nhóm 3 có 59 biệt thự .
Các biệt thự cũ của Hà Nội chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và ở các vị trí đẹp, chủ yếu nằm ở các quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ. Những biệt thự này có kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông.