Giá thuê căn hộ, nhà phố trung tâm Hà Nội, TPHCM hạ nhiệt?
Giá mặt bằng nhà phố cho thuê suy giảm
Theo Tri thức trẻ, thị trường bất động cho thuê vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu hồi phục tích cực và sôi động trở lại. Cụ thể trong quý I/2022, giá thuê căn hộ chung cư tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; Văn phòng cho thuê tăng 47%; Giá thuê nhà mặt phố tăng 2%; Kho, xưởng, đất cho thuê cũng tăng 9%.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, “Yếu tố tích cực này sẽ tác động đến việc mở cửa lại nền kinh tế cả nước nên các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Nhất là các chính sách của Chính phủ đang hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân, qua đó khiến lượng người trở lại thành phố đông đúc hơn. Hơn nữa du lịch cũng bắt đầu hoạt động trở lại, vấn đề di chuyển giữa các tỉnh thành cả nước dễ dàng đã thúc đẩy phân khúc cho thuê tăng trưởng trong giai đoạn này”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các phân khúc đều được phục hồi như trước đại dịch. Nhất là với hai loại hình nhà riêng và nhà mặt phố cho thuê. Cụ thể, mặt bằng nhà riêng đã giảm 6%, còn nhà mặt phố giảm 16% so với năm 2019. Có thể thấy, đây là hai phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng nhất do Covid gây nên. Tại Hà Nội, nhà riêng và nhà mặt phố ghi nhận hoạt động mua bán không thay đổi nhiều so với quý I/2021, nhưng mức độ quan tâm tăng 26% so với quý I/2019. Còn với thị trường cho thuê thì mức độ quan tâm tới bất động sản này tăng 19% so với quý I/2021, tăng 12% so với quý I/2019.
Đặc biệt là, giá cho thuê nhà mặt phố đang giảm khá nhiều tại các quận trung tâm, còn các quận ngoài trung tâm lại có giá thuê tăng trưởng ổn định. Chẳng hạn, các căn nhà mặt phố quận Hai Bà Trưng đang giảm 9% giá thuê, quận Tây Hồ cũng còn giảm tới 65% so với mức giá thuê trung bình năm 2021. Các khu vực vùng ven, nhất là quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông lại ghi nhận mức tăng lần lượt là 5%, 10%, 2%.
Anh Phong (Hà Nội) chia sẻ, anh mới thuê được mặt bằng kinh doanh trên phố Lò Đúc với giá 8 triệu đồng/ tháng cho diện tích 30m2. “Trước đó, căn nhà được cho thuê với mức 15 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên vì dịch bệnh nên khách đã trả lại mặt bằng được một thời gian. Vì lâu rồi không có người thuê nên khi tôi hỏi, chủ nhà chấp nhận giảm tiền thuê mặt bằng này”. Anh Phong cho biết thêm, với cùng diện tích 30m2, anh đã thuê thêm một mặt bằng thứ 2 để kinh doanh tại quận Cầu Giấy với mức giá cao hơn là 12 triệu đồng/ tháng.
Chuyên gia nhận định, việc giá thuê mặt bằng trên các tuyến phố trung tâm bị giảm đi so với năm trước vì nguồn khách nước ngoài năm nay bị suy giảm trầm trọng. Nhóm khách quốc tế chính là nhóm tiêu dùng mạnh nhất tại các quận trung tâm, do dịch bệnh vẫn hiện hữu nên chưa thể trở lại Việt Nam.
Trái ngược với sự suy giảm giá thuê tại những khu trung tâm, thì giá thuê nhà mặt phố những quận vùng ven lại tăng lên. Nguyên nhân là người lao động, sinh viên đã được trở lại thành phố để học tập và làm việc sau thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh. Các chuyên gia cũng dự báo, thị trường cho thuê tại vùng trung tâm và ngoài trung tâm sẽ có sự tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.
Tương tự Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng gặp tình trạng giảm giá thuê vùng trung tâm và tăng giá thuê vùng ngoài trung tâm. Tuy nhiên so với thị trường Hà Nội thì TP. Hồ Chí Minh có tốc độ phục hồi tốt hơn. Hiện tại, thị trường khu vực phía Nam đang xuất hiện hai xu hướng:
Một là, dịch chuyển mô hình kinh doanh. Nếu như trước đây, các đơn vị F&B sẽ săn lùng những mặt bằng tuyến phố lớn để làm cửa hàng thì hiện nay mô hình kinh doanh này đã chuyển sang các khu vực ven thành phố. Bởi, nơi đây vừa thông thoáng lại có mức giá thuê rẻ hơn, chỉ từ 30 - 80 triệu đồng/ tháng. Tiếp đó, kể từ giai đoạn đại dịch, chủ cửa hàng đã dần chuyển sang kinh doanh kết hợp giữa online và offline.
Hai là, những tuyến đường kinh doanh sầm uất như Đồng Khởi, Quận 1 (TP. HCM) bây giờ vẫn chưa thể hồi phục. Nguyên nhân vì động lực phát triển của khu vực này là khách du lịch trong và ngoài nước vẫn chưa quay lại. Các thị trường chính như Trung Quốc, Châu Âu, Nga vẫn đang hạn chế các đường bay nên thị trường chưa có nguồn khách này.
Như vậy, thị trường cho thuê vẫn chưa thể đạt mức như trước dịch và cần ít nhất là 6 đến 12 tháng để thị trường hồi phục hoàn toàn. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm giảm xuống kéo theo giá thuê giảm là điều tất yếu, thay vào đó các khu vực có nhiều khách hàng nội địa tại các quận, huyện vùng ven sẽ tăng giá thuê.
Chung cư Hà Nội tăng giá liên tục
Loại hình nhà ở phổ biến nhất tại Hà Nội là căn hộ chung cư vẫn liên tục tăng cả giá bán lẫn giá thuê. Cụ thể, trong quý I/2022, mặt bàng giá bán chung cư phân khúc cao cấp đã tăng 5%, đạt mức 48 triệu đồng/m2; Phân khúc trung cấp tăng 7%, đạt mức 35 triệu đồng/m2; Phân khúc căn hộ giá rẻ tăng 8%, đạt mức 25 triệu đồng/m2.
Tại thị trường thuê chung cư cũng ghi nhận có mặt bằng giá mới trong quý vừa qua. Giá thuê căn hộ cao cấp tăng 4%, từ từ 14,4 triệu đồng/m2 lên 14,9 triệu đồng/m2; Giá thuê căn hộ trung cấp tăng 3%, từ 10,7 triệu đồng/m2 lên 11,1 triệu đồng/m2; Giá thuê căn hộ bình dân tăng 7%, từ 8,6 triệu đồng/m2 lên mức 9,2 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn, tại thị trường phía Tây Hà Nội đang áp đảo về số lượng chung cư được bán và thuê nhiều nhất trên thị trường. Ông Hiếu cho rằng, lý do là trong quy hoạch chung xây dựng TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phía Tây sẽ được phát triển để trở thành trung tâm hành chính, thương mại quốc gia. Từ đó, khu vực này trong thời gian qua đã trải qua rất nhiều biến động tích cực, trong đó bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ nhất.