Thị trường nhà phố, biệt thự ở TP. Hồ Chí Minh đang “ấm” dần
Một năm ảm đạm vì dịch bệnh
Tương tự như các phân khúc bất động sản khác, phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP. Hồ Chí Minh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt giãn cách xã hội. Nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ giảm xuống mức thấp nhất khiến nhiều nhà đầu tư phải chịu cảnh “ngâm vốn” trong một thời gian dài.
Ông Đoàn Hữu Lộc (54 tuổi, Gò Vấp) là một nhà đầu tư chuyên đi tìm mua lại các căn nhà phố giá rẻ để cho thuê kiếm lời. Vào thời điểm cuối năm 2020, ông mua được một căn nhà cũ ở quận 12 với giá 5,8 tỷ đồng, đầu tư thêm 500 triệu đồng tân trang mới cho ngôi nhà để thu hút khách thuê. Nhưng kế hoạch cho thuê của ông đã bị đổ bể vì không có khách hàng, dù giá thuê rẻ, có nhiều chính sách ưu đãi trong mùa dịch.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Trọng Công (46 tuổi, Tân Bình) cũng gặp khó vì thị trường bất động sản nhà phố, biệt thự gần như “đóng băng” trong thời gian giãn cách. Vào đầu năm 2020, tranh thủ lúc mức giá đang bị “chững” lại, ông đã vay ngân hàng, mua một lúc 3 căn nhà phố với hy vọng sẽ có lời cao. Tuy nhiên, nguyên một năm 2021, ông không thể tìm được khách mua nhà và đành chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn, giảm áp lực tài chính.
Shophouse cho thuê ế ẩm nhưng giá bán lại tăng bất chấp
Shophouse Đà Nẵng ế ẩm, chấp nhận bán lỗ khách vẫn chẳng “ngó ngàng”
Từng được ví là “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng ở thời điểm hiện tại thị trường shophouse Đà Nẵng đang vô cùng ảm đạm, ế ẩm, nhiều nơi bỏ trống, không người qua lại, cỏ hoang mọc um tùm. Nhiều chủ sở hữu phải đăng tin rao bán lỗ nhưng cũng khó tìm được khách hàng quan tâm.Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý 4/2021, tỷ lệ hấp thụ trung bình của phân khúc bất động sản nhà phố giảm -3 điểm phần trăm theo quý và -14 điểm phần trăm theo năm. Lượng bán chỉ hơn 210 căn, giảm -26% theo quý và -67% theo năm do nguồn cung mới bị hạn chế vì dịch bệnh.
Trong năm 2021, nguồn cung nhà phố, biệt thự ở TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, chỉ đạt hơn 1.000 căn, chủ yếu tập trung ở khu Đông của thành phố. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp nhà phố giảm -65% theo năm. Nhà phố thương mại giảm -85% theo năm và chỉ chiếm 17% tổng nguồn cung sơ cấp.
Mặc dù tỷ lệ hấp thụ giảm nhưng giá rao bán nhà phố ở TP. Hồ Chí Minh lại tăng trong năm 2021. Cụ thể, giá bán đạt trung bình 84 triệu đồng/m2 (tăng 11% so với cùng kỳ) đối với nhà phố và 140 triệu đồng/m2 (tăng 10% so với cùng kỳ) đối với biệt thự. Nguyên nhân của sự nghịch lý này là do nguồn cung bị hạn chế và giá chào bán trong năm khá cao tại các dự án mới ở Quận 9.
Nhờ việc giá bán vẫn tăng bất chấp dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư vẫn nuôi hy vọng, trong năm 2022, thị trường nhà phố, biệt thự ở TP. Hồ Chí Minh sẽ tốt lên để việc bán ra không gặp khó khăn. Đồng thời, họ kỳ vọng thị trường sẽ thiết lập một mức giá mới theo đà tăng từ năm trước.
Những tín hiệu tích cực mới
Sau một thời gian trầm lắng do đại dịch Covid-19, thị trường nhà phố/ biệt thự ở TP. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhiều chuyên gia dự đoán, phân khúc này sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ nhu cầu đang tăng cao trở lại.
Theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong quý I/2022, thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 611 căn nhà phố mở bán đến từ 12 dự án (bao gồm 8 dự án mới và 4 dự án ở giai đoạn tiếp theo), bằng 17% so với quý trước và bằng 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 71% tương đương 432 căn, bằng 18% so với quý IV/2021 và bằng 65% so với cùng kỳ năm 2021. Dù tỷ lệ hấp thụ không cao như mức của năm trước nhưng vẫn cao hơn giai đoạn trước dịch Covid -19. Điều này cho thấy nhu cầu về phân khúc bất động sản này vẫn còn rất lớn.
Tương tự, Savills Việt Nam dự đoán trong năm 2022, TP. Hồ Chí Minh sẽ đón nhận khoảng hơn 1.500 căn hộ, tăng gấp 3 lần so với năm trước, tuy vẫn chưa quay lại mức của các năm trước dịch Covid-19. Trong tương lai xa hơn, TP. Hồ Chí Minh dự tính sẽ mở rộng quỹ đất sang phía Tây, phía Đông và phía Nam (cụ thể là các quận Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ), với các dự án đến từ những công ty bất động sản lớn như Vingroup, Khanh Điền, Nam Long.
Trong thời gian gian tới, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có khoảng 1.500 căn nhà phố/ biệt thự được chào bán, chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đang khuyến khích phát triển thêm các dự án mới tại các huyện ngoại thành nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở thấp tầng cho thành phố.
Năm 2022, nguồn cung nhà ở của thành phố sẽ đạt 1.400 căn đến từ 3 dự án hiện hữu và chín dự án mới. Trong đó, nhà phố/ biệt thự sẽ chiếm ưu thế với 83% thị phần. Đến năm 2024, nguồn cung này dự kiến sẽ đạt gần 9.400 căn, trong đó nhà phố/ biệt thự sẽ chiếm 92%.
Với quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, quận 2, 9 và huyện Bình Chánh vẫn sẽ là tâm điểm phát triển bất động sản liền thổ. Cụ thể, Bình Chánh sẽ là địa phương có nguồn cung tương lai nhiều nhất, chiếm 27% thị phần, tiếp đến là quận 2 với 18% thị phần và quận 9 với 16% thị phần.
Nhận định về diễn biến của thị trường trong thời gian tới, ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, nguồn cung mới của phân khúc nhà phố, biệt thự trong năm 2022 sẽ duy trì ở mức ổn định, tương đương năm 2021. Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung sẽ tập trung ở khu vực phía Đông. Những dự án nằm trong khu đô thị lớn, có hạ tầng giao thông kết nối tốt, được quy hoạch bài bản và có mức giá khoảng 15 tỷ đồng/ căn sẽ được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Còn ông Troy Griffiths – Phó Tổng Giám đốc, Savills Việt Nam thì cho rằng, 2022 là một năm thú vị để theo dõi sự dịch chuyển nguồn cung nhà phố/ biệt thự từ TP. Hồ Chí Minh sang các tỉnh thành lân cận. Nguồn cung ở các thị trường thay thế tăng nhanh sẽ giúp người mua có nhiều sự lựa chọn hơn.