Giá đất nền Hà Tĩnh tăng từng ngày, 2 tỷ không mua nổi mảnh đất ở quê
BÀI LIÊN QUAN
Mảnh đất nằm tận ngõ hẻm sâu, giá vẫn tăng "chóng mặt"Chỉ mới manh nha có thông tin triển khai hạ tầng, đất ở Bình Phước đã phát “sốt”Giá đất Củ Chi tăng “phi mã”, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi ôm hàngNgười dân bỏ đồng ruộng đi làm “cò đất”
Những ngày đầu tháng 4/2022, cò đất và nhà đầu tư bất động sản tập trung đông đúc tại khu vực quy hoạch khu dân cư cạnh quốc lộ 15B thuộc xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tĩnh Hà Tĩnh.
Anh Trần Văn Nhật, một người dân địa phương cho biết, từ khi có thông tin UBND tỉnh cho doanh nghiệp khảo sát làm dự án khu công nghiệp, khu thương mại và khu dân cư thì giá đất nền ở đây tăng từng ngày. Ba năm trước một lô đất bám mặt tiền quốc lộ 15B rộng 120m2 có giá 720-920 triệu đồng thì nay đã rao bán gần 3 tỷ đồng.
Theo anh Nhật, khu vực này nằm cạnh quốc lộ nên giao thông thuận lợi, nếu được đầu tư các dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế chung cả vùng. Tuy nhiên, khi anh hỏi Chủ tịch UBND xã Việt Tiến thì được biết hiện doanh nghiệp mới chỉ khảo sát để lập quy hoạch chứ chưa được phê duyệt chủ trương hay chấp thuận đầu tư.
Tương tự, tại xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Hà Tĩnh, chỉ từ sau Tết đến nay chính quyền địa phương đã tiếp nhận và xử lý cả chục đơn thư, kiến nghị liên quan đến đất đai. Có sự việc em đi làm ăn xa, anh thấy giá đất tăng nên tự ý cắt ra bán, rồi có chuyện buổi sáng uỷ ban xã nhận hồ sơ làm sổ đỏ cho người anh thì buổi chiều người em gửi đơn yêu cầu xã không giải quyết vì gia đình chưa thống nhất phân chia…
“Sốt đất” ở Cẩm Dương còn khiến không ít người dân bỏ bê đồng ruộng, sản xuất để chạy theo giới đầu tư bất động sản. Theo "cò đất" tên Hoà, phí môi giới không cố định, có khi 10 triệu, có khi 50 triệu đồng cho một giao dịch mua bán thành công. "Mình chỉ cần bơm thổi các thông tin dự án sắp xây dựng là các nhà đầu tư sẽ quan tâm. Nhiều người có tiền rảnh hoặc con cái làm ăn xa gửi về trong khi lãi suất ngân hàng đang thấp, mình "gạ" họ mua đất chỉ vài tháng sau là có lời thì rất nhiều người theo. Mà hầu hết các giao dịch đợt này chỉ là đặt cọc tiền để giữ đất sau đó tìm được khách là bán “lướt sóng” kiếm lời thôi", Hoà nói.
Qua khảo sát, thị trường bất động sản nóng nhất ở Hà Tĩnh vẫn là quanh Khu Kinh tế Vũng Áng, thuộc thị xã Kỳ Anh. Từ khi thông tin các dự án nhà máy sản xuất ô tô, cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng do Tập đoàn Vingroup đầu tư, giá đất ở đây tăng từng ngày. Đơn cử như tuyến đường trục chính trung tâm thị xã Kỳ Anh được thổi lên giá 360 triệu đồng/mét ngang, không tính chiều sâu. Còn tại trục đường chính liên xã như Nguyễn Biểu cũng có giá khoảng 140 triệu đến 190 triệu/mét ngang. Riêng ở khu vực chợ Mới, phường Hưng Trí, từ khi xuất hiện thông tin sắp xây dựng dự án Vinhomes Kỳ Anh giá đất đã đẩy từ 100 triệu lên 230 triệu/mét ngang.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thừa nhận, giá đất trên địa bàn đang tăng cao, giao dịch mua bán rất nhiều. Nguyên nhân do rất nhiều dự án đầu tư lớn đang trong quá trình được phê duyệt, triển khai. Giá đất tăng cao giúp nhiều người dân bán đất có tiền tuy nhiên lại khiến nhiều người có nhu cầu mua đất làm nhà gặp khó khăn.
Điển hình như trường hợp của vợ chồng anh Lê Văn Minh – Nguyễn Thị Tâm ở xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh. Sau khi đi làm ăn ở Bình Dương, tích góp được khoản vốn trở về quê (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát phía Nam). Với tài chính 2 tỷ đồng, vợ chồng anh tính mua 1 mảnh đất khoảng 100m2 bám đường lớn để vừa ở vừa kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng 2 vợ chồng tìm “đỏ mắt” mà không thể mua được do vài tháng nay giá đất đã đẩy lên gấp nhiều lần.
Thậm chí, anh về quê vợ ở xã Kỳ Hà để mua đất nhưng những lô trước đây có diện tích 160m2, với 10m mặt tiền có giá 700-800 triệu đồng nay cũng tăng lên trên 3 tỷ đồng. Còn những lô bám đường lớn với diện tích tương tự cũng không dưới 4 tỷ đồng. Số tiền còn thiếu vợ chồng anh không dám vay ngân hàng vì sợ áp lực trả nợ. Sau chục năm buôn ba xứ người giờ giấc mơ trở về cố hương mua đất, dựng nhà lập nghiệp của cặp vợ chồng U40 vẫn chưa thành hiện thực.
Người có nhu cầu mua đất để ở gặp khó trăm bề
Lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai khu vực thị xã Kỳ Anh thông tin, chỉ trong tháng 3/2022, số lượng hồ sơ đăng ký biển động quyền sử dụng đất là 655, tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các giao dịch bất động sản ở đây đều được sang tên, đổi chủ ngay. Có mảnh đất trong vòng 1 tháng đã đổi 3 chủ cho thấy số lượng người mua đất để ở thật rất thấp.
Trong khi đó, đại diện Văn phòng đăng ký đất đai khu huyện Thạch Hà cho biết, thị trường bất động sản sôi động thời gian vừa qua mang lại nguồn ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên khi giá đất cao người dân bán thì dễ nhưng với những người cần mua đất để xây nhà thì lại rất khó. Chưa kể giá đất bị đẩy lên quá cao, không tương xứng với giá trị thực tế sẽ khiến các nhà đầu tư khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng. Thậm chí, nhiều dự án liên tục phải điều chỉnh giá giải phòng mặt bằng do người dân muốn đề bù theo giá thị trường chứ không nhất trí đơn giá nhà nước dẫn đến chậm tiến độ.
Tình trạng sốt đất “dựa hơi” vào thông tin dự án không chỉ diễn ra ở TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh hay huyện Thạch Hà mà còn tràn lan ở nhiều địa phương khác. Trên một số diễn đàn, hội nhóm mua bán bất động sản, đâu đâu cũng thấy thông tin quảng cáo đất nền các khu vực huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộ Hồng Lĩnh… tiềm năng, khả năng đầu tư sinh lời cao. Những vùng quê trước đây vốn yên bình nay cũng rầm rập bước chân các nhà đầu tư bất động sản đổ về. Ngày nào cũng có hàng chục lượt người đi ô tô, xe máy đến xem đất, các giao dịch mua bán, đặt cọc diễn ra từ sáng đến đêm…
Từ những thực tế trên, TS Lê Văn Bảo (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng, câu chuyện bố mẹ hay khuyên con cái làm ăn xa về quê xây dựng nhà cửa rồi tìm công ăn việc làm bây giờ không còn hợp lý. Bởi với giá đất tăng phi mã như vừa qua thì việc tìm mảnh đất “cắm dùi” vô cùng khó đối với nhiều người.
“Tôi chưa bàn đến việc bất động sản sốt ảo hay sốt thật tuy nhiên với việc giá đất thiết lập ở mức cao hơn trong khi hệ thống hạ tầng chưa có nhiều thay đổi, kinh tế vẫn ì ạch sau đại dịch dẫn đến thu nhập của người dân có nhu cầu ở thực không thể mua được đất”, TS Lê Văn Bảo chia sẻ.