Farmstay: Xu hướng đầu tư "mới mà quen" của thị trường bất động sản
Tiềm năng khi đầu tư farmstay
Theo Thanh Niên Việt, vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) chỉ đạo Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED Center) phối hợp với Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp tổ chức “Bàn tròn Xúc tiến đầu tư Bất động sản: Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam”. Tại đây, ông Lê Văn Bình - Đại diện Vụ Đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, một số địa phương đã xuất hiện mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng như Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và TP. HCM.
Mô hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng trên trang trại nông nghiệp, hay còn gọi là mô hình farmstay, là loại hình bất động sản xây dựng cơ sở lưu trú cho khách du lịch lưu trú, nghỉ ngơi và trải nghiệm các hoạt động về nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, tham quan, nghỉ dưỡng và thưởng thức sản phẩm sạch được nuôi trồng và chế biến ngay tại nông trại.
Với mô hình này, nhà đầu tư đã tiến hành xây mới, cải tạo lại nhà tạm, lán trại thuộc các trang trại nông nghiệp, những khu đất nông nghiệp nhằm tạo ra các khu nghỉ dưỡng để đưa vào kinh doanh du lịch hoặc chuyển nhượng. Thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển rất năng động, việc mô hình farmstay nổi lên là do nhu cầu của thị trường du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Ông Bình cho hay, du lịch nông nghiệp nông thôn hiện tại đã trở thành một trong những lựa chọn hấp dẫn của khách du lịch, nhất là khách nước ngoài khi muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, con người hay cuộc sống tại các vùng nông thôn trên cả nước. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng tạo ra nhiều cơ hội để các vùng nông thôn tận dụng tiềm năng và thế mạnh, thúc đẩy giá trị bất động sản và kinh tế, xã hội, khu vực phát triển. Việc phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn dự kiến sẽ trở thành xu hướng mới cho các địa phương trên cả nước.
Đối với mô hình du lịch farmstay, vừa để thu hút khách du lịch, vừa đóng góp vào việc hỗ trợ cộng đồng trong khai thác và bán những sản phẩm sạch từ trang trại cho khách du lịch và ra thị trường; Góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Theo đó, phát triển mô hình này có thể là hướng đi mới trong hoạt động đầu tư và phát triển du lịch bền vững.
Vướng mắc về pháp lý
Farmstay - trang trại nghỉ dưỡng được hiểu là bất động sản kết hợp du lịch nông nghiệp, loại hình này đang phát triển ngày càng mạnh tại Việt Nam. Tuy có sức để “tiến”, nhưng thực tế khung pháp luật cho loại hình bất động sản này vẫn chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế và chiến lược tổng thể, bài bản mang tầm cỡ lâu dài, bền vững về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tại những bộ luật như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Du lịch.
Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội - PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến khuyến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp luật để bất động sản kết hợp du lịch nông nghiệp phát triển.
Theo đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, cần bổ sung vào Điều 3 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi điều khoản giải thích về đất du lịch nông nghiệp; bổ sung quy định về cấp GCNQSDĐ cho đất sử dụng vào mục đích du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, quy định về quyền và nghĩa vụ cụ thể của tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp; Những hình thức tiếp cận đất đai, cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phân khúc này.
Nhà nước cần xác định rõ đất du lịch nông nghiệp là đất nông nghiệp hay loại đất sử dụng đa mục đích; Cần bổ sung quy định về cơ chế phối, kết hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý đất du lịch nông nghiệp.
Cần bổ sung một mục trong Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 về phân khúc kinh doanh bất động sản du lịch nông nghiệp. Theo đó, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch, nông nghiệp.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, cần bổ sung thêm quy định về bản chất, những loại hình sản phẩm của bất động sản du lịch nông nghiệp; Cơ chế khuyến khích đầu tư vào BĐS du lịch nông nghiệp; Điều kiện, phạm vi kinh doanh loại hình này…
Ngoài ra, bổ sung thêm các quy định về điều kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh BĐS du lịch nông nghiệp; Vấn đề thanh tra, xử lý vi phạm để ngăn chặn việc lợi dụng mục đích kinh doanh loại hình này để thu mua, gom đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, sau đó tìm mọi cách chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, đất phi nông nghiệp rồi bán, chuyển nhượng để kiếm lời.
Đồng thời, để thúc đẩy phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp thì phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Du lịch năm 2017, liên quan tới loại hình du lịch nông nghiệp. Cụ thể là quy định tích hợp giữa quy hoạch du lịch và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển nông nghiệp để tăng cường sự gắn kết, phát triển loại hình bất động sản kết hợp du lịch nông nghiệp.