GDP Mỹ giảm quý thứ hai liên tiếp nhưng các chuyên gia nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa rơi vào suy thoái
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao đồng USD lại tăng lên ngang giá so với Euro dù kinh tế Mỹ đang bị suy thoái?Vận mệnh của thị trường chứng khoán lẫn kinh tế Mỹ đều đang phụ thuộc vào giá dầuKinh tế Mỹ khó thực hiện “hạ cánh mềm”?Theo VnExpress, số liệu ước tính được công bố vào tối qua của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, GDP của Mỹ trong quý II đã giảm 0,9%. Tiêu dùng - thành phần đóng góp lớn nhất vào GDP của Mỹ đã tăng 1% trong quý II. Tuy nhiên, mức tăng này chậm hơn so với quý trước. Chi tiêu công và đầu tư của các doanh nghiệp cũng sụt giảm.
Vào quý trước đó, GDP của Mỹ đã giảm 1,6%. Trên lý thuyết, khi một nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng liên tiếp thì được cho là suy thoái.
Tuy nhiên, việc quyết định nền kinh tế Mỹ có thực sự rơi vào suy thoái hay tăng trưởng từ lâu được coi là nhiệm vụ của Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER). Tổ chức này được thành lập từ năm 1920, là tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ.
Lần gần đây nhất GDP của Mỹ giảm trong 2 quý liên tiếp là đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vào tháng 6/2020, NBER không cần chờ đến GDP của quý II đã tuyên bố kinh tế Mỹ suy thoái. Sau đó, số liệu chính thức cho thấy GDP trong quý II của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm kỷ lục 33%.
Báo cáo GDP ngày hôm qua cho thấy, lạm phát tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ đã siết tiêu dùng của người dân Mỹ như thế nào. Số liệu này sẽ khiến cho Tổng thống Mỹ Joe Biden thêm đau đầu, đồng thời sẽ làm phức tạp thêm tính toán của Fed trong việc nâng lãi trong kỳ họp tới vào tháng 9.
“Vấn đề quan trọng hơn cả là nền kinh tế đang mất đà rất nhanh do lạm phát tăng cao nhất 4 thập kỷ, chi phí đi vay tăng nhanh và điều kiện tài chính ngày một thắt chặt”, theo Sal Guatieri, nhà kinh tế học làm việc tại BMO Capital Markets. “Nền kinh tế đang rất tổn thương và có thể lâm vào tình trạng suy thoái”, ông nói thêm.
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đang khiến cho nhiều ngành nhạy cảm với lãi suất ngày một suy yếu đi, điển hình như bất động sản. Trong 11 chu kỳ thắt chặt trước, Fed chỉ tránh suy thoái được 3 lần. Trong các chu kỳ đó, mức tăng của lạm phát đều thấp hơn so với hiện nay. Đây chính là điều khiến cho giới phân tích cùng thị trường lo lắng. Chủ tịch của Fed, ông Jerome Powell cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng, rủi ro lớn nhất đối với một nền kinh tế chính là lạm phát dai dẳng chứ không phải là nền kinh tế đang giảm tốc.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm sau báo cáo GDP, do số liệu này làm giảm khả năng Fed sẽ nâng lãi mạnh tay. Trong khi đó, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ vẫn đang đi xuống còn đà tăng của USD đang dần thu hẹp lại.