Chênh lệch tỷ giá khiến lợi nhuận sụt giảm, những ngành nào tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới?
BÀI LIÊN QUAN
Tháng 7/2022: Vĩnh Hoàn đạt gần 1.200 tỷ đồng doanh thu, xuất khẩu cá tra ghi nhận hồi phụcChâu Âu đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện nếu Na Uy áp dụng các phương án hạn chế xuất khẩu điện6 tháng đầu năm 2022, loạt các doanh nghiệp báo lãi khủng nhờ xuất khẩu phân bón tăng kỷ lụcLợi nhuận lao dốc vì chênh lệch tỷ giá
Thông tin từ Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn Novaland đã huy động được 18.000 tỷ đồng nợ vay, con số này tương đương với 75% kế hoạch cả năm. Trong đó, thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi từ nhóm quỹ đầu tư được dẫn đầu bởi Warburg Pincus đã giúp tập đoàn huy động thành công 250 triệu USD. Dù gặp phải nhiều hạn chế về chính sách tín dụng nhưng đây là một con số vô cùng ấn tượng. Bên cạnh việc huy động được nguồn vốn lớn, báo cáo tài chính quý 2 năm nay của Novaland còn cho thấy, nhiều khoản chi phí như chi phí lãi vay, chi phí lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư, chi phí phát hành trái phiếu… khi so với cùng kỳ năm trước đều đã tăng đáng kể.
Đáng chú ý, Novaland còn phải cắn răng bù lỗ hơn 300 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá vì khoản vay ngoại tệ bằng đồng USD lớn và đồng USD lại có xu hướng ngày càng tăng giá. Trong khi cùng kỳ năm trước tập đoàn chỉ bù lỗ 31,5 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, khoản lỗ này vẫn chưa tác động quá lớn đến kết quả kinh doanh của tập đoàn, nhưng đây cũng là một chỉ báo quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay của tập đoàn trong thời gian tới.
Điều đáng nói, diễn biến tăng giá của đồng USD cũng phản ánh phần nào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được niêm yết trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, chênh lệch tỷ giá đã khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu lớn và có tỷ trọng vay nợ USD cao phải ngậm ngùi báo lỗ. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy, Tổng công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 841 tỷ đồng trong quý 2 năm nay, so với cùng kỳ năm trước đã tăng gần 34 lần. Khoản lỗ tỷ giá khổng lồ này đã đẩy chi phí tài chính của Vietnam Airlines lên mức 1.147 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính của Vietnam Airlines đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 1.676 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lỗ 1.012 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Chênh lệch tỷ giá cũng là nguyên nhân chính khiến Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát nhân đôi khó khăn trong kỳ vừa qua. Cụ thể, trong quý 2 “ông lớn” ngành thép Việt ghi nhận 1.270 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá, so với cùng kỳ năm trước đã cao gấp 6,5 lần. Nguyên nhân lỗ chênh lệch tỷ giá tăng cao là do dư nợ vay của Hòa Phát bằng USD cao trong khi lượng nguyên liệu nhập khẩu vào rất lớn. Khoản lỗ này đã đẩy chi phí tài chính của Hòa Phát tăng gấp 2,5 lần, lên mức 2.032 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phải gồng gánh thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 42 tỷ đồng do dư nợ bằng USD lớn tại nhiều ngân hàng (bao gồm Malayan Banking Berhad, Sumitomo Mitsui và Mizuho. So với cùng kỳ năm trước, khoản lỗ này đã cao gấp 10 lần. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến Tập đoàn này báo lỗ sau thuế lên đến hơn 46 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi cùng kỳ năm 2021, Lộc Trời báo lãi 47 tỷ đồng. Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, Lộc Trời ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 137 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm mạnh tới 40%.
Chênh lệch tỷ giá cũng khiến một số doanh nghiệp trong ngành dầu khí và điện lực phải lao đao vì khoản lỗ ngày càng lớn. Mới đây, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 cho thấy, chi phí tài chính của Tổng công ty đã tăng 2 lần so với cùng kỳ, lên mức 680 tỷ đồng. Được biết, mức tăng này đến từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 385 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước Genco3 lãi 88 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.
Quý 2 năm nay, lợi nhuận sau thuế của Genco3 đã giảm hơn phân nửa, chỉ còn 407 tỷ đồng sau khi trừ đi khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi ròng của Tổng công ty đạt 1.254 tỷ đồng, so với nửa đầu năm 2021 đã giảm gần 24%.
Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp khác cũng phải gồng gánh áp lực từ chênh lệch tỷ giá, phải ngậm ngùi chịu lỗ, bao gồm: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) ghi nhận mức lỗ chênh lệch tỷ giá 82 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sợi Thế kỷ lỗ chênh lệch tỷ giá 17 tỷ đồng; Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lỗ chênh lệch tỷ giá 330 tỷ đồng…
Những ngành nào sẽ bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá?
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, chỉ số US Dollar Index (DXY) chính là tiêu chí thể hiện sức mạnh của đồng USD cùng với nhiều đồng tiền chủ chốt khác từ đầu năm đến nay đã tăng 10,7%, thậm chí vượt cả mức đỉnh được thiết lập vào đầu năm 2020. So với thời điểm đầu năm, đồng EUR hiện đang mất giá khoảng 10% so với đồng USD. Thậm chí có thời điểm, đồng EUR còn mất giá hơn 12% chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những chính sách kiềm chế lạm phát gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khiến cho đồng USD mạnh lên đáng kể.
Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Agriseco nhận định trong một báo cáo gần đây rằng, tỷ giá USD/VND ngày càng tăng cao cùng với sự giảm giá của tỷ giá JPY/VND sẽ ảnh hưởng nhất định đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thanh toán bằng đồng USD bởi USd vốn chiếm tới 90% các giao dịch xuất khẩu. Thế nhưng, mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều vẫn phụ thuộc đáng kể vào cơ cấu doanh thu cùng với nguồn vốn của doanh nghiệp đó. Tại Việt Nam, những giao dịch bằng đồng EUR chiếm tỷ trọng không quá cao nên việc tỷ giá EUR/VND giảm không ảnh hưởng quá nhiều đến các doanh nghiệp đang niêm yết.
Cũng theo các chuyên gia của Agriseco, tỷ giá như hiện tại có thể khiến cho một số doanh nghiệp gặp rủi ro, trong đó phải kể đến những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu từ Mỹ, những doanh nghiệp nội địa đang cạnh tranh với những mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Nhật Bản hoặc châu Âu và những doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD dựa trên tổng tài sản cao. Agriseco dựa trên dữ liệu từ Tổng cục Hải Quan cho biết, những mặt hàng được Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Mỹ gồm có chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, bông, dược phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Phần lớn các giao dịch xuất khẩu hiện nay đều được thanh toán bằng đồng USD nhưng đối với việc nhập khẩu từ những thị trường khác, việc USD tăng giá sẽ khiến cho đồng nội tệ bản địa bị mất giá, đồng thời bù trừ cho việc VND bị giảm giá, vì thế các doanh nghiệp Việt không bị ảnh hưởng quá nhiều. Do đó, những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực kể trên có thể bị tăng giá vốn nếu tỷ giá USD/VND tăng, khiến cho lợi nhuận gộp giảm sút đáng kể.
Với các doanh nghiệp nội địa hiện đang bị các mặt hàng nhập khẩu xuất xứ từ Nhật Bản và châu Âu cạnh tranh, các mặt hàng trên từ các khu vực này sẽ có giá vốn rẻ hơn khi tính theo VND, đồng thời bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức cầu tiêu thụ của mặt hàng nội địa. Một số ngành có giá trị nhập siêu từ Nhật Bản và EU khá lớn như sắt thép và phế liệu, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, nhựa, hóa chất…
Chưa kể, biến động tỷ giá còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao dựa trên tổng tài sản của mình. Các doanh nghiệp có thể chịu lỗ tỷ giá cao nếu như huy động vốn vay USD với tỷ trọng lớn, điều này kéo theo chi phí tài chính tăng cao trong khi lợi nhuận sau thuế giảm sút. Đáng chú ý, tình trạng này thường tập trung vào những doanh nghiệp sở hữu chi phí đầu tư tài sản cố định cao như năng lượng tái tạo, điện than, sản xuất thép. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải như: Vận tải dầu khí, vận tải hàng không hoặc những doanh nghiệp đang được tài trợ vốn quốc tế thông qua việc vay nợ bằng đồng USD.
Các chuyên gia cũng nhận định rằng, trong thời gian tới USD sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác (đặc biệt là VND) do ảnh hưởng từ việc Fed liên tục tăng lãi suất. Điều này sẽ tạo sức ép ngày càng lớn đến tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm nay, xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ chậm hơn so với nửa đầu năm. Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ nhiều yếu tố như: dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư cán cân thanh toán, thặng dư thương mại cải thiện, dự trữ ngoại hối cao…