Giá bán USD tăng mạnh, lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp thủy sản ứng phó như thế nào trước biến động của tỷ giá?Chênh lệch tỷ giá khiến lợi nhuận sụt giảm, những ngành nào tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới?Biến động khó lường của tỷ giá, những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi?Theo vneconomy.vn, chiều ngày 7/9, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh niêm yết giá bán USD giao ngay từ 23.400 đồng/USD lên mức 23.700 đồng/USD. Giá mua vào hiện tạm để trống (trước đó niêm yết 22.550 đồng/USD).
Trước đó, vào tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD thêm 200 đồng ở chiều bán, đạt mức 23.250 đồng/USD. Đến đầu tháng 7, cơ quan này tiếp tục điều chỉnh tỷ giá lên 23.400 đồng/USD.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối. Theo tính toán của Chứng khoán BSC, dự trữ ngoại hối hiện còn khoảng 97,7 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức kỷ lục 110 tỷ USD từng đạt được.
Mức tăng giá bán USD trong đợt này tăng khá mạnh (tăng thêm 300 đồng), tuy nhiên động thái mới của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia đánh giá là không bất ngờ và phù hợp với thời điểm hiện tại bởi 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân đầu tiên là trong tuần trước đồng VND có những tín hiệu tích cực về nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư 2,4 tỷ USD). Tuy nhiên tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực từ xu hướng mạnh lên của đồng USD quốc tế. Do đó, hành động nâng mạnh giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước lần này chủ yếu mang tính phòng thủ cho các đợt tăng lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong thời gian gần đây, do áp lực tỷ giá tăng cao, các thành viên trên thị trường liên ngân hàng phải giao dịch với nhau ở mức giá cao hơn nhiều so với giá bình ổn USD do Ngân hàng Nhà nước bán.
Như tại phiên ngày 6/9, giá bán giao ngay của Ngân hàng Nhà nước là 23.400 đồng/USD còn tỷ giá bán giữ giao dịch giữa các thành viên lên tới 23.545 đồng/USD, tức là cao hơn 145 đồng/USD.
Việc Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét bán USD cho ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm và các ngân hàng muốn mua cũng phải đăng ký trước khiến ngân hàng nào chưa kịp đăng ký thì phải mua ở thị trường từ doanh nghiệp hay từ ngân hàng khác. Điều này khiến tỷ giá liên ngân hàng tăng cao hơn mức bán bình ổn của Ngân hàng Nhà nước.
Nguyên nhân thứ hai là vào ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng có đơn đề nghị. Các ngân hàng được nhận thêm room tín dụng thực hiện ngay hoạt động giải ngân tín dụng đang bị ùn ứ bất lâu nay, dòng tiền tiếp tục chảy ra thị trường.
Trong khi đó, hiện nay thanh khoản hệ ngân hàng vốn đang ở trạng thái khá căng thẳng. Điều này thể hiện rõ nhất ở lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh sau gần 7 năm. Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 1,99%/năm vào ngày 16/8 thì đến ngày 6/9 lãi suất kỳ hạn qua đêm đã chạm mức 5,44%/năm, mức cao nhất của gần 7 năm trở lại đây. Lần gần nhất, mức lãi suất này bật tăng như vậy là hồi đầu tháng 2/2016, tức rơi vào mùa cao điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thanh khoản hệ thống căng do lượng lớn VND bị hút về thông qua hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc nâng giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước đồng nghĩa với việc tạm thời VND không bị hút về. Từ đó, cơ quan điều hành có thêm thời gian điều chỉnh chính sách tiền tệ, đồng thời thị trường bình ổn trở lại sau đợt điều chỉnh room tín dụng vừa qua.
Một chuyên gia ngân hàng nhận xét, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng để “cân” tỷ giá. Bởi khi sức ép lớn và không can thiệp tại vùng cũ nữa thì cần tăng để tạo điểm cân bằng mới. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đã quá cao khiến nhà điều hành không thể bán lượng lớn USD tại vùng giá cũ.
Điểm tựa cho hành động của Ngân hàng Nhà nước có thể nói đến là việc đã giữ được tỷ giá một thời gian và những điều kiện mới phát triển có thể chấp nhận được cho việc tăng tỷ giá như lạm phát tương đối ổn, giá dầu có dấu hiệu chững lại.
Đánh giá về động thái tăng giá bán USD, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đồng USD tăng giá sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng tương lai sẽ gặp khó khăn. Đồng USD tăng chủ yếu do tăng lãi suất. Khi lãi suất cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh tại Mỹ cũng chững lại, theo đó việc nhập khẩu nguyên, vật liệu, phụ kiện sẽ hạn chế hơn.