GDP năm 2022 tăng cao nhất trong 12 năm nhờ đâu?
BÀI LIÊN QUAN
Phấn đấu năm 2030 kinh tế khu vực đô thị đóng góp 85% vào GDP cả nướcKinh tế phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP Việt Nam tích cực đến đâu?Tăng trưởng GDP 2023 dự báo khả thi ở mức 6,5 - 7%Thiết lập kỷ lục
Theo diendandoanhnghiep.vn, xuất phát từ mức nền thấp của năm 2020, 2021 do đó GDP năm 2022 có thể đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nói vậy không đồng nghĩa là sức tăng trưởng của năm nay không cao. Ngay từ giữa năm, các chuyên gia kinh tế và các tổ chức đã nhận định năm 2022 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao trên 8%. Hồi giữa tháng 12, Ngân hàng HSBC đã đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ là 8,1%.
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Ban kinh tế Trung ương) đã từng nhận định tại một tọa đàm rằng GDP năm nay có thể đạt 8%. Với mức tăng 8,02%, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng đây là kết quả rất cao mặc dù các lĩnh vực như chế biến, chế tạo, xuất khẩu giảm trong những tháng cuối năm. Con số này đã thiết lập kỷ lục giai đoạn 2011-2022.
Thế kiềng ba chân
Đầu tiên, mức nền so sánh thấp là lý do để GDP 2022 trở nên ấn tượng. Năm 2021 nền kinh tế gần như “đứng im” bởi đại dịch Covid-19. Mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,5% đã không đạt được khi tăng trưởng chỉ ở mức 2,58%. Đến năm 2022, nền kinh tế gần như đã trở lại trạng thái bình thường như trước dịch, tạo đà bứt phá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ đã đóng góp 57% trong tổng mức tăng GDP. Các lĩnh vực khác cũng rất “sáng” khi công nghiệp và xây dựng đóng góp 38%; nông, lâm thủy sản đóng góp 5,11%.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu, thị trường nội địa và giải ngân vốn đầu tư công là thế kiềng ba chân tạo ra sự ấn tượng của GDP năm 2022.
Thị trường nội địa đã trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8%. Điều này phản ánh dòng chảy của khu vực dịch vụ rất sôi động. Nếu loại trừ yếu tố giá thì lĩnh vực này vẫn tăng trưởng hơn 15%. So sánh với thời điểm năm 2019 là khi chưa có dịch thì mức tăng là 15%.
Một yếu tố không thể không kể đến là xuất khẩu năm nay rất tốt. 9 tháng đầu năm thặng dư thương mại hàng hóa đã vượt 10 tỷ USD. Điều này đến từ việc các quốc gia là đối tác lớn của Việt Nam cũng đã phục hồi kinh tế. Tình hình có hơi xấu đi vào những tháng cuối năm, tuy nhiên xuất khẩu cả năm vẫn tăng trưởng tốt, ở mức 10,6%, đạt 371 tỷ USD.
Động lực tăng trưởng khác cũng được các chuyên gia chỉ ra là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm qua, giải ngân nguồn vốn này đạt hơn 22 tỷ USD, bất chấp vốn cam kết giảm 11%. Đây cũng là năm có mức giải ngân vốn cao nhất trong vòng 5 năm qua, tăng 13,5%.
Với vai trò “giảm sóc” cho nền kinh tế, khu vực nông, lâm, thủy hải sản cũng đóng góp lớn vào tăng trưởng. Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, năm qua sản lượng cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi đã phát triển mạnh. Kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành nông sản chủ yếu đến từ chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại đa dạng, linh hoạt.
Các khu vực công nghiệp, xây dựng cũng đã khắc phục được khó khăn nội tại, chủ động kế hoạch sản xuất trong bối cảnh thị trường gặp nhiều bất ổn. Có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này tăng trưởng với tốc độ tăng 8,1%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 7,45%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%...
Mục tiêu cho 2023
Với đà tăng của năm 2022, Chính phủ đã đặt mục tiêu cho năm 2023 GDP tăng trưởng 6,5%. Đây vẫn là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong nước một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn như: Bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, tài chính…
Để giữ nhịp cho năm 2023, theo chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng, quan trọng là nhận biết những vấn đề đang đặt ra và tập trung xử lý. Trong đó, nổi lên là vấn đề tổng cầu giảm. Hiện nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát. Do đó, nhiều nước sẽ suy giảm tăng trưởng. Việt Nam lại là nước ký kết nhiều FTA, nền kinh tế có độ mở lớn, do đó tình trạng suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta.
Vấn đề thứ hai là căng thẳng về thanh khoản có thể vẫn là một vấn đề rất lớn. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng dòng tiền bị cạn kiệt. Tiền đối với sản xuất, kinh doanh cũng như máu đối với cơ thể con người. Thiếu thanh khoản, nhiều doanh nghiệp đang bị đẩy vào tình trạng “chết lâm sàng”. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2023.
Thứ ba đó là sự đóng băng của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của thị trường bất động sản vừa qua phần lớn là cầu đầu tư và đầu cơ. Khi thị trường trì trệ, thì cầu này sẽ suy giảm một cách hết sức nhanh chóng. Cầu giảm thì có sản phẩm cũng khó lòng bán được cho ai.
Để giải quyết các vấn đề trên, theo ông Dũng cần phải quan tâm xử lý vấn đề tổng cầu giảm. Phản ứng chính sách quan trọng nhất để tăng tổng cầu có lẽ vẫn phải là đẩy mạnh đầu tư công. Ngoài ra, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp có vẻ sẽ là một mũi tên trúng nhiều mục đích ở đây: Góp phần nâng tổng cầu; Giải quyết một vấn đề xã hội rất lớn của đất nước; Cứu giúp thị trường bất động sản khỏi tình trạng suy giảm và trì trệ hiện nay.
Thứ hai, coi bảo đảm thanh khoản là chính sách quan trọng nhất và là nhiệm vụ cấp bách cần tập trung xử lý. Một chuyên gia về tài chính, ngân hàng cho rằng, để bảo đảm thanh khoản, quan trọng là phải nâng lãi suất. Tuy nhiên, không phải nâng lãi suất đồng loạt. Cách làm phù hợp là nâng lãi suất nói chung, nhưng có chính sách lãi suất ưu đãi cho các ngành và các doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Cuối cùng, chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng cần tiếp tục cải cách nền công vụ, mà trước hết là thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi các cán bộ, công chức đều sợ phải chịu trách nhiệm một cách quá đáng như hiện nay, thì điều quan trọng là phải bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các công chức nhà nước.
Còn theo ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Thống kê, năm 2022 mặc dù có nhiều thách thức, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều động lực để phát triển, đạt được mục tiêu đề ra.
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng cần phải củng cố và khơi thông các nguồn lực trong nước. Trong đó cần tập trung vào giải ngân vốn đầu công.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu để khơi thông “mạch máu” cho nền kinh tế. Đi kèm với đó là giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Về nguồn cung tiền, cần thiết phải tăng lượng tiền ra thị trường. Vì vậy, theo các chuyên gia, ngoài tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, việc giảm lãi suất, tăng cung tiền sẽ phần nào khơi thông mạch máu cho năm sau. Bởi lẽ, có cơ sở để không quá lo ngại vấn đề lạm phát. Thực tế, lạm phát của Việt Nam được cho là đến từ chi phí đẩy (giá nhập khẩu, tỷ giá tăng) chứ không phải tổng cung tiền tăng.
Một công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư cho rằng hiện nay Việt Nam là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư ở khu vực và trên thế giới. Công ty này đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn từ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore. Các phân khúc được quan tâm gồm bất động sản, khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở và khách sạn.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc, Colliers Việt Nam, hiện nay mặc dù tâm lý của các nhà đầu tư là khá thận trọng nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư đang tận dụng cơ hội thị trường có dấu hiệu giảm tốc để củng cố danh mục đầu tư. Ông David Jackson cũng đưa ra lời khuyên đối với các nhà đầu tư trong nước là cần phải tái cấu trúc cũng như đẩy mạnh M&A để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn.
Về các yếu tố khách quan, các chuyên thống nhất rằng cục diện cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều. Các tác động của cuộc xung đột này sẽ khiến giá năng lượng trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết. Các nước châu u và Mỹ vẫn phải đối mặt với lạm phát. Mỹ tiếp tục siết chặt cấm vận công nghệ Trung Quốc và hàng nước này có thể không còn rẻ do năng suất lao động giảm. Những yếu tố này sẽ tác động đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia đưa ra, đó là tận dụng tối đa các cơ hội còn lại sẽ rất quan trọng trong năm sau, khi kinh tế thế giới có thể kém sáng sủa. Trong đó, thu hút FDI vẫn tốt và du lịch kỳ vọng hồi phục nhanh hơn.
Theo HSBC, bất chấp những "cơn gió ngược" có tính chu kỳ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ngoài Lego, các tập đoàn lớn như Samsung, LG gần đây đã công bố sẽ tiếp tục rót tiền, cho thấy sự hấp dẫn lâu dài đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tóm lại, dù có nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ sự tin tưởng về việc mục tiêu tăng trưởng 6,5% được Quốc hội đề ra cho năm 2023 có thể đạt được dựa trên nền tảng vững chắc của năm 2022.