Giá dầu thế giới hạ nhiệt, cổ phiếu dầu khí biến động chóng mặt
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 5/7: Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa, VN-Index vẫn rơi 14 điểmSSI Research: Thanh khoản giảm do nguồn cung hạn chế và giá bán tăng cao, thận trọng với cổ phiếu bất động sản trong năm 2022Thanh khoản èo uột, cổ phiếu chứng khoán liệu có còn hấp dẫn?Theo Nhịp sống kinh tế, phiên giao dịch 5/7 vừa qua đã chứng kiến giá "vàng đen" giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 đến nay. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 9 ở mức 102,8 USD/thùng, giảm đến 10,73 USD, tương đương 9,45%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7, dầu thô WTI tại Mỹ ở mức giảm 8,2%, tương đương 8,93 USD, xuống mức 99,5 USD/thùng.
Theo Reuters, giá dầu giảm mạnh xuất phát từ lo ngại ngày càng tăng về một cuộc suy thoái toàn cầu và tình trạng Covid-19 ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu. Đồng quan điểm, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho cũng cho biết, lý do duy nhất để giải thích cho sự sụt giảm mạnh về giá dầu này chính là nỗi sợ về suy thoái kinh tế.
Sự khó lường của giá dầu khiến dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới cũng trái chiều. Cách đây không lâu, Bloomberg còn dẫn cảnh báo của các nhà phân tích JPMorgan về khả năng giá dầu toàn cầu có thể vọt lên mức 380 USD/thùng nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Nga cắt giảm sản lượng để trả đũa.
Vốn nhạy cảm với diễn biến của giá dầu thế giới, không bất ngờ khi nhóm cổ phiếu dầu khí cũng biến động chóng mặt trong thời gian gần đây. Hồi tháng 3 năm nay, sau khi đạt đỉnh 14 năm, hầu hết các cổ phiếu dầu khí đều đã quay đầu giảm mạnh cùng nhịp điều chỉnh của giá dầu, qua đó đánh mất thành quả tăng giá trước đó.
Sau nhịp điều chỉnh, giá dầu đã một lần nữa quay đầu tăng mạnh, thậm chí có thời điểm đã gần về lại đỉnh cũ vào cuối tháng 5. Yếu tố này đã châm ngòi cho một nhịp hồi mạnh của loạt cổ phiếu dầu khí. Cách đây chỉ hơn nửa tháng, những cái tên như GAS, BSR vẫn còn hừng hực khí thế vượt đỉnh và được đánh giá sẽ hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu neo cao. Trong khi đó, PVD, PVS, PVT, PVB, PVC,... lại có phần hơi "đuối" do có mức độ tương quan với giá dầu thấp hơn.
Theo nhận định của SSI Research, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS (tăng/giảm doanh thu và biên lợi nhuận, và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá khí ở mức cao), cũng như PLX, OIL (tăng/giảm doanh thu & lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Với các công ty dầu khí thượng nguồn như PVD và PVS, giá dầu sẽ không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào dự án mang tính chất dài hạn hơn. Nếu giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Chứng khoán TPS cũng cho rằng, vấn đề nút thắt về nguồn cung vẫn là điểm trọng yếu chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn, do đó giá dầu vẫn sẽ duy trì nền cao so với năm 2022. Theo đó, việc giá dầu duy trì trên 60-70 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
TPS đánh giá, hoạt động thượng nguồn đang sôi động trở lại với nhiều dự án tiềm năng trong trung dài hạn như Lô B, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu... Dự án Lô B - Ô Môn sẽ được khởi công trong giai đoạn cuối năm 2022. Đây được xem là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.