Giá thuê căn hộ ở TP.HCM tăng cao
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao giá đất nền tại Hưng Yên có xu hướng tăng nhanh?Làn sóng FDI đổ bộ, giá thuê bất động sản công nghiệp khu vực phía Nam tăng lên caoPhân khúc BĐS nào "sống khỏe" khi thị trường có biến động lớn?Theo Zing News, tuần trước, Hoàng Minh (29 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) được chủ nhà hẹn gặp để bàn về hợp đồng cho thuê nhà mới. Môi giới báo chủ nhà định tăng thêm 2 triệu đồng/tháng trong một năm tiếp theo.
Hoàng Minh chuyển vào căn hộ 1 phòng ngủ này từ tháng 7 năm 2021, đúng lúc dịch Covid-19 căng thẳng nên chủ nhà hỗ trợ giảm 1 triệu đồng/tháng, cho đến trước Tết thì quay về lại mức 10 triệu đồng như thỏa thuận trong hợp đồng.
"Cả đêm tôi không ngủ được để nghĩ cách thuyết phục chủ nhà, vì 12 triệu đồng/tháng là quá sức với tôi, thu nhập của tôi vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần tìm nhà mới nếu chủ nhà không thay đổi ý định. Nhưng may thay, cuối cùng họ chỉ tăng thêm 500.000 đồng/tháng", Minh chia sẻ
Giá thuê căn hộ phục hồi
Trên thực tế, không phải ai cũng may mắn như Hoàng Minh. Theo dữ liệu phân tích từ các văn phòng môi giới nhà đất, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, các hợp đồng thuê căn hộ vừa hết hạn trong thời gian gần đây (kỳ hạn thông thường là một năm) đều được ký mới với mức giá tăng đến 10% hoặc hơn.
Nguyên nhân là số lượng người hỏi thuê căn hộ đã tăng vọt trong vài tháng trở lại đây, đặc biệt tại TP.HCM, do lao động ngoại tỉnh đã quay trở lại làm việc.
Theo thống kê của chuyên trang Chợ Tốt Nhà, từ khi TP.HCM được công nhận là "vùng xanh" thì nhu cầu tìm kiếm phòng trọ, căn hộ cho thuê đã tăng cao trở lại, với 96% tin đăng được khách thuê liên hệ, trong khi tỷ lệ này vào năm 2020 chỉ đạt 86%. Còn hiện nay, xấp xỉ 99% tin đăng đã được liên hệ.
Còn theo dữ liệu trên Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới căn hộ cho thuê trong quý I năm 2022 tăng vọt 159% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tại TP.HCM, mức độ tăng trưởng đạt gần 62%.
"Các bạn trẻ đã quay TP.HCM để làm việc, thu nhập nhìn chung cũng dần hồi phục nên nguồn cầu lẫn mức độ sẵn sàng chi tiêu đã tăng trở lại dù chưa nhiều. Còn về phía chủ nhà, sau mấy năm giảm, giãn tiền thuê, thậm chí không có khách thuê, nay là cơ hội để họ bù đắp nguồn thu. Giá thuê có dấu hiệu tăng trở lại từ thời điểm sau Tết, đến nay hầu như đã về mức trước dịch", ông Hoàng Thắng, đại diện một công ty môi giới chuyên cho thuê căn hộ khu vực quận 1, 3, Gò Vấp và Bình Thạnh cho biết.
Vị này cho hay, với các căn hộ công ty ông đứng ra thuê rồi sửa sang và cho thuê lại, tỷ lệ lấp đầy đã đạt khoảng 95%, dù chủ nhà không còn nhiều chính sách hỗ trợ như trước nữa.
Kể cả với phân khúc căn hộ cho thuê tầm trung và cao cấp chuyên phục vụ khách công tác, khách du lịch, theo bà Nguyễn Trương Thanh Thanh - chủ một đơn vị, giá thuê cũng đã tăng khoảng 30% so với giai đoạn dịch bệnh, tương đương mức giá năm 2019.
"Dù thực tế lượng khách du lịch hay công tác từ thị trường nội địa lẫn quốc tế đều chưa nhiều, nhưng tỷ lệ lấp đầy ở các căn hộ của chúng tôi vẫn đạt 100%, với mức giá thuê trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng cho một căn studio 1 phòng ngủ hay 50 triệu đồng/tháng cho một căn hộ 2 phòng ngủ", bà chia sẻ thêm.
Người trẻ loay hoay, chật vật với bài toán chi tiêu
Sự hồi phục của thị trường cho thuê, trên thực tế, lại khó khăn cho người trẻ, trong bối cảnh vật giá đang leo thang.
Vào đợt bùng dịch năm ngoái, Huỳnh Bích (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cùng bạn trai góp tiền thuê một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ thuộc dự án chung cư tái định cư ở quận Bình Thạnh, TP.HCM để tiết kiệm chi phí. Giá thuê khi đó được chủ nhà đồng ý hỗ trợ, là 9 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, cuộc sống sinh hoạt không đảm bảo khi cả căn hộ lẫn nội thất đều đã cũ và ít nhiều hư hỏng, chưa kể cư dân xung quanh thường xuyên hát hò, karaoke. Bích cố gắng chịu đựng bởi cô không thể tìm thấy căn hộ nào tốt hơn với mức giá tương tự, trừ khi ở xa trung tâm và văn phòng.
"Các chủ nhà luôn viện cớ kinh tế đã hồi phục nên giá thuê phải về mức của 2019. Ròng rã 2 tháng trời đi xem nhà và thương lượng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một căn 1 phòng ngủ, giá thuê 12 triệu đồng/tháng, nhưng chưa kịp chốt cọc thì đã có người thuê mất. Chúng tôi đành "bấm bụng" chốt một căn hộ khác 2 phòng ngủ, giá thuê 14 triệu đồng/tháng. Vậy là tiền thuê nhà ngót nghét bằng 30% thu nhập của 2 đứa", Bích cho hay.
Theo nữ nhân viên văn phòng này, giá nhà tăng trở lại cùng lúc với giá xăng, giá đồ ăn thức uống leo thang đã khiến cô gặp khó trong bài toán chi tiêu hàng tháng.
"Chúng tôi tìm đủ cách cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là các khoản ăn tiệm, giải trí và mua sắm. Mới đầu mọi thứ vẫn khá ổn vì chúng tôi còn tiền tiết kiệm, nhưng tôi sợ sẽ không duy trì được lâu, nhất là khi đà tăng của các chi phí thiết yếu chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi e vài tháng nữa sẽ phải đi tìm một căn nhà mới ở xa hơn", Bích nói.
Đây cũng là lựa chọn của Diệu Linh (27 tuổi, freelancer). Với công việc thu nhập không ổn định, buộc Linh phải trả căn hộ ở khu vực quận 2 cũ (nay thuộc TP.Thủ Đức) để chuyển đến một phòng trọ nhỏ ở quận 7.
"Quen với cuộc sống ở chung cư mấy năm qua, giờ quay lại nhà trọ với tiện ích gần như không có nên tôi khá trầm cảm. Nhưng dù sao, đây vẫn là lựa chọn tối ưu, bởi những năm đại dịch vừa qua đã làm tôi cạn tiền tiết kiệm, còn thu nhập hiện tại chỉ mới bằng 60-70% giai đoạn 2018-2019, chưa kể tiền ăn, tiền đi lại tăng cao hơn cả trước đây", Linh chia sẻ.
Theo ông Hoàng Thắng, giá thuê căn hộ sẽ được duy trì ít nhất cho đến hết năm nay, để phù hợp với mức độ sẵn sàng chi tiêu của khách thuê. Tuy nhiên, sang năm 2023 khi nguồn cung căn hộ dần trở nên khan hiếm hơn thì mức giá sẽ được nâng lên.