Tăng trưởng GDP 2023 dự báo khả thi ở mức 6,5 - 7%
BÀI LIÊN QUAN
GDP Việt Nam năm 2022 xếp thứ mấy trong khối Asean?Liệu GDP bình quân Việt Nam có đủ để "hóa hổ" nếu tăng trưởng trung bình trên 6%IMF dự báo 5 năm nữa GDP Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam ÁTăng trưởng năm 2022 ước đạt 7 - 7,5%
Ngày 30/9, tại Quảng Ninh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch cho năm 2023 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban này.
Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm nay kinh tế xã hội của đất nước đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Kinh tế vĩ mô giữ được sự ổn định. Lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên được thúc đẩy phát triển phù hợp. Đời sống và thu nhập của người dân, nhất là nhóm người thu nhập thấp, người nghèo được nâng cao.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo và phát triển văn hóa, xã hội được thực hiện tốt. Người dân được đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin. Người dân từng bước được nâng cao phúc lợi, đảm bảo an toàn và hạnh phúc.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, chỉ có 01 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội). Cụ thể, Quốc hội giao chỉ tiêu này tăng 5,5%, ước thực hiện là 3,8-4%.
Trong số các chỉ tiêu vượt kế hoạch, đáng chú là tăng trưởng GDP ước đạt từ 7-7,5%. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào con số ấn tượng này là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng trưởng đạt 9,66%. Tiếp theo là khu vực dịch vụ, tăng 6,6%. Các địa phương trên cả nước có sự phục hồi khá đồng đều, với 44/63 tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng GDPR đạt trên 6%.
Ngoài ra, GDP bình quân đầu người cũng đạt và vượt kế hoạch, ở mức 4.075 USD so với 3.900 USD được giao. Chỉ số CPI đạt 4%. Các tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm… đều giảm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn của nền kinh tế. Theo đó, một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao, 42/51 bộ, cơ quan ngang bộ và 21/63 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình. Cá biệt, 12 cơ quan bộ, ngành trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch được Thủ tướng giao.
Về tín dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao như: bất động sản, chứng khoán. Theo đó, thị trường chứng khoán còn nhiều biến động, các cổ phiếu liên quan tới bất động sản giảm mạnh gây ảnh hưởng tới giá trị tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nguy cơ về bong bóng, sốt ảo, thổi giá… đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc cấp tín dụng cho bất động sản. Vấn đề chênh lệch giữa kỳ hạn cho vay và nguồn vốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Dự kiến GDP 2023 là 6,5% - 7%
Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong năm 2023, nền kinh tế nước ta vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, nổi lên là áp lực lạm phát tăng cao, các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc… bị thu hẹp do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng vẫn là những ưu tiên được đặt ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cần kiềm chế dịch Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh phát sinh. Đẩy mạnh việc cơ cấu, nâng cao năng lực cũng như tính chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, tìm kiếm và phát triển các động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Về 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội – môi trường, Bộ đưa ra một số mục tiêu cụ thể. Theo đó, tăng trưởng GDP vào khoảng 6,5%. GDP bình quân đầu người là 4.400 USD. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chế biến, chế tạo trong cơ cấu GDP là 26,4-26,5%. Chỉ số giá tiêu dùng là 4,5%. Năng suất lao động xã hội đạt từ 5 đến 6%; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%...
Đối với mục tiêu tăng trưởng GDP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến 3 phương án tăng trưởng.
Tại phương án 1, kịch bản có thuận lợi, nếu năm 2022 kinh tế tăng trưởng 6,5% thì dự báo năm 2023 GDP sẽ đạt 7-7,5%. Trong đó chỉ số giá tiêu dùng không vượt quá 5%. Kịch bản này dựa trên tình hình triển vọng sáng, các thách thức, khó khăn và tình hình quốc tế ổn định, tình hình trong nước cơ bản được kiểm soát.
Phương án 2 đề ra mức tăng trưởng năm 2023 là 6,5-7%. Kịch bản này dựa trên nền tăng trưởng của năm 2022 là từ 7-7,5%. Trong đó chỉ số giá tiêu dùng không vượt quá 4,5%. Đây là phương án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khả thi nhất với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay và dự báo 2023. Đây cũng là phương án được Bộ này đề xuất.
Phương án cuối cùng, trường hợp năm 2022, GDP đạt trên 7,5% thì dự báo năm 2023 sẽ tăng trưởng 6-6,5%. Trong đó chỉ số giá tiêu dùng dao động trên hoặc dưới 4%. Đây là phương án trong trường hợp căng thẳng quốc tế vẫn phức tạp, chuỗi cung ứng gặp bất lợi và lạm phát cao, suy thoái kinh tế tại một số quốc gia.
Bên cạnh một số chỉ tiêu, các cân đối lớn năm 2023 cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến. Theo đó, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 1.612,96 nghìn tỷ đồng, dự toán chi ngân sách nhà nước đạt 2.073,46 ngàn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 33,6%. Bội chi ngân sách nhà nước 460,5 ngàn tỷ đồng, bằng khoảng 4,47% GDP, tăng khoảng 87,6 ngàn tỷ đồng so với dự toán năm 2022.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt khoảng 795 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2022, dự kiến xuất siêu khoảng 1 tỷ USD. Tiêu dùng cuối cùng bằng khoảng 66,2% GDP, tỷ lệ tích lũy tài sản bằng khoảng 33,8% GDP.
Tổng công suất nguồn điện năm 2023 (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) dự kiến đạt 76.139 MW, tăng 3,99% so với năm 2022.
Sản lượng lúa cả năm 2023 đạt khoảng 43,19 triệu tấn, tăng 0,36% so với năm 2022.
Sẽ hoàn thành phê duyệt quy hoạch còn lại
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp và 8 nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành.
Trong đó, bao gồm giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19; Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Về lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, duy trì ổn định và kiểm soát có hiệu quả. Về thể chế, đảm bảo xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh đồng bộ, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, đầu tư phát triển lành mạnh, bền vững, đặc biệt là thị trường bất động sản, chứng khoán…
Bốn là tiếp tục cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình phát triển hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế…
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng…
Thực hiện việc hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn tồn tại trong hệ thống quy hoạch quốc gia, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quan trọng, có tính liên vùng và hạ tầng của các đô thị lớn…
Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam…
Cuối cùng, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.