Giải quyết nghịch lý "chỗ thừa nơi thiếu" nhà ở xã hội bằng cách nào?
BÀI LIÊN QUAN
Nở rộ tình trạng “cò mồi” rao bán những dự án nhà ở xã hội khác trước sức nóng của NHS Trung VănMột vốn bốn lời, nhà giàu vẫn tranh mua nhà ở xã hộiNgười dân vẫn khó mua nhà ở xã hội dù có nhiều ưu đãiNơi xếp hàng xuyên đêm mua hồ sơ, chỗ bán 24 đợt chưa hết hàng
Nhà ở xã hội luôn là phân khúc đầu tiên được các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho thị trường bất động sản cũng như nhận được sự quan tâm đặc biệt của người mua. Chính vì vậy, từ tháng 3/2023 khi Sở Xây dựng Hà Nội thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua đợt 1 dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) đã có rất đông người dân xếp hàng ngồi chờ vào nộp hồ sơ. Số lượng người đăng ký mua 225 căn hộ nhà ở xã hội được mở bán, cho thuê trong đợt này cao gấp hàng chục lần. Chính ví vậy mới có cảnh ngày nào cũng có người đến từ sớm, thậm chí là 2 - 3 giờ sáng để có slot.
Sau nhiều ngày chen nhau nộp hồ sơ, sáng 20/5 vừa qua, cảnh hàng nghìn người đã đến Nhà thi đấu quận Cầu Giấy để tham dự buổi bốc thăm giành 149 suất mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn thêm lần nữa cho thấy tình trạng khan hiếm dự án nhà ở giá bình dân trên thị trường cũng như sức hút của những dự án nhà ở giá rẻ nằm ở quận trung tâm TP, giao thông thuận lợi.
Trong khi đó, qua khảo sát rất nhiều dự án nhà ở xã hội được xây dựng tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Đông Anh… của Hà Nội từ gần chục năm nay vẫn chưa bán được hết số lượng căn hộ. Người dân hầu như không có nhu cầu về ở vì dự án nằm ở vị trí cách xa trung tâm, thiếu tiện ích và chưa đồng bộ, kết nối giao thông với các khu vực khác.
Cá biệt, có những dự án nhà ở xã hội mở bán 24 lần vẫn chưa hết. Điển hình là Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long nằm trên địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội hiện vẫn đang nhận hồ sơ mua nhà theo thông báo từ chủ đầu tư và Sở Xây dựng Hà Nội. Đến nay, dự án mới bán được 847 nhà ở xã hội trong tổng số 1.496 căn hộ.
Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2023, trên địa bàn thành phố đã có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488m2 sàn, khoảng 4.168 căn hộ. Ngoài ra, tại Thủ đô còn có 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 869.000m2 sàn với 12.137 căn hộ.
Tương tự như Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden nằm trong khu đô thị Sunny Garden City ở Quốc Oai (Hà Nội) cũng phải mở bán đến 20 lần nhưng vẫn chưa hết hàng.
Chờ… đồng bộ
Từ nghịch lý chỗ thừa nơi thiếu nêu trên cho thấy việc quy hoạch, bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội vẫn còn tồn tại những bất cập dẫn đến cung và cầu không gặp nhau và mục tiêu ưu tiên về phát triển nhà ở xã hội của TP Hà Nội đến nay cũng chưa giải quyết được.
Theo các doanh nghiệp, một trong những bất cập lớn nhất làm hạn chế nguồn cung nhà ở xã hội là quy định bắt buộc trích lập 20% quỹ đất làm dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội. Họ cho rằng quy định là bắt buộc nhưng vì thiếu tính khả thi và thiếu thực tế nên thời gian qua hầu như không có dự án nhà ở thương mại, khu đô thị nào thực hiện. Ví dụ một khu đô thị chỉ có khoảng 2ha thì 20% sẽ rất nhỏ, việc đầu tư nhà ở xã hội dễ manh mún, thiếu đồng bộ.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng chia sẻ, trên địa bàn thủ đô hiện có trên 250.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động và 10 khu công nghiệp; khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động. Trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Trong quý I/2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, với mức thu nhập như trên chưa thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động.
“Hiện nay, ngoài 3 khu công nghiệp là: Thạch Thất (Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động thì các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Tức là khoảng trên 80% người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, chịu nhiều chi phí như thuê nhà, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Tình trạng này lại càng khó khăn với công nhân lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất”, ông Hùng thông tin.
Lý giải về câu chuyện trên, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, vấn đề “vị trí” là yếu tố quyết định đầu tiên.
“Dự án ở khu vực Trung Văn rất gần trung tâm Hà Nội trong khi những người dân có mức thu nhập trung bình rất đông. Trong bối cảnh giá nhà toàn trên 30 triệu đồng/m2 trở lên, để mua được căn hộ ở dự án nhà ở xã hội là ước mơ của nhiều người. Còn dự án nhà xã hội ở Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín… lại xa trung tâm, người dân không thể ở những khu vực đó để đi làm ở nội đô. Quá xa, bất tiện về phương tiện giao thông công cộng thì người dân ít lựa chọn. Với những dự án ở khu vực xa trung tâm đó phải 5-10 năm nữa, khi Hà Nội có hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, đường vành đai 4 hình thành mới nhận được sự quan tâm của người mua”, ông Thanh phân tích.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng cần phát triển các dự án nhà xã hội có quy mô lớn 50-100ha trở lên. Các dự án được quy hoạch gắn liền với trục giao thông chính của thành phố như xe điện trên cao, xe điện ngầm với đầy đủ các tiện ích trường học, siêu thị, công viên… thì mới thu hút người dân có thu nhập trung bình đến ở.
Một vấn đề đặt ra là đi đôi với việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội phải đảm bảo việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ nhằm tránh tình trạng xuống cấp sau một thời gian đưa vào hoạt động như hiện nay.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân. Dù là nhà cho thuê hay bán cho công nhân, người thu nhập thấp cũng phải chú trọng đến chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người lao động.